Doanh nghiệp vận tải đang 'khát' dầu

Đối tác cung ứng dầu không có đủ nguồn cung, bị khống chế mỗi lần mua chỉ được 100 lít/xe container, thậm chí chấp nhận trả tiền trước song vẫn không có hàng khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải chật vật xoay xở.

Trả tiền trước 10 ngày vẫn chưa có dầu

Mỗi tháng, Công ty CP Quốc tế Delta với gần 200 phương tiện vận tải tiêu thụ trung bình khoảng 4 tỷ đồng tiền dầu. Để chủ động nguồn cung, công ty đã ký kết tiêu thụ xăng dầu với một số doanh nghiệp xăng dầu lớn. Tuy nhiên, “tình hình hiện rất căng thẳng”, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc công ty cho biết.

Nói “căng thẳng” bởi lẽ các đối tác, kể cả đầu mối Petro hiện không có đủ nguồn cung xăng, dầu cho doanh nghiệp. Đơn mới nhất công ty đặt cách đây một tuần song đến nay vẫn chưa có hàng.

“Mấy tuần trước, khi phía Nam xuất hiện tình trạng khan hiếm xăng, dầu cục bộ, tôi tự tin rằng khả năng đó khó xảy ra với mình bởi chúng tôi chuyên mua sỉ, là "khách VIP" của các công ty cung ứng xăng dầu, chỉ khi họ hết dầu bán mới đáng lo! Thế nhưng bây giờ, chính họ cũng không có dầu để cung cấp cho chúng tôi nữa”, ông Nghĩa xác nhận.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đã tự xoay xở bằng cách đánh xe đi các tỉnh lân cận khu vực Hải Phòng như sang Thái Bình, Hải Dương… để mua dầu. Điều này làm phát sinh chi phí song doanh nghiệp “không còn cách nào khác”.

Chung cảnh “khát” dầu, đại diện một doanh nghiệp vận tải chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu tuyến Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An đi cảng Hải Phòng cũng “chưa biết làm thế nào” với 20 xe container có nguy cơ ngừng hoạt động.

Trước đây doanh nghiệp này thường mua téc dầu tích trữ trong kho nội bộ, vừa bảo đảm nguồn cung, giá lại rẻ hơn so với mua lẻ. Bây giờ, mua theo téc lại phải trả thêm 150 - 2.500 đồng/lít so với giá Nhà nước công bố, tức là mua sỉ đắt hơn mua lẻ và cũng không có sẵn để mua.

Để ứng phó, doanh nghiệp này chuyển sang mua lẻ tại các cây xăng dầu, song bị khống chế số lượng tối đa 100 lít dầu/xe/lần. Với số dầu này, xe container chỉ có thể chạy chuyến ngắn Hà Nội - Hải Phòng. Với các tuyến xa như Nghệ An - Hải Phòng cần khoảng 300 lít dầu, doanh nghiệp đành phó mặc sự may mắn của tài xế có mua được dầu trên đường không.

“Có tài xế báo về phải đi tới 8 điểm bán mới mua được dầu, nhưng phải trả thêm 700 đồng/lít so với giá niêm yết. Chúng tôi vẫn chấp nhận còn hơn là dừng chạy xe, không thực hiện đúng hợp đồng, mất uy tín với khách hàng. Tuy vậy những ngày tới, với tình hình khan hiếm dầu như hiện nay, khả năng xe phải dừng hoạt động là rất cao”, đại diện doanh nghiệp lo lắng.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, trước tình trạng khan hiếm xăng, dầu, nhiều đại lý cung ứng đã chọn ưu tiên cho doanh nghiệp lớn, trả tiền trước. Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp vận tải có trụ sở ở Hải Phòng cho biết, doanh nghiệp này đã đặt trước tiền mua dầu từ 10 ngày trước song đến giờ đại lý vẫn chưa hẹn ngày trả hàng. “Tin từ kho Diêm Điền (Thái Bình) báo về, 2 ngày nay không còn hàng để bán. Chúng tôi vừa nhận được thông báo của Petro Times là hiện các kho dừng cấp hàng chờ tàu về, thời gian dự kiến vào khoảng 11 - 14.11 hoặc lâu hơn tùy tình hình thực tế. Doanh nghiệp dù rất sốt ruột nhưng cũng đành bất lực chờ nguồn cung”, đại diện doanh nghiệp thừa nhận.

Doanh nghiệp vận tải đang chật vật trong cơn khát dầu
Ảnh: ITN

Cơ quan quản lý phải đánh giá thấu đáo

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thanh tra ngày 5.11, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện sản lượng sản xuất xăng dầu của các nhà máy trong nước cũng như số lượng nhập khẩu từ nước ngoài đã đạt 86% kế hoạch của cả năm. Như vậy, có thể khẳng định nguồn xăng dầu ở trong các doanh nghiệp, dự trữ thương mại và các cấp “hoàn toàn bảo đảm theo kế hoạch”, Bộ trưởng phát biểu.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, mặc dù kế hoạch tăng trưởng GDP đưa ra đầu năm nay vào khoảng 6,5% song Bộ Công thương đã có dự báo và chủ động phối hợp các bộ ngành xây dựng kịch bản tăng trưởng sản xuất và nhập khẩu xăng dầu thêm 20% sản lượng bình quân hàng năm. Theo đó, chúng ta sẽ có sản lượng xăng dầu trong nước khoảng 21 triệu tấn, đủ để đáp ứng nhu cầu của cả nước.

Tuy vậy, việc khan hiếm dầu theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải là vấn đề cần được Bộ Công thương đánh giá thấu đáo. “Hiện, nhu cầu của các doanh nghiệp rất lớn nhưng các đầu mối, đại lý dầu không có đủ lượng để cung cấp thì cơ quan quản lý cần phải xem lại”, đại diện doanh nghiệp đề nghị.

Cũng tại phiên chất vấn này, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết đang tiến hành thanh tra xăng dầu. Đại diện các doanh nghiệp vận tải đánh giá cao động thái này, đồng thời bày tỏ mong muốn sớm công bố kết quả, trong đó phải làm rõ được nguyên nhân để từ đó có giải pháp hợp lý.

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay hiện vào mức 15 - 16% và dự báo có thể lên mức 20%, nguồn cung dầu khan hiếm đang như "gọng kìm" siết chặt doanh nghiệp. "Hiện, chúng tôi chỉ dám xác định mục tiêu có thể duy trì hoạt động bình thường thay vì tính đến chuyện có lợi nhuận. Muốn vậy, chúng tôi chỉ mong các đầu mối cung ứng có đủ nguồn dầu”, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế Delta phát biểu.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/doanh-nghiep-van-tai-dang-khat-dau-i306695/