Doanh nghiệp Thái Lan đổ vốn lớn vào trồng trọt và khai thác hợp pháp cây cần sa
Từ các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp nhỏ ở Thái Lan đang đẩy nhanh đầu tư trồng trọt và khai thác cây cần sa và gai dầu bởi đây là các loại cây hoa màu mới có khả năng sinh lợi. Theo ước tính của Bộ Y tế, loại hoa màu mới này đem lại cho người dân và chính phủ nguồn thu mới khoảng 10 tỉ baht, khoảng 289 triệu đô la mỗi năm.
Nhân viên đang làm việc tại một trong những trang trại đầu tiên được phép trồng cần sa ở Thái Lan hồi tháng 3-2021. Việc hợp pháp hóa trồng và khai thác cây cần sa cho mục đích y tế và giải trí cá nhân có thể đem lại cho người dân, doanh nghiệp và chính phủ Thái Lan nguồn lợi nhuận từ 300 triệu đô la mỗi năm. Ảnh: Reuters
Từ ngày 9-6, theo Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan (TFDA), cây cần sa và cây gai dầu sẽ bị loại khỏi danh mục chất cấm. Người dân và doanh nghiệp muốn trồng, sản xuất và kinh doanh loại cây này chỉ cần đăng ký trên ứng dụng Pluk Kan.
Bước biến chuyển này đã khiến Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á công nhận việc trồng trọt và sử dụng cây cần sa dành cho mục đích y tế và các chế phẩm liên quan là hợp pháp. Số vốn đầu tư vào các doanh nghiệp liên quan hiện lên đến hàng trăm triệu đô la bởi đây là một thị trường tiềm năng mới và mênh mông.
Thị trường mới mênh mông
Một chai trà có vị lá cần sa được bán giá 30 baht, hơn 20.000 đồng, tại các cửa hàng 7-Eleven. Ảnh: Nikkei Asia
Giá trị thị trường của hoạt động kinh doanh liên quan đến cần sa ước tính khoảng 40 tỉ baht và dự kiến sẽ tăng lên 70 tỉ baht vào năm 2024, theo Hiệp hội Thương mại cây gai dầu công nghiệp Thái Lan. Tạp chí thương mại Global Cannabis Report ước đoán rằng thị trường cần sa hợp pháp hiện trị giá 100 tỉ đô la trên toàn thế giới.
Charoen Pokphand Foods (CPF), hãng con chuyên về thực phẩm và đồ uống của tập đoàn CP Group lớn nhất Thái Lan, đã cùng với nhà phát triển năng lượng tái tạo Gunkul Engineering lập liên doanh sản xuất các loại thực phẩm và đồ uống có chứa chất gây hưng phấn cannabidiol (CBD). Liên doanh sẽ đầu tư vào trồng cây gai dầu và chiết xuất CBD làm chất phụ gia cho thực phẩm và đồ uống. Các sản phẩm dự kiến sẽ được bán thông qua các kênh bán lẻ của CPF.
CEO Prasit Boondoungprasert của CPF nói: “Chúng tôi quan tâm đến cây gai dầu như một loại cây trồng kinh tế mới, có thể sử dụng trong thực phẩm và đồ uống có giá trị gia tăng do nhu cầu ngày càng tăng, cả trong nước và quốc tế”. Ông nói thêm rằng sự hợp tác với Gunkul sẽ bao gồm cả việc trồng cần sa, nghiên cứu và phát triển (R&D) cùng với kinh doanh các sản phẩm mới.
Hãng con Saha Pathana Inter-Holding thuộc tập đoàn sản phẩm tiêu dùng khổng lồ Saha Group sẽ cùng đầu tư 370 triệu baht với United Power of Asia và Golden Triangle Group để trồng cần sa ở phía bắc thành phố Chiangrai. Các công ty tìm cách chiết xuất tinh chất của cây và bán cho khách hàng làm thuốc, thực phẩm và đồ uống.
Sri Trang Agro Industry, công ty trồng và xuất khẩu cao su lớn nhất Thái Lan, đã đầu tư 26 tỉ baht vào trồng cần sa và cây gai dầu. Công ty có kế hoạch phát triển nhà máy trên 32 ha, sản xuất chất CBD cho y tế và thực phẩm chức năng.
Hãng năng lượng tái tạo hàng đầu Eternal Energy đã đầu tư 680 triệu baht vào việc trồng cần sa để chiết xuất CBD dành cho khách đã ký hợp đồng trước. Hầu hết khách hàng sử dụng CBD cho các sản phẩm y tế, số khác sử dụng như nguyên liệu trong mỹ phẩm. CEO Worasak Kriangkomol của Eternal Energy phát biểu: “Chúng tôi đã dành nhiều vốn đầu tư hơn cho việc mở rộng đồn điền. Nhu cầu về chất chiết xuất này đang tăng lên trên toàn cầu”.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ như 88Cannatek cũng đang hoạt động tích cực trên thị trường tiềm năng mới này. Công ty đã đầu tư 177 triệu baht trồng cần sa để khai thác CBD như một chất phụ gia cho thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Nhà sáng lập và CEO Pornprasith Sibunruang nói với Nikkei Asia rằng trong tổng số vốn đầu tư, khoảng 115 triệu baht là từ nguồn tài trợ của cộng đồng. Ông cho biết công ty của ông đã hợp tác với những người trồng cây gai dầu và cần sa hàng đầu ở Hoa Kỳ kể từ năm 2019 để học các kỹ thuật trồng và chiết xuất cần sa.
88Cannatek hiện có một trang trại ở phía bắc thành phố Chiangrai và đã liên kết với các trang trại khác ở khu vực miền Trung Thái Lan. Hiện công ty sản xuất 250-400 ký CBD hàng năm và đặt mục tiêu tăng lên 3.000 ký trong vài năm tới.
Thái Lan không phải là nước duy nhất nới lỏng các kiểm soát sử dụng cần sa. Một số nước châu Âu đã thực hiện việc này từ giữa những năm 1990. Uruguay hợp pháp hóa việc sử dụng cho mục đích y tế và giải trí cá nhân vào năm 2013, Canada làm tương tự vào năm 2018. Nhiều nước khác đã loại cần sa khỏi danh mục cấm trồng và kinh doanh, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân.
Vẫn còn “vùng xám pháp luật”
Trước đây, sở hữu cần sa ở Thái Lan có thể bị phạt tù lên đến 15 năm. Từ ngày 9-6, các vụ phạm pháp và phạm tội liên quan đến buôn bán và sử dụng cần sa trước đó sẽ được ân xá. Bộ Cải huấn cho biết có hơn 4.000 tù nhân bị buộc tội hoặc đang thụ án hình sự liên quan đến cần sa sẽ được trả tự do từ ngày mai.
Đảng Bhumjaithai, đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền của Thái Lan, đóng vai trò quan trọng trong trong việc đưa cần sa và gai dầu ra khỏi danh mục cấm. Chủ tịch đảng Anutin Charnvirakul đã vận động tích cực về vấn đề này trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Bhumjaithai đã giành được 51 ghế tại hạ viện, có tiếng nói mạnh mẽ trong liên minh vì giúp Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha tái đắc cử. Giữ chức Bộ trưởng Y tế công cộng trong liên minh cầm quyền, ông Anutin đã tích cực thúc đẩy hợp pháp hóa cần sa.
Kẹo gum và bột từ lá cây kratom, tương tự như cần sa và gai dầu, được trưng bày tại hội chợ triển lãm quốc tế thực phẩm và đồ uống Thaifex 2022 ở Bangkok cuối tháng 5 vừa rồi. Ảnh: Phương Anh
Thái Lan bắt đầu cho phép trồng và sử dụng cần sa cho mục đích y tế từ năm 2019. Năm 2021, lần đầu tiên loại cây kratom có tác dụng lên thần kinh ít mạnh hơn có nguồn gốc từ Đông Nam Á đã được hợp pháp hóa để đánh giá tác động xã hội của các loại thực vật có chất kích thích. Cũng trong năm ngoái, Thái Lan cho phép sử dụng cần sa này như chất phụ gia cho thực phẩm và đồ uống. Nhà hàng, quán ăn và các hãng thực phẩm liền đưa các loại lá cần sa và cây gai dầu vào mọi thứ, từ tô hủ tiếu bình dân, đến trà đóng chai hay các loại bánh mì, bánh quy và pizza.
Bộ Nông nghiệp có kế hoạch phân phát miễn phí 1 triệu cây cần sa cho nông dân ở các vùng hẻo lánh với hy vọng sẽ có nguồn huê lợi mới. Mỗi hộ gia đình được phép đăng ký trồng tối đa là sáu cây.
Tuy nhiên, việc phân loại cần sa như trên có thể khiến việc tiêu thụ nằm trong vùng xám của pháp luật, tức người sử dụng có thể bị đẩy vào vòng lao lý trong một số tình huống pháp lý. Việc sử dụng loại cây này tại nhà cho các mục đích y tế được xem là hợp pháp từ ngày 9-6, nhưng không có quy định nào hay luật nào kiểm soát các mục đích của người sử dụng. Các chất chiết xuất có chứa hơn 0,2% hợp chất tác động lên thần kinh chính của cần sa là tetrahydrocannabinol, hoặc THC, vẫn được xem là chất cấm.
Ricky Hồ