Doanh nghiệp vận tải lo phí chồng phí

Lo ngại phí chồng phí khi Trạm BOT Phú Hữu thu phí từ quý III/2024, nhiều doanh nghiệp vận tải đã kiến nghị miễn, giảm

Mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ dự án BOT xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào KCN Phú Hữu (Trạm BOT Phú Hữu) được UBND TP HCM phê duyệt ngày 8-3. Theo đó, mức giá áp dụng là 66.000 đồng/lượt/xe container 20 feet và 133.000 đồng/lượt/xe container 40 feet.

Áp lực đè nặng

Là một trong những chủ doanh nghiệp vận tải có đơn kiến nghị xem xét miễn, giảm phí khi qua Trạm BOT Phú Hữu, ông Trần Quang, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Trần Quang, cho biết công ty đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa và xuất khẩu với sản lượng hằng năm khoảng 200 container 20 feet và 150 container 40 feet. Hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu của công ty đều thông qua Tân Cảng - Phú Hữu và cảng container quốc tế SP-ITC (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức).

Theo ông Quang, việc triển khai thu phí tại Trạm BOT Phú Hữu sẽ tạo gánh nặng lên doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Dẫn chứng việc này, ông Quang cho hay tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa đi các nước sụt giảm nghiêm trọng sau dịch COVID-19. Thêm vào đó, với một container từ TP HCM xuất ra nước ngoài và ngược lại, doanh nghiệp đang gánh nhiều chi phí, như phí xuất nhập khẩu container qua cảng, hãng tàu; thuế xuất nhập khẩu…

Hiện nay, doanh nghiệp phải đóng phí cầu đường tại Trạm BOT xa lộ Hà Nội với mức 160.000 đồng/lượt xe và Trạm BOT Phước Long trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với mức 163.000 đồng/lượt xe. Hàng hóa từ các tỉnh, thành phía Nam đến TP HCM bắt buộc trả phí tại Trạm BOT cầu Phú Mỹ với mức 80.000 đồng/lượt xe và Trạm BOT đường Nguyễn Văn Linh 35.000 đồng/lượt xe.

Ngoài các khoản trên, doanh nghiệp còn phải đóng phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP HCM (gọi chung là phí sử dụng hạ tầng cảng biển) với mức 250.000 đồng/container 20 feet và gấp đôi với container 40 feet từ ngày 1-4-2022 đến nay.

Phân tích thêm, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Tiếp vận Việt Long cho biết do đường Nguyễn Thị Tư dẫn vào cảng khu vực Phú Hữu là độc đạo, khi xe vào thì buộc phải ra cùng một đường. Do đó, phí cầu đường mà doanh nghiệp vận tải phải đóng khi qua Trạm BOT Phú Hữu sẽ gấp đôi, tương ứng 266.000 đồng/2 lượt/container 40 feet.

"So với các trạm BOT hiện hữu, đường Nguyễn Thị Tư chỉ dài 2,6 km thì mức phí này là quá cao. Do đó, chúng tôi kiến nghị thành phố xem xét có phương án miễn, giảm phí nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp" - đại diện doanh nghiệp bày tỏ.

Xe container vận chuyển hàng hóa vào khu vực Phú Hữu mỗi ngayÀ̉nh: Ái My

Xe container vận chuyển hàng hóa vào khu vực Phú Hữu mỗi ngayÀ̉nh: Ái My

Kiến nghị miễn, giảm phí

Liên quan kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải, mới đây, đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết sở vừa có tờ trình gửi UBND thành phố đề nghị xây dựng quy định về mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển thay thế các quy định trước đó.

Trong tờ trình này, Sở GTVT TP HCM đề xuất giảm phí đối với nhóm hàng hóa đưa vào và rời khỏi Tân Cảng - Phú Hữu, cảng container quốc tế SP-ITC bằng đường bộ. Nguyên nhân là do Trạm BOT Phú Hữu chuẩn bị đưa vào thu phí.

Đây là tuyến độc đạo vào 2 cảng Tân Cảng - Phú Hữu và cảng container quốc tế SP-ITC. Tân Cảng - Phú Hữu là 1 phần của cảng Cát Lái - cảng container lớn nhất Việt Nam; cảng container quốc tế SP-ITC là cảng xuất nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 2 tại TP HCM, là cửa ngõ tiếp nhận và trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho các cảng ở Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khi Trạm BOT Phú Hữu thu phí, các doanh nghiệp sẽ đóng phí trung bình 133.000 đồng/lượt xe. Ngoài việc nộp phí sử dụng đường bộ nêu trên, doanh nghiệp còn phải đóng phí hạ tầng cảng biển khi đưa hàng vào cảng, rời cảng.

"Điều này sẽ tạo thêm gánh nặng, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, cần xem xét giảm phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa vào và rời Tân Cảng - Phú Hữu, cảng container quốc tế SP-ITC tương tứng với mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm BOT Phú Hữu" - đại diện Sở GTVT TP HCM đề xuất.

Cụ thể, Sở GTVT TP HCM đề xuất giảm 3% mức phí đối với hàng quá cảnh, hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập được đưa vào và rời Tân Cảng - Phú Hữu, cảng container quốc tế SP-ITC bằng đường bộ.

Giảm 26,5% đối với hàng trung chuyển, chuyển khẩu; hàng gửi vào kho ngoại quan; hàng hóa xuất nhập khẩu; hàng tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập quy định tại điều 48 Luật Hải quan khi đưa vào và rời 2 cảng này. Ngoài ra, miễn thu phí đối với hàng hóa đóng ghép trong container của cùng chủ hàng có khối lượng dưới 1 tấn.

"Dự kiến nếu áp dụng tỉ lệ giảm này, số phí thu hằng năm giảm khoảng 4,46% (năm 2025 dự kiến giảm 98 tỉ đồng). Việc giảm phí sẽ làm giảm áp lực, tạo tâm lý an tâm, thoải mái cho doanh nghiệp vận tải sau giai đoạn phục hồi kinh tế" - đại diện Sở GTVT TP HCM nhấn mạnh.

Đưa vào sử dụng từ năm 2016

Trạm BOT Phú Hữu do Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 thực hiện, được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ năm 2016. Từ đó đến nay, chủ đầu tư tự ứng vốn trả nợ ngân hàng, tổ chức khai thác bảo đảm an toàn giao thông và duy tu, sửa chữa.

Theo chủ đầu tư, công trình đã tạo điều kiện khai thác, phát triển cảng Cát Lái, cảng container quốc tế SP-ITC, các khu dân cư dọc tuyến đường. Tuy nhiên, việc chưa được thu phí đã gây khó khăn cho việc thu hồi vốn, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của đơn vị.

Thu Hồng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/doanh-nghiep-van-tai-lo-phi-chong-phi-196240721201603588.htm