Doanh nghiệp TP.HCM lo tiền thuê đất tăng vì bảng giá đất mới

Nhiều doanh nghiệp cho biết bảng giá đất điều chỉnh đã làm tăng đáng kể chi phí đầu vào, do đó đề nghị TP.HCM tính toán hệ số hợp lý để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp.

 Doanh nghiệp cho rằng việc áp dụng bảng giá đất mới đã làm tăng đáng kể chi phí thuê đất của doanh nghiệp. Ảnh: Quỳnh Danh.

Doanh nghiệp cho rằng việc áp dụng bảng giá đất mới đã làm tăng đáng kể chi phí thuê đất của doanh nghiệp. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sáng 9/11, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã tổ chức chương trình Cafe Doanh nhân với chủ đề "Bảng giá đất mới tại TP.HCM tác động đến doanh nghiệp như thế nào?".

Là một trong những người chịu tác động trực tiếp từ bảng giá đất điều chỉnh lần này, ông Tô Ngọc Ngời - Tổng giám đốc CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Lâm Sản Sài Gòn (quận 3, TP.HCM) - cho rằng việc áp dụng bảng giá đất mới đã làm tăng đáng kể chi phí thuê đất của doanh nghiệp, đặc biệt đối với đất thương mại dịch vụ.

Lo tăng tiền thuê đất

Ông Ngời cho biết công ty ông đang thuê một lô đất 1.325 m2 trên đường Trương Định (quận 3, TP.HCM) làm văn phòng. Theo quy định cũ, mỗi năm, ông phải đóng tiền thuê đất cho TP.HCM là hơn 4,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với bảng giá mới, con số này dự kiến tăng lên hơn 6 tỷ đồng/năm. Ông Ngời bày tỏ lo ngại rằng mức tăng mạnh như vậy có thể gây khó khăn nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, nhiều đơn vị có thể không chịu nổi áp lực tài chính này.

"Trong khi đó, đất mà công ty tôi đang thuê lại thuộc diện đất thương mại dịch vụ, cả độ cao và mật độ xây dựng đều bị giới hạn hơn so với đất ở", ông bổ sung.

Do đó, ông Ngời kiến nghị TP.HCM tính toán hệ số theo bảng giá đất mới cho phù hợp, không tăng lên nhiều gây ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

 Ông Tô Ngọc Ngời - Tổng giám đốc CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Lâm Sản Sài Gòn (quận 3, TP.HCM) đặt câu hỏi tại chương trình. Ảnh: BTC.

Ông Tô Ngọc Ngời - Tổng giám đốc CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Lâm Sản Sài Gòn (quận 3, TP.HCM) đặt câu hỏi tại chương trình. Ảnh: BTC.

Ông Trần Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp quận 8 - cũng nêu vấn đề về tình trạng bất cập trong việc tính đơn giá thuê đất tại khu công nghiệp Hiệp Phước trong 6-7 năm qua.

Theo ông, có 2 hình thức tính tiền thuê đất ở khu công nghiệp này, một là thuê đất hàng năm, và hai là thuê đất một lần cho thời hạn 50 năm.

Tuy nhiên, từ năm 2017, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán tiền thuê đất một lần, nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo thời hạn vì vướng cơ chế.

Ông Dũng đặt câu hỏi liệu những trường hợp này sẽ áp dụng bảng giá đất cũ hay phải tuân theo bảng giá mới, và ông đề nghị TP.HCM sớm có hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục.

Thực tế, bà Bùi Thị Nữ, Chánh văn phòng Ban quản lý Khu chế xuất Khu công nghiệp TP.HCM cho biết hiện trên địa bàn TP có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong đó, chỉ có 6 khu đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và không bị ảnh hưởng bởi bảng giá đất. Còn 11 khu khác vẫn trả tiền thuê đất hàng năm.

"Có rất nhiều trường hợp hợp đồng ký tiền thuê đất với TP.HCM ở những thời điểm, thỏa thuận khác nhau. Ví dụ có hợp đồng thuê đất hàng năm, đơn giá thuê đất ổn định trong vòng 5 năm", bà nói.

 Chỉ có 6/17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, không bị ảnh hưởng bởi bảng giá đất. Ảnh: Duy Hiệu.

Chỉ có 6/17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, không bị ảnh hưởng bởi bảng giá đất. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong văn bản gửi UBND TP.HCM trước đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cũng nhìn nhận tỷ lệ (%) tính đơn giá thuê đất mới làm tăng chi phí thuê lên rất cao.

Cụ thể, tiền thuê đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại khu vực 1 (bao gồm các quận trung tâm như quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 10, quận 11, quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận) tăng 35%; khu vực 2 (các quận 7, quận 8, quận 12, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Gò Vấp và TP Thủ Đức) tăng 54%; khu vực 3 (gồm các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ) tăng 50%.

Còn đối với đất thương mại - dịch vụ, các tỷ lệ này lần lượt là 18%, 25% và 53%.

Theo lãnh đạo HUBA, tăng tiền thuê đất nhiều khả năng gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của TP.

Đề xuất điều chỉnh tiền thuê đất

Cũng trong văn bản này, Chủ tịch HUBA cho biết hiệp hội đã có ý kiến góp ý với Sở Tài chính TP.HCM tại văn bản số 638/2024, nhằm đề xuất điều chỉnh tỷ lệ tính đơn giá thuê đất để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Cụ thể, HUBA đề xuất tỷ lệ tính đơn giá thuê đất cho nhóm đất nông nghiệp ở mức 0,25%; đất tại khu công nghệ cao và công viên phần mềm là 0,3%.

Đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, tỷ lệ đề xuất là 0,5% cho khu vực 1; 0,4% cho khu vực 2 và 0,3% cho khu vực 3.

Đối với nhóm đất thương mại - dịch vụ, HUBA đề xuất mức 1% cho khu vực 1; 0,75% cho khu vực 2 và 0,5% cho khu vực 3.

Phát biểu tại chương trình, ông Đào Quang Dương, Phó trưởng Phòng Kinh tế đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM - cho biết các sở, ngành và chuyên gia kinh tế đã cân nhắc kỹ lưỡng về tác động của việc tăng tiền thuê đất đối với doanh nghiệp trong quá trình điều chỉnh bảng giá đất.

Theo ông, bảng giá đất mới có 2 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và kinh tế TP, đó là tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và tiền thuê đất.

 Đại diện Sở TN&MT cho biết bảng giá đất mới có 2 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và kinh tế TP. Ảnh: BTC.

Đại diện Sở TN&MT cho biết bảng giá đất mới có 2 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và kinh tế TP. Ảnh: BTC.

Hiện Sở TN&MT cũng đã phối hợp với Sở Tài chính TP.HCM để đề xuất mức tỷ lệ tính đơn giá thuê đất trong khoảng 0,25-1%, nhằm giữ chi phí ở mức hợp lý, không gây thêm áp lực cho doanh nghiệp.

"Theo Luật Đất đai năm 2013, mức tính tỷ lệ đơn giá thuê đất là 1-3%, trong đó, TP.HCM đã áp dụng trong khoảng 1-2%. Với quy định của Luật Đất đai sửa đổi năm 2024, tỷ lệ này dao động 0,25-3%, nhưng Sở Tài chính đang lấy ý kiến để áp dụng mức 0,25-1% nhằm đảm bảo mức thu trước đây không thay đổi, ổn định ở mức cũ", ông Dương giải thích.

Liên quan đến giá bất động sản, ông Dương khẳng định bảng giá đất mới sẽ không tác động đến giá thị trường, vì giá bất động sản vẫn sẽ vận hành theo nguyên tắc cung cầu.

"Các chủ đầu tư sẽ tự thỏa thuận giá bán với người dân và bảng giá đất mới không làm thay đổi chi phí đầu ra hoặc đầu vào của bất động sản", ông bổ sung.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/doanh-nghiep-tphcm-lo-tien-thue-dat-tang-vi-bang-gia-dat-moi-post1509974.html