Doanh nghiệp TPHCM: Đổi mới sáng tạo, dám nghĩ - dám làm, tự tin bước vào kỷ nguyên mới
Cộng đồng doanh nghiệp TPHCM phát huy tính tiên phong, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ - dám làm, góp phần thúc đẩy kinh tế Thành phố tăng trưởng 2 con số, để TPHCM vững bước, tự tin tiến vào kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc.
Tháng tư lịch sử, cả nước hân hoan hướng về cột mốc trọng đại - 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Trong hành trình nửa thế kỷ phát triển và hội nhập, cộng đồng doanh nghiệp (DN) TPHCM đã góp phần quan trọng giúp TPHCM chuyển mình mạnh mẽ, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, là trung tâm đổi mới sáng tạo, đầu mối giao thương quốc tế của cả nước.
Bài 1: Góp phần quan trọng định hình TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước
Kể từ ngày 30/4/1975, TPHCM đã đi qua hành trình 50 năm phát triển đầy tự hào, vượt qua nhiều thách thức. Lực lượng doanh nghiệp không chỉ là trụ cột nền kinh tế mà còn là biểu tượng cho tinh thần tiên phong, sáng tạo, dám nghĩ - dám làm của người dân Thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA - Ảnh: VGP/Lê Anh
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, người gắn bó với cộng đồng DN Thành phố từ sau đổi mới đến nay, trải qua nhiều cương vị từ lãnh đạo DN ngành bán lẻ lớn nhất Thành phố đến lãnh đạo Sở Công Thương và nay là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) đã có những chia sẻ về hành trình phát triển và đồng hành của cộng đồng DN gắn liền với sự phát triển của TPHCM.
DN tiên phong, dám nghĩ, dám làm
Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa cho biết: TPHCM, sau giải phóng, đối mặt với muôn vàn khó khăn, từ hệ thống hạ tầng kiệt quệ đến vật tư thiếu thốn, giá cả leo thang… Sau đó,Thành phố đã hồi sinh và bứt phá bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm cùng những sáng kiến mang tính tiên phong như "xé rào" về cơ chế lương thực, mô hình hợp tác công - tư đầu tiên, khai mở thị trường hàng hóa… tạo tiền đề quan trọng mở đường cho công cuộc đổi mới được khởi xướng vào năm 1986.
Khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) khởi xướng công cuộc đổi mới, TPHCM nhanh chóng đi đầu trong thí điểm phát triển kinh tế tư nhân. Các hộ kinh doanh cá thể, xí nghiệp tư doanh được công nhận pháp lý. Những thương hiệu như Thiên Long, Kinh Đô, Saigon Co.op... ra đời từ chính tinh thần khởi nghiệp ấy, dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường và đến nay là những thương hiệu mạnh của Thành phố và cả nước.

Khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất đầu tiên của cả nước, được thành lập tại TPHCM - Ảnh: VGP/Lê Anh
Cuộc "đổi mới lần 1" - Khu chế xuất đầu tiên ra đời
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng DN trong nước sau đổi mới, TPHCM đón làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tiên với sự hình thành Khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất đầu tiên của cả nước được thành lập ngày 25/11/1991.
Theo ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận, trên cơ sở thí điểm thành công KCX Tân Thuận đã mở đường cho TPHCM tiếp tục thành lập nhiều KCX và Khu công nghiệp (KCN) khác. Các KCX - KCN của TPHCM được hình thành nhằm thực hiện 5 mục tiêu kinh tế của Chính phủ: Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết việc làm; du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa vùng ngoại thành.
Nhờ hình thành và phát triển các KCX-KCN mà Thành phố thu hút được nhiều dòng vốn trong nước và đặc biệt là các DN FDI đầu tư vào. Những nhà đầu tư nước ngoài vào Tân Thuận cũng tạo hiệu ứng niềm tin về môi trường đầu tư chung cho TPHCM. Giai đoạn 1991 - 1995, vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, trung bình 68% mỗi năm. Qua đó, góp phần giúp ngành thương mại và công nghiệp của Thành phố có bước phát triển đột phá, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của Thành phố.

Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận. Ảnh: VGP/AT
Theo thống kê, nếu như từ năm 1986 đến 1990, GRDP TPHCM tăng bình quân 7,82%/năm thì từ năm 1991-2010, trong suốt 20 năm, tốc độ tăng trưởng bình quân của Thành phố luôn trên 2 con số. Có thể nói đây là giai đoạn tăng trưởng nhanh nhất của TPHCM cho đến nay, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung với tỉ trọng hơn 30% GDP của cả nước.
Chính quyền luôn đồng hành cùng DN vượt mọi khó khăn
Sau giai đoạn tăng trưởng nhanh 2 con số, Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, tốc độ phát triển của TPHCM có phần chững lại mà nguyên nhân lớn đến từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2010) tác động mạnh đến các nước, nhất là trong bối cảnh TPHCM cùng cả nước bước vào thời kỳ hội nhập toàn diện sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Các doanh nghiệp đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt.
Nhớ lại khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết: Có thể nói đây là thời kỳ kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế thế giới suy thoái tác động tới trong nước, lãi suất cho vay ở mức rất cao từ 16-20%/năm, thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp "đói vốn" sản xuất do lãi suất cao, thiếu tài sản thế chấp.
Để hỗ trợ DN, trên cơ sở chỉ đạo của UBND TPHCM, NHNN chi nhánh TPHCM phối hợp với HUBA, Sở Công Thương và các quận huyện triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (NH-DN) từ tháng 7/2012, với lãi suất khoảng 13%/năm (thấp hơn so với thị trường chung) để DN duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Số vốn mà các DN tiếp cận qua chương trình tăng dần theo từng năm. Đến năm 2015, chương trình đã giải ngân số tiền hơn 173.100 tỷ đồng áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND không quá 7%/năm, riêng lãi suất khoản vay trung, dài hạn là 9%/năm. Qua đó, góp phần giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Thành phố dần ổn định và khởi sắc trở lại.
Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, cùng với chương trình kết nối NH-DN, từ năm 2015 TPHCM tiếp tục "tiên phong" đẩy mạnh chương trình kích cầu đầu tư, tạo "vốn mồi" hỗ trợ cho DN mở rộng đầu tư, đổi mới máy móc, công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI và đẩy mạnh xuất khẩu.
Với chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định 50/2015, UBND TPHCM đã phê duyệt 296 dự án tham gia, tổng mức đầu tư gần 25.300 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là hơn 11.900 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2015-2020, số vốn ngân sách TPHCM đã chi để hỗ trợ lãi vay cho các dự án là hơn 2.300 tỷ đồng. Tính bình quân, một đồng ngân sách bỏ ra đã thu hút được khoảng 9,54 đồng vốn đầu tư từ xã hội.

Với Chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM, một đồng ngân sách Thành phố bỏ ra đã thu hút được khoảng 9,54 đồng vốn đầu tư từ xã hội - Ảnh minh họa
Gần 350.000 DN vượt khó khăn, đẩy mạnh chuyển đổi số
Nhờ sự trợ lực từ chính quyền cùng bản lĩnh vươn lên, vượt khó, tinh thần đổi mới, sáng tạo của cộng đồng DN Thành phố mà tình hình sản xuất kinh doanh của DN Thành phố phục hồi và tăng trưởng mạnh vào giai đoạn 2015-2020, qua đó, giúp GRDP TPHCM giai đoạn 2011-2020 tăng trung bình 6,86%/năm, vượt mức trung bình của cả nước (thực tế, hầu như các năm Thành phố đều tăng trưởng trên 8%, duy nhất năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch nên tăng trưởng chỉ đạt 1,39%). Năm 2020, quy mô kinh tế TPHCM chiếm gần 26% GDP quốc gia, mật độ doanh nghiệp đạt 27,6 DN/1.000 dân - gấp hơn 3 lần bình quân cả nước.
Giai đoạn 2021 đến nay, do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế TPHCM suy giảm sâu (-6,78% năm 2021) nhưng bằng nỗ lực của chính quyền cùng bản lĩnh vượt khó của cộng đồng DN mà năm 2022, kinh tế TPHCM phục hồi nhanh chóng, tăng trưởng đạt 9,03%, vượt xa kế hoạch đề ra (6-6,5%). Đến nay, khoảng gần 350.000 doanh nghiệp TPHCM đã thích ứng, vượt qua khó khăn, tái cấu trúc, đẩy mạnh chuyển đổi số. Doanh nghiệp tư nhân chiếm đến 95% tổng số DN; đóng góp trên 65% GRDP Thành phố; 80% DN đã ứng dụng công nghệ số.
Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa khẳng định: TPHCM đã đi qua hành trình 50 năm phát triển đầy tự hào. Trong đó, lực lượng doanh nghiệp không chỉ là trụ cột nền kinh tế mà còn là biểu tượng cho tinh thần tiên phong, sáng tạo, dám nghĩ - dám làm của người dân Thành phố.
Lê Anh
(còn tiếp)