Doanh nghiệp vận tải biển lo thiếu container rỗng

Hàng loạt giải pháp đang được các doanh nghiệp, hãng tàu triển khai để ứng phó với nguy cơ thiếu container rỗng, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Nguy cơ thiếu container rỗng hiện hữu

Những ngày giữa tháng 6, tàu thuyền ra vào cảng biển Cát Lái (TP.HCM) vẫn nườm nượp. Thống kê của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng container thông qua các cảng trong hệ thống có sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Sản lượng container rỗng thông qua hệ thống cảng của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thời gian qua có lượng container rỗng xuất lớn hơn nhập.

Sản lượng container rỗng thông qua hệ thống cảng của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thời gian qua có lượng container rỗng xuất lớn hơn nhập.

Trong đó, các cảng khu vực TP.HCM đạt hơn 2,2 triệu Teu, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải đạt hơn 1,1 triệu Teu, tăng 13,8% và các cảng khu vực Hải Phòng đạt sản lượng 761.000 Teu, tăng 31,5%.

Đáng chú ý, sản lượng nhập rỗng tăng nhẹ 3.685 Teu (tăng 2,13%), nhưng sản lượng xuất rỗng tăng mạnh 19.605 Teu (tăng 25,31%) so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó tổng giám đốc Tân cảng Sài Gòn nhận định, sản lượng xuất rỗng tăng gấp 2 lần tỷ lệ mức tăng tổng sản lượng thông qua cảng Tân Cảng Cát Lái.

Điều này cho thấy, xu hướng mất cân bằng container rỗng tại các cảng trong khu vực nội Á, cũng là nguyên nhân tác động đến giá cước vận chuyển các tuyến nội Á.

Đánh giá tình trạng container rỗng thời gian qua có những biến động, nhiều doanh nghiệp cảng biển cho biết, vòng luân chuyển của container rỗng thường từ 14-15 ngày.

Hiện, thời gian luân chuyển chỉ khoảng 4-6 ngày. Thậm chí, lượng container rỗng cũng biến đổi theo giờ.

Khảo sát của PV Báo Giao thông tại Cảng Gemalink (Bà Rịa - Vũng Tàu), lượng container rỗng đang chiếm khoảng 2/3 công suất bãi rỗng.

Đại diện cảng này cho hay, thời kỳ cao điểm khi nhiều hãng tàu đưa vỏ container rỗng về Việt Nam, công suất của bãi rỗng có thể đạt tới 100% (khoảng 10.000 Teu). Việc luân chuyển container rỗng của hãng tàu tại cảng thời gian gần đây cũng ngắn hơn thường lệ.

Căng thẳng tại Biển Đỏ khiến tàu kéo dài hành trình

Theo các chuyên gia, việc biến động của container rỗng có nhiều nguyên nhân. Đại diện Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, kinh tế Việt Nam có sự phục hồi tốt, hàng xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng nhưng do hàng xuất cao hơn hàng nhập dẫn tới thiếu container rỗng để đóng hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, việc một số cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực như Singapore, Malaysia bị tắc nghẽn khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng.

Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, Môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam Phạm Quốc Long nhận định thêm, việc nhiều hãng tàu phải kéo dài hành trình do ảnh hưởng của căng thẳng tại Biển Đỏ là một trong những lý do khiến phần lớn lượng container lưu trên biển.

Cùng đó, theo nhiều hãng tàu và doanh nghiệp dịch vụ hàng hải, hiện nay, thị trường Trung Quốc đang cần lượng vỏ container lớn để phục vụ xuất khẩu hàng sang Mỹ trước ngày 1/8, nên có tình trạng các hãng tàu có xu hướng chuyển vỏ container rỗng sang thị trường Trung Quốc.

"Tuy nhiên, việc thiếu container rỗng chỉ là cục bộ và hiện chưa thiếu nhiều. Với các tuyến nội Á tấn trọng tải vẫn tăng và giá cước điều chỉnh nhẹ khoảng 5-10%", ông Long nhấn mạnh.

Nên đặt trước vỏ container để không bị động

Lượng container rỗng tại cảng Gemalink (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện chiếm hơn 60% công suất bãi rỗng.

Lượng container rỗng tại cảng Gemalink (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện chiếm hơn 60% công suất bãi rỗng.

Trước những biến động của tình hình thị trường, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, đã có những buổi làm việc với các hiệp hội và doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng hải để tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc tồn tại.

Liên quan việc mất cân bằng vỏ container phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu, tại khu vực phía Bắc hiện nay, các hãng tàu cho biết đều có nhu cầu chuyển container rỗng về bến cảng HICT, Lạch Huyện. Đại diện Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) thông tin, hiện bến cảng không có hiện tượng tắc nghẽn container rỗng tại cảng.

Quá tải container rỗng tại cảng chỉ mang tính chất thời điểm và doanh nghiệp đã có các phương án chống tắc nghẽn áp dụng từ trong giai đoạn Covid-19 đến nay (giảm thời gian lưu container rỗng miễn phí từ 5 xuống 4 ngày, hỗ trợ rút container rỗng ra khỏi cảng bằng đường sà lan).

Đại diện doanh nghiệp khai thác các bến cảng biển và depot tại khu vực Quảng Ninh và Hải Phòng đều khẳng định đủ khả năng tiếp nhận tàu chở vỏ container trong trường hợp cảng Lạch Huyện quá tải công suất.

Trong khi đó tại khu vực phía Nam, các doanh nghiệp cảng như Tân cảng Sài Gòn, Gemalink cho biết, hiện nay, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng vẫn tăng trưởng. Lượng container rỗng vẫn đảm bảo cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, với những diễn biến phức tạp của thị trường và tình hình địa chính trị thế giới, nguy cơ thiếu container rỗng có khả năng hiện hữu.

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, tại các cuộc họp, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải container tuyến quốc tế cùng đại diện một số hãng tàu quốc tế thông báo trước mắt, các hãng vẫn đảm bảo đủ nhu cầu vỏ container rỗng phục vụ nhu cầu xuất khẩu hàng hóa tại khu vực.

Trong đó, để đảm bảo lượng container rỗng cho khách hàng, được biết Maersk Line đang áp dụng các biện pháp như mang container rỗng từ nước ngoài về Việt Nam, khuyến khích nhà nhập khẩu lấy container nhanh hơn, xin dự báo của khách hàng để không thiếu vỏ container, mua thêm cont rỗng mới. Hoặc các hãng tàu như Evergreen, Posco… vẫn đảm bảo vỏ container để cung cấp cho khách hàng.

"Hiện chưa có tình trạng thiếu container rỗng, cả trong những mùa cao điểm. Lượng container rỗng chỉ thiếu cục bộ trong khoảng 2-3 tuần để chờ thời gian nhập rỗng từ nước ngoài về. Để đảm bảo cho việc xuất nhập khẩu, các khách hàng có thể đặt trước vỏ container khoảng 4-5 tuần để các hãng cân bằng nhu cầu vỏ rỗng", đại diện một hãng tàu cho hay.

Theo giới quan sát, những biến động tình hình địa chính trị thời gian tới có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế thế giới, cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới giá cước vận chuyển. Đặc biệt thời gian tới, nhu cầu container rỗng thời gian tới sẽ cần khoảng 10,3 triệu Teu. Do đó, cần có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, trong đó có việc đóng container mới.

Cục Hàng hải Việt Nam đang tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề để có các giải pháp phù hợp để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doanh-nghiep-van-tai-bien-lo-thieu-container-rong-192240617063929095.htm