Doanh nghiệp vật liệu đón đầu giảm phát thải

Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính, không chờ khi quy định phân bổ hạn ngạch phát thải có hiệu lực.

Giảm phát thải là xu thế chung

Từ 1/8/2025, Nghị định số 119/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ có hiệu lực.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chủ động kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chủ động kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải.

Nghị định số 119 quy định: Giai đoạn 2025 - 2026, cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính là các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất sắt thép, cơ sở sản xuất xi măng thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê.

Giai đoạn 2027 - 2028 và 2029 - 2030, các bộ quản lý lĩnh vực đề xuất danh mục cơ sở được phân bổ hạn ngạch, căn cứ danh mục cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê và lượng hạn ngạch phân bổ hằng năm cho từng cơ sở.

Theo một chuyên gia về vật liệu xây dựng, khi sản xuất bất kỳ sản phẩm nào đều thải ra một lượng khí thải nhất định. Nếu áp dụng công nghệ cao, sử dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng năng lượng sạch... sẽ làm giảm lượng khí thải phát sinh. Nhà nước sẽ ban hành một mức trần khí thải về sản xuất cho từng loại sản phẩm (hạn ngạch). Khi vượt quá hạn ngạch đó, bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi cách sản xuất hoặc mua tín chỉ carbon cho lượng khí thải vượt hạn ngạch hoặc thay đổi công nghệ.

Trường hợp sản xuất thấp hơn hạn ngạch cho phép, nghĩa là sử dụng ít hơn lượng khí thải cho phép, lượng ít hơn này doanh nghiệp có thể bán cho những nơi phát thải nhiều hơn hoặc nộp lại cho Nhà nước dưới dạng tín chỉ carbon.

TS Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc giảm phát thải khí nhà kính là xu thế chung của thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc.

"Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp để tìm các giải pháp giảm phát thải theo hạn ngạch phân bổ", TS Sâm bày tỏ.

Doanh nghiệp xi măng tiên phong

Trên thực tế, những năm gần đây, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng nói chung, doanh nghiệp xi măng nói riêng đã sớm chủ động kiểm kê khí nhà kính và áp dụng nhiều giải pháp giảm phát thải.

Một số doanh nghiệp xi măng đã phát triển đưa ra thị trường sản phẩm xi măng xanh.

Một số doanh nghiệp xi măng đã phát triển đưa ra thị trường sản phẩm xi măng xanh.

Bà Võ Thái Xuân Thủy, đại diện Công ty CP Xi măng FiCO Tây Ninh (Fico-YTL) cho biết, ngay từ khi thành lập (năm 2019), Fico-YTL đã xác lập định hướng phát triển theo mô hình doanh nghiệp xi măng phát thải thấp, ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất; đánh giá liên tục từ quy trình kiểm soát chất lượng tại mỏ khoáng sản cho đến quá trình nghiền - nung - đóng bao.

Năm 2024, mức phát thải trung bình của Fico-YTL đạt 486 kg CO2/tấn xi măng, giảm hơn 20% so với năm 2019 và thấp hơn mục tiêu quốc gia năm 2050 là 550kg CO2/tấn xi măng.

Fico-YTL đang triển khai đồng bộ các giải pháp như triển khai hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định nội bộ; tích hợp với phần mềm quản trị chất lượng và môi trường; triển khai đánh giá vòng đời sản phẩm; chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbom.

Còn theo đại diện Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), đơn vị có 10 công ty sản xuất xi măng với 16 dây chuyền sản xuất clinker, 28 hệ thống máy nghiền xi măng, chiếm gần 30% thị phần xi măng trong nước, nhiều năm qua, VICEM tiên phong trong việc kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính.

VICEM đã đầu tư hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định nội bộ từ sớm, giúp minh bạch lộ trình phát thải và quản lý hiệu quả định mức carbon theo từng nhà máy, từng dòng sản phẩm…

Trong sản xuất clinker, VICEM sử dụng nguyên liệu đá vôi có hàm lượng MgCO3 cao nhằm tiết giảm tài nguyên; sử dụng các loại tro xỉ nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu điều chỉnh; sử dụng rác thải công nghiệp thông thường làm nhiên liệu thay thế…

Với xi măng, VICEM sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện làm phụ gia; sử dụng thạch cao nhân tạo được sản xuất từ bã thải gyps thay thế thạch cao nhập khẩu.

Dữ liệu từ hệ thống cho thấy mức phát thải trung bình trong sản xuất clinker và xi măng của VICEM giảm dần qua từng năm.

Ông Đào Nguyên Khánh, đại diện Công ty Xi măng INSEE Việt Nam cũng chia sẻ, thông qua kiểm kê định kỳ, công ty sẽ có cái nhìn rõ ràng về nguồn và lượng phát thải tại từng công đoạn sản xuất, từ đó góp phần kiểm soát chặt chẽ và xây dựng các giải pháp phát thải phù hợp.

Cải tiến dây chuyền, sản xuất sản phẩm xanh

Dù không nằm trong danh sách kiểm tra bắt buộc của Chính phủ, nhưng trong 2 năm qua, Công ty Gỗ An Cường đã triển khai chương trình kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính.

Đầu tư xây dựng dự án tận dụng nhiệt điện thừa để phát điện là một trong những giải pháp giảm phát thải được ứng dụng trong các nhà máy xi măng.

Đầu tư xây dựng dự án tận dụng nhiệt điện thừa để phát điện là một trong những giải pháp giảm phát thải được ứng dụng trong các nhà máy xi măng.

Theo đại diện công ty, đây là một quá trình đòi hỏi nhiều công sức, từ việc tính toán thủ công dựa trên công thức để chuyển đến việc chuyển đổi sang sử dụng phần mềm công nghệ tự động hóa dữ liệu.

Còn tại Công ty CP Thắng Cường, doanh nghiệp sản xuất vật liệu ốp lát, sử dụng năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp tích cực cho việc giảm phát thải khí nhà kính. Với hệ thống điện mặt trời áp mái hiện tại (2MWp), công ty sản xuất được khoảng 2,5 triệu kWh/năm, tương đương với việc giảm khoảng 2.250 tấn CO2/năm.

Ông Lê Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty CP Thắng Cường cho biết, định hướng trong thời gian tới, công ty nghiên cứu thêm về công nghệ thu hồi nhiệt và tìm kiếm các khoản vay ưu đãi từ các chương trình hỗ trợ năng lượng xanh (như của IFC hoặc JETP)…

Theo TS Thái Duy Sâm, việc giảm phát thải là quá trình đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực. Để làm được điều này đòi hỏi phải chuẩn bị nguồn lực tài chính.

Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ như gói vay vốn ưu đãi từ các quỹ dành cho bảo vệ môi trường; mở các khóa đào tạo nhân lực về giảm phát thải, kiểm kê khí nhà kính; thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon để các doanh nghiệp có động lực đầu tư vào các giải pháp xanh; có những cơ chế ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp làm tốt công tác giảm phát thải.

Hào Mạnh

Hạnh Tâm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/doanh-nghiep-vat-lieu-don-dau-giam-phat-thai-192250715214236556.htm