Doanh nghiệp và nhà khoa học chưa mặn mà với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là hành động pháp lý quan trọng giúp nhà khoa học và doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ của mình. Tuy nhiên, việc đăng ký và khai thác quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn là 'điểm nghẽn', khi đối mặt với những thách thức về nhận thức, rào cản pháp lý và nguồn lực thực hiện.

Sản phẩm Máy phay 4 trục BK CIM - CNC của Viện Cơ khí, Bộ môn Công nghệ chế tạo máy, Trường đại học Bách khoa Hà Nội trưng bày tại Triển lãm thành tựu khoa học công nghệ nhân dịp ngày thành lập trường. (Ảnh: TTXVN)
Những "rào cản"
Để đáp ứng nhu cầu về bảo hộ sở hữu trí tuệ, thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm rút ngắn thời gian xử lý đơn và giảm thiểu tình trạng tồn đọng, giúp doanh nghiệp, các đơn vị chủ động trong sử dụng, khai thác các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ, trong đó có sáng chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, việc bảo hộ và thúc đẩy ứng dụng khoa học tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức cần giải quyết như: rào cản pháp lý, thủ tục hành chính, chi phí ẩn và vấn đề về nhận thức…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tân, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên, hệ thống sở hữu trí tuệ tạo động lực cho đổi mới sáng tạo bằng cách cho phép nhà khoa học độc quyền khai thác phát minh 15-20 năm.
Sau khi xác lập quyền sở hữu trí tuệ, nhà khoa học có thêm công cụ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình dưới dạng bán sáng chế, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hay hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, hoặc thành lập doanh nghiệp...
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2023 có 63% hồ sơ sáng chế bị từ chối do công bố quốc tế trước khi nộp đơn.
Cùng với đó, quy trình thẩm định hồ sơ còn rườm rà, phức tạp và chưa minh bạch. Với các bên liên quan (người nộp đơn, các tổ chức đại diện,…) chưa thể tra cứu tình trạng hồ sơ trực tuyến, chưa có nền tảng trao đổi ý kiến thuận tiện giữa người nộp đơn và cơ quan thẩm định sáng chế trong quá trình thẩm định nội dung sáng chế; chưa có nền tảng số để các chủ sáng chế quản lý, nộp phí duy trì sáng chế một cách thuận lợi…
Đáng lưu ý, thời gian thẩm định đơn đăng ký sáng chế kéo dài, mất nhiều thời gian để sản phẩm được công nhận quyền sở hữu trí tuệ. Việc đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế vẫn gặp nhiều rủi ro, đặc biệt là chi phí đăng ký quốc tế cao gây khó khăn cho nhà khoa học nếu sản phẩm của họ chưa được áp dụng hoặc chưa chuyển giao sớm.
Một số nhà khoa học cho rằng, phải đầu tư nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, công bố để tạo ra một sáng chế có tính mới và ứng dụng thực tiễn.
Tuy nhiên, khi thực hiện thủ tục đăng ký, trong thời gian chờ cấp bằng vẫn có thể bị các đối thủ sao chép sáng chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà khoa học chưa mặn mà với việc đăng ký bảo hộ độc quyền các sáng chế, giải pháp hữu ích.
Là doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Hachi Việt Nam cho biết, đơn vị từng nhiều lần cân nhắc về việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho một số giải pháp kỹ thuật và thiết kế trong nhà màng, hệ thống điều khiển khí hậu hay mô hình canh tác thông minh.
Tuy nhiên, với quy mô một doanh nghiệp nhỏ và nguồn lực còn hạn chế, Hachi gặp một số rào cản nhất định như chi phí và thời gian thực hiện thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ hiện còn khá cao và kéo dài. Điều này khiến doanh nghiệp khởi nghiệp như Hachi phải cân nhắc ưu tiên nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh thiết yếu trước.
Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều công ty khởi nghiệp dù có mô hình kinh doanh tốt nhưng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề sở hữu trí tuệ dẫn đến chưa thể thuyết phục nhà đầu tư rót vốn.
Theo ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, bên cạnh mô hình kinh doanh, tài sản trí tuệ là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, nhận thức về sở hữu trí tuệ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều công ty khởi nghiệp có mô hình kinh doanh rất tốt, nhưng nhìn chung vẫn cần nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, cứ 10 doanh nghiệp khởi nghiệp thì 6 doanh nghiệp gặp vướng mắc liên quan đến sở hữu trí tuệ. Một trong những mục tiêu quan trọng của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là thoái vốn. Tuy nhiên, nếu không chú trọng xác lập quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục nhà đầu tư mua lại với giá cao.
Gỡ nút thắt để tài sản trí tuệ được bảo hộ đúng cách
Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng, cần được chú trọng hàng đầu đối với các đơn vị, nhà khoa học và doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, nhiều nhà đầu tư sẽ không mạo hiểm rót vốn vào những sản phẩm có nguy cơ vi phạm sở hữu trí tuệ. Bởi vậy, việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ từ sớm sẽ giúp doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư, góp phần tăng giá trị của doanh nghiệp một cách tối ưu nhất.
Ngoài ra, cần xây dựng các tổ chức trung gian như Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Viện Định giá... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Để khuyến khích nhà khoa học đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, cần cải thiện hệ thống thủ tục hành chính, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của bảo hộ độc quyền sáng chế.
Ngoài ra, cần thống nhất về quyền lợi cho các nhà khoa học trong thương mại hóa sản phẩm đã được xác lập quyền sở hữu trí tuệ qua các văn bản như: Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Sở hữu trí tuệ...
Đáng chú ý, cần có giải pháp tổng thể đòi hỏi sự phối hợp giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để tối ưu hóa vòng đời công nghệ từ phòng thí nghiệm đến thị trường.
Theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), để sở hữu trí tuệ trở thành động lực thật sự, cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động tư vấn, đào tạo, hỗ trợ xác lập, định giá và thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ; đặc biệt với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ và có sự đầu tư tương xứng cho việc tạo lập, bảo hộ, quản lý, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ của mình.
Ngoài ra, cần xây dựng các mô hình liên kết hiệu quả giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức trung gian.
Đồng thời, cần thay đổi tư duy của doanh nghiệp và nhà khoa học, khi họ nhận ra giá trị kinh tế của sáng tạo, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hay sáng chế sẽ chủ động hơn trong việc đầu tư, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy, thúc đẩy đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự thay đổi cả về chính sách, nguồn lực và nhận thức xã hội. Chỉ khi doanh nghiệp và nhà khoa học thật sự coi trọng tài sản trí tuệ của mình và mỗi ý tưởng đó đều được bảo vệ đúng cách, sáng tạo sẽ thật sự trở thành động lực phát triển bền vững.