Doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo trong cuộc đua toàn cầu

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Nếu trong thời gian đầu, lĩnh vực này chủ yếu tập trung ở những ông lớn công nghệ, thì nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup hay các kỳ lân khởi nghiệp (unicorn startup – những công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỉ đô la Mỹ) lại đóng vai trò chủ chốt.

(KTSG) – Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Nếu trong thời gian đầu, lĩnh vực này chủ yếu tập trung ở những ông lớn công nghệ, thì nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup hay các kỳ lân khởi nghiệp (unicorn startup – những công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỉ đô la Mỹ) lại đóng vai trò chủ chốt.

Trước đây, lĩnh vực AI chủ yếu tập trung ở những công ty công nghệ lớn nhưng nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup cùng các kỳ lân khởi nghiệp đang đóng vai trò chủ chốt. Ảnh minh họa: TL

Trước đây, lĩnh vực AI chủ yếu tập trung ở những công ty công nghệ lớn nhưng nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup cùng các kỳ lân khởi nghiệp đang đóng vai trò chủ chốt. Ảnh minh họa: TL

Theo một báo cáo của Forbes, vào năm 2023, 50 công ty “có tương lai hứa hẹn nhất” trong lĩnh vực AI đã gọi được số vốn đầu tư khổng lồ 34,7 tỉ đô la Mỹ. Gần một phần ba số tiền này là của OpenAI, nhờ số vốn đầu tư gần 10 tỉ đô Mỹ từ Microsoft. Tiếp sau OpenAI là một số công ty chuyên về nghiên cứu AI, như Anthropic (gọi được số tiền đầu tư khoảng 7,7 tỉ đô la Mỹ), Cohere (445 triệu đô la Mỹ) và Mistral AI (528 triệu đô la Mỹ).

Theo đánh giá, các startup thường là nơi khởi đầu của những tiến bộ đột phá nhất và càng tạo đà cho phát triển khoa học AI. Ở tầm quốc gia, AI phát triển nhất tại các doanh nghiệp công nghệ Mỹ và Trung Quốc.

Bước tiến của Mỹ

Mỹ sở hữu một loạt doanh nghiệp lớn, có những bước tiến xa trong lĩnh vực AI, có thể kể đến một số tên tuổi nổi bật như:

Amazon – đây là doanh nghiệp tập trung vào người tiêu dùng, khách hàng ở cuối chuỗi, vì thế quan tâm đến các ứng dụng mới, như Alexa – trợ lý thông minh, hay Amazon Web Services với dịch vụ “học máy” (machine learning) mà Siemens, Netflix, Tinder, NFL hay NASA là những khách hàng nổi tiếng nhất.

Apple – công ty công nghệ này đã mua lại nhiều startup AI ngay từ năm 2018, đây cũng là chủ nhân của Siri (trợ lý ảo) và Create ML (chương trình hỗ trợ lập trình viên huấn luyện mô hình học máy phù hợp với ứng dụng).

Meta/Facebook – công ty này cũng mua lại nhiều startup AI và có một đội ngũ nghiên cứu đặc biệt được đầu tư, đóng góp to lớn cho phát triển AI.

Google – đây là công ty công nghệ quan trọng nhất trong lĩnh vực AI. Google cũng phát triển nhanh nhờ vào việc mua lại các startup nổi bật, như DeepMind, TensorFlow. Tổng giám đốc của Google, ông Sundar Pichai, tuyên bố rằng: chúng ta đang chuyển đổi từ một thế giới “di động hàng đầu” sang một thế giới “AI hàng đầu”.

Trí tuệ nhân tạo phát triển nhất tại các doanh nghiệp công nghệ Mỹ và Trung Quốc.

IBM – công ty đã đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực AI từ những năm 1950 và đã hiện diện trên thị trường từ rất sớm. Với Watson, doanh nghiệp đa quốc gia này đã tạo ra một nền tảng học máy hỗ trợ việc đưa AI vào các lĩnh vực chuyên nghiệp như tạo ra chatbot để hỗ trợ khách hàng.

Intel – cũng như nhiều doanh nghiệp khác của Mỹ, Intel phát triển nhiều dựa trên việc mua lại các công ty và các startup, như Nervana (phát triển phần mềm học tập cá nhân hóa), Movidus (ứng dụng AI trên các thiết bị tiết kiệm năng lượng). Intel cũng phối hợp với Microsoft trong việc phát triển công cụ tìm kiếm Bing.

Microsoft – công ty này tập trung cả vào người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp, là chủ nhân của Cortana, trợ lý ảo đối thủ của Alexa, Siri và Google Assistant. Chương trình Azure Cloud cung cấp các dịch vụ chatbot và học máy. Công ty này cũng không ngừng mua lại các công ty chuyên về AI.

Hiện nay Amazon và Microsoft đang ở vị thế khá áp đảo trong cuộc đua AI. Trong khi Google và Meta tập trung ưu tiên cho việc tạo ra các mô hình AI riêng, thì hai công ty này đầu tư vào các công ty công nghệ nhỏ và vì thế được sử dụng các mô hình do các công ty này tạo ra để phát triển sản phẩm và dịch vụ. Nhờ vào khoản tiền đầu tư 13 tỉ đô la Mỹ vào OpenAI (công ty đứng đằng sau Chat GPT), Microsoft có quyền tiếp cận độc quyền vào hệ thống AI mà OpenAI phát triển. Chiến lược này vẫn được Amazon và Microsoft tiếp tục áp dụng.

Về nghiên cứu, các nhà nghiên cứu của Mỹ cũng đang đứng ở vị thế thứ hai trên thế giới về số lượng các bài báo nghiên cứu khoa học, trong đó có cả về AI.

Trung Quốc trong cuộc đua

Tất nhiên, không thể không nói đến các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực AI.

DJI – đây là một công ty khởi nghiệp Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra một ảnh hưởng khá đáng kể trong lĩnh vực AI. Công ty hàng đầu Trung Quốc đặt tại Quảng Châu này chuyên về drone (thiết bị bay thông minh không người lái), camera và robot giáo dục thông minh. Công ty này đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển và phổ biến của drone trong cả ứng dụng dân sự lẫn thương mại, từ quay phim đến chụp ảnh từ trên cao.

HiSilicom – đây là công ty con về thiết kế chip của Huawei, chủ nhân của Kirin – chip bán dẫn dùng cho điện thoại thông minh. Kirin 980 của công ty này chuyên về nhận diện khuôn mặt, vật thể, phát hiện vật thể, hình ảnh, phiên dịch thông minh tốc độ cao…

SenseTime – công ty này cũng chuyên về công nghệ nhận diện khuôn mặt, được Chính phủ Trung Quốc sử dụng. Từ năm 2008, các chương trình như điểm xã hội, đánh giá công dân… đã được khái quát hóa ở Trung Quốc. SenseTime cũng từng nằm trong tầm ngắm của Mỹ vì công nghệ được Chính phủ Trung Quốc sử dụng để kiểm soát khu tự trị Tân Cương.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, các nhà nghiên cứu Trung Quốc hiện đang đứng đầu thế giới về số lượng bài nghiên cứu. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng thường tuyển dụng các sinh viên nghiên cứu sinh tiến sĩ để làm trong các chương trình nghiên cứu phát triển AI.

Những người chơi vừa và nhỏ

Cũng phải nhắc đến những kỳ lân khởi nghiệp – thường là các công ty có dịch vụ hay hàng hóa cần thiết (nhưng không hẳn là đặc biệt mới mẻ) có vị thế đặc biệt thành công và được định giá cao. Ví dụ như Backmarket đã thành công trong việc tạo ra được vị thế trên thị trường nhờ vào việc mua và bán lại điện thoại thông minh, hay Payfit nhờ vào việc giải quyết các vấn đề nhân sự xã hội.

Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang dần chiếm vị trí quan trọng trong cuộc đua AI. Liên minh châu Âu (EU) có các biện pháp giúp các doanh nghiệp startup phát triển công nghệ AI, để tạo ra các mô hình AI đáng tin và hiệu quả. Năm 2023, Ủy ban châu Âu đưa ra chương trình “Giải thưởng lớn” cho startup trong lĩnh vực AI để hỗ trợ tài chính, hỗ trợ tiếp cận hệ sinh thái công nghệ cho các doanh nghiệp này. Nước Pháp, một thành viên chủ chốt của EU cũng đang thực hiện chương trình French Tech 2030 nhằm phát triển một hệ sinh thái với 125 doanh nghiệp đặc biệt tích cực trong đổi mới công nghệ, trong đó có sáu doanh nghiệp chuyên về AI (Dust, Lighton, Mistral AI, PhotoRoom, Preligens và XXII).

Trong lĩnh vực AI, một nền kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra một hệ thống quan hệ hòa hợp giữa các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ cũng như với startup, giúp phát triển cả hệ thống. Tuy nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia, những doanh nghiệp nào đứng đầu thế giới AI sẽ thành “ông chủ thế giới” sau này. Cuộc đua giữa các doanh nghiệp AI, vì thế, sẽ càng quyết liệt hơn.

Thiên Kim

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-tri-tue-nhan-tao-trong-cuoc-dua-toan-cau/