Doanh nghiệp và trách nhiệm với môi trường

Bảo vệ môi trường từ lâu luôn là một trong những vấn đề nan giải đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thực tế cho thấy, quá trình tăng trưởng nhanh cùng với cơ cấu kinh tế chưa hoàn thiện, đã bộc lộ những thách thức lớn trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để giải quyết thực trạng này, theo các chuyên gia về môi trường, bên cạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước rất cần sự đồng hành, sáng tạo và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.

Định hình thói quen bảo vệ môi trường

Hà Nội là Thủ đô, Trung tâm văn hóa, chính trị, công nghiệp vô cùng quan trọng đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa, ô nhiễm môi trường không khí… còn diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân Thủ đô.

Doanh nghiệp cần gắn trách nhiệm đối với môi trường sống, với cộng đồng trong việc BVMT để phát triển bền vững. (Ảnh: Đ.Đ)

Doanh nghiệp cần gắn trách nhiệm đối với môi trường sống, với cộng đồng trong việc BVMT để phát triển bền vững. (Ảnh: Đ.Đ)

Đề cập đến vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường, tại diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường, ông Nguyễn Thái Dương - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam khẳng định, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều đã và đang thực hiện chiến lược phát triển bền vững. Trong đó, bên cạnh các mục tiêu sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cũng dành nhiều nguồn lực, chi phí cho công tác bảo vệ môi trường. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp trong hệ thống đã triển khai và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 140000 cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh tích hợp với hệ thống quản lý chất lượng, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, một số biện pháp thích ứng nhằm dịch chuyển sang sản xuất xanh cũng được doanh nghiệp dệt may thực hiện như chú trọng cảnh quan, môi trường xung quanh nhà máy bằng cách trồng cỏ, trồng nhiều cây xanh tại các khu vực sản xuất phát sinh nhiệt cao; Thay thế thiết bị cũ sử dụng nhiều năng lượng sang loại thiết bị tiên tiến, tiết kiệm điện năng; Nhiều doanh nghiệp tận dụng mái nhà xưởng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, áp dụng các công nghệ mới trong xử lý nước thải... Hàng năm, các doanh nghiệp đều thực hiện quan trắc môi trường, đăng ký và quản lý nguồn chất thải độc hại theo tiêu chuẩn luật định.

Cũng theo ông Nguyễn Thái Dương, những quy định của doanh nghiệp về phân loại rác thải, chất thải tại nguồn đã hình thành thói quen tốt cho người lao động không chỉ tại nơi sản xuất, mà còn được người lao động áp dụng tại nơi cư trú, trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Hầu hết người lao động đã biết nhận diện loại rác thải nguy hại trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như giẻ lau dầu máy, bóng đèn huỳnh quang thải, dầu thải, mực in thải, bao bì dính và có chứa các thành phần nguy hại...để phân loại, thu gom và xử lý theo quy định.

Sắp xếp người làm công tác môi trường riêng biệt

Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, có thể thấy, sự thay đổi về hành vi và nhận thức của người tiêu dùng nói riêng và xã hội nói chung đã tạo ra cả áp lực và động lực mới cho doanh nghiệp, thực hiện trách nhiệm xã hội trong công tác bảo vệ môi trường. Thực tế, trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp là yếu tố vừa ràng buộc, vừa tự ý thức thực hiện trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Nếu không thực hiện, ắt sẽ tự đào thải.

Đề cập nội dung này, cũng tại diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường, ông Vũ Văn Minh - Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Công đoàn Điện lực Việt Nam), cho biết, thời gian qua, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã ban hành Quy chế bảo vệ môi trường trong toàn Tập đoàn.Cùng đó, tất cả các đơn vị đều bố trí người làm công tác môi trường;EVN cũng đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn để phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định mới của pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời kiểm điểm tình hình, kết quả thực hiện các quy định mới của các đơn vị.

“Với nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội nên EVN đã phải đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện như nhiệt điện than, nhiệt điện khí;nhà máy thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Các loại nguồn điện này có tác động nhất định đến môi trường sinh thái nói chung. Do đó, hướng tới phát triển bền vững, EVN đã quyết liệt chỉ đạo và quán triệt các đơn vị thành viên thực hiện đồng bộ các giải pháp song hành sản xuất với bảo vệ môi trường. Các nhà máy nhiệt điện than đều đã được đầu tư công nghệ môi trường hiện đại và được khoác lên mình diện mạo xanh, sạch, đẹp”, ông Minh chia sẻ…

Hiện EVN đang quản lý, vận hành 14 nhà máy nhiệt điện than, khí trải dài trên 3 miền Bắc - Trung - Nam. EVN đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp quản lý môi trường xuyên suốt từ giai đoạn đầu tư, xây dựng dự án tới khi các nhà máy đi vào vận hành, đầu tư công nghệ hiện đại để xử lý nước tuần hoàn, khí thải, tro xỉ. Cụ thể, tất cả các nhà máy nhiệt điện của EVN đều được đầu tư xây dựng hệ thống công trình thu gom và xử lý nước thải đảm bảo đạt QCVN 40:2011/BTNMT đối với nước thải công nghiệp và Quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT đối với nước thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường. Nước thải sau khi xử lý đáp ứng quy chuẩn được nghiên cứu và tái sử dụng một phần, quay ngược lại quy trình sản xuất.

Ngoài ra, đối với khí thải của các nhà máy nhiệt điện, EVN đầu tư các hệ thống chuyên dụng lọc bụi tĩnh điện. Trong 5 năm 2016-2020, các kết quả quan trắc các thông số môi trường tại các nhà máy hầu như đều đáp ứng các quy chuẩn Việt Nam về khí thải và nước thải. Một số nhà máy nhiệt điện áp dụng công nghệ hiện đại như Vĩnh Tân 4, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng... có thông số phát thải thấp hơn nhiều so với ngưỡng quy chuẩn Việt Nam.

Có thể thấy, với nguồn lực, vật lực và trách nhiệm xã hội ngày càng cao trong xu thế hội nhập hiện nay, không chỉ có EVN mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đã thể hiện trách nhiệm của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và điều này cần được khuyến khích, đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự chung tay của toàn xã hội. Từ đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân, nâng cao uy tín và phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Không chỉ riêng thành phố Hà Nội, nhìn một cách tổng thể từ các địa phương trên cả nước có thể thấy, việc kinh tế - xã hội phát triển đang có những tác động ngược trở lại với môi trường và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Bởi thế, vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng trở nên cấp bách và nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ đạo của Nhà nước, sự chủ động tham gia giám sát của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng; thì trách nhiệm của doanh nghiệp đối với bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp phải gắn mình vào một yêu cầu bắt buộc đó là: Trách nhiệm đối với môi trường sống, với cộng đồng, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên để tồn tại và phát triển bền vững.

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/doanh-nghiep-va-trach-nhiem-voi-moi-truong-168864.html