Doanh nghiệp than khó vay vốn 'rẻ'

Nhiều doanh nghiệp sản xuất phản ánh khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, dẫn đến 'đói' vốn, 'khát' vốn mở rộng sản xuất. Việc tháo gỡ điểm nghẽn này đang là bài toán cấp thiết được đặt ra, nhất là khi từ đầu năm đến nay lãi suất liên tục giảm nhưng dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế lại rất thấp.

Lúa gạo được đánh giá là ngành khởi sắc, khi các nước có nhu cầu lớn kéo theo giá được dự báo tiếp tục tăng. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp (DN) lúa gạo phản ánh thiếu vốn vẫn đang là khó khăn cản trở họ trong việc tận dụng cơ hội khi cầu thế giới tăng mạnh.

Lãi suất cao ‘ăn hết’ lợi nhuận

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho hay, vụ Đông Xuân vừa qua, DN dự định mua lúa với số tiền khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng chỉ mua được 6.000 tỷ đồng do "đói" vốn, cũng không có cách nào khác để mua thêm.

Doanh nghiệp lúa gạo phản ánh đang thiếu vốn để tăng thu mua lúa gạo cho nông dân.

Doanh nghiệp lúa gạo phản ánh đang thiếu vốn để tăng thu mua lúa gạo cho nông dân.

Theo tính toán, Lộc Trời cần 1 tỷ USD để mua lúa cho nông dân, song ngân hàng nói không có tài sản thế chấp nên không thể vay vốn. "Đặc biệt, lãi suất ngân hàng tới 17%/năm như hiện nay, nếu vay để làm thì DN cũng không có lợi nhuận", ông Thuận chia sẻ riêng trong 6 tháng vừa qua, lãi suất ngân hàng mà DN này phải trả là 300 tỷ đồng, “ăn hết” lợi nhuận của DN.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, DN lúa gạo gần như không có tài sản, tài sản lớn nhất là nhà máy nên không vay được bao nhiêu tiền, chưa kể còn phải đầu tư cho nông dân xây dựng chuỗi sản xuất. “Một vụ lúa 4 tháng mới thu hồi vốn, sau đó đem về thì 2 tháng mới bán được. Thời gian quay vòng vốn kéo dài tới cả 6 tháng, thách thức càng lớn với DN”, ông Thuận nói.

Nói về khó khăn trên, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam chia sẻ, giá gạo hiện rất cao. Các DN không phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm. Nước ta đang có cơ hội lớn trong xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, DN gặp khó về vốn tín dụng, các thương nhân xuất khẩu mong muốn nhất là có tiền, bởi có tiền thì mới mua lúa được của nông dân.

Hiện nay, bà Tâm phản ánh do DN xuất khẩu tài sản ít, nên không có để thế chấp. Do vậy, các DN đề nghị ngân hàng tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm chính vụ để các thương nhân có thể tiếp cận, cũng như ngân hàng có gói lãi suất dài hạn hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ thương nhân thu mua lúa gạo; tăng cường chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo trong chính vụ thu hoạch.

Chia sẻ với VnBusiness, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) phản ánh, nhiều DN đang gặp khó khăn trong việc tiếp vốn vay ngân hàng, trong khi dòng tiền là huyết mạch của DN. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại phối hợp để giảm lãi vay. Tuy nhiên, lãi vay giảm chưa đạt yêu cầu để DN mạnh dạn đi vay, đầu tư, mở rộng sản xuất. Dẫn đến hiện nay, dòng vốn chưa khơi thông với DN, “với lãi suất hiện nay, DN không dám mạnh dạn đầu tư”, bà Chi thẳng thắn cho biết.

Vì vậy, Chủ tịch FFA kiến nghị các ngân hàng cần kéo lãi suất xuống dưới 8% để DN mạnh dạn vay, chứ trên 8% thì “chúng tôi không dám, rất ngại đi vay dù khó khăn về dòng tiền”, bà Chi nói.

Cần tăng khả năng hấp thụ vốn

Theo Tổng cục Thống kê, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong nước, đặc biệt là các DN hoạt động trong các ngành Việt Nam có lợi thế (dệt may, da giày, điện tử…) lại phụ thuộc khá nhiều vào cầu từ nước ngoài. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, xung đột Nga – Ukraine vẫn còn tiếp diễn, trong nước sức chống chịu của các DN sản xuất sau thời gian dài chịu tác động của dịch COVID-19 càng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn, khó khăn về thủ tục vay vốn, lãi suất vay vốn vẫn cao trong khi đầu ra (đơn hàng) giảm so với năm trước…

Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN công nghiệp trong các tháng còn lại của năm 2023 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng trong ngắn hạn.

Trong khi đó, Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) chỉ ra trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất đã được giảm tương đối. Chỉ trong vòng 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm. Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, đến 15/6/2023 chỉ tăng 3,36% so với năm 2022, chưa bằng 1/4 mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm (khoảng 14-15%).

Theo Cục Đăng ký kinh doanh, nguyên nhân của việc tín dụng tăng trưởng chậm là do DN hiện nay khá khó khăn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số DN phải giảm bớt người lao động. Giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hóa tăng, trong khi sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm, điều này dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.

Bên cạnh đó, một số DN có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án kinh doanh khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Mặt khác, nguồn vốn thị trường như: trái phiếu, chứng khoán và thị trường bất động sản chậm khôi phục. Do vậy, Cục Đăng ký kinh doanh cho rằng khi có thêm những giải pháp thúc đẩy đầu ra thì doanh nghiệp mới cải thiện được khả năng trả nợ, tăng khả năng hấp thụ vốn.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ở thời điểm khó khăn, chính sách tác động nhanh nhất, trực diện nhất là tài chính, thuế khóa. Vì vậy, DN cần được hỗ trợ mạnh hơn nữa bởi họ đang ở tình thế rất căng thẳng. Lúc DN khó khăn, thì chính sách tài khóa, tiền tệ cần hỗ trợ mạnh hơn, chứ lúc nền kinh tế “no đủ” rồi thì cần gì hỗ trợ. Hỗ trợ DN là nuôi dưỡng “nguồn thu, là tương lai của đất nước”.

Theo đó, ông Thiên cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tài khóa trọng tâm, hỗ trợ DN, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư. Cùng với đó, các ngân hàng cần tiết giảm chi phí để hạ lãi suất, ổn định mặt bằng lãi vay và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi cho DN.

Ông Phan Đức Hiếu

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Thời điểm này cần chắt chiu từng cơ hội để hỗ trợ DN tồn tại và trụ vững, dù đó chỉ là cơ hội rất nhỏ, đó là các giải pháp hỗ trợ tiếp cận vốn, giảm chi phí, cho vay ưu đãi… Thêm vào đó, có thể triển khai các giải pháp hỗ trợ DN tiết giảm chi phí như cho phép chung cư là nơi đăng ký trụ sở, chứ không phải là nơi hoạt động, để duy trì hoạt động của DN, khi mà DN không còn tiền thuê nhà, chủ DN chỉ có địa chỉ chung cư của gia đình, nếu không được đăng ký làm trụ sở, DN phải tạm dừng…

Ông Dương Quốc Tuấn

Chủ tịch HĐQT Công ty CP nhôm Austdoor

Khi vay vốn, DN phải dùng tài sản thế chấp và thông thường ngân hàng chỉ cấp được vốn bằng 70% giá trị của tài sản thế chấp. Trong khi đó, lãi suất trung bình hiện nay duy trì trên 10%. Đây là khó khăn rất lớn với DN sản xuất Việt Nam, khi chịu chi phí vốn cao hơn thế giới. DN hy vọng trong quý III/2023, Chính phủ có thêm chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về dòng vốn cho DN.

Ông Nguyễn Xuân Thành

Giảng viên cao cấp, Đại học Fulbright Việt Nam

Lãi suất điều hành có thể trở về mức tương đương thời kỳ COVID-19 nhưng lãi suất trên thị trường chắc chắn không thể thấp như thời COVID-19. Nguyên nhân là do bối cảnh hiện nay đã khác, sức khỏe các DN hiện yếu đi rất nhiều. Hầu hết DN hiện có rủi ro tài chính rất lớn nên chỉ có một bộ phận được ngân hàng đánh giá là tình hình sản xuất kinh doanh tốt thì mới có thể tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp. Với các DN vay vốn lưu động ngắn hạn có tài sản đảm bảo thì mới vay được còn với bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay thì hầu hết DN khó có thể tiếp cận được nguồn vốn này.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-than-kho-vay-von-apos-re-apos-1093857.html