Doanh nghiệp Việt cần chủ động khi chiến tranh thương mại leo thang
Nhằm cập nhật và phân tích những tác động mới của chiến tranh thương mại và thảo luận các biện pháp ứng phó của doanh nghiệp trong tình hình mới, thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Chiến tranh thương mại leo thang: Mừng, lo của doanh nghiệp Việt?'
Trong thời gian gần đây xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang tiếp tục leo thang và chưa cho thấy các dấu hiệu nhượng bộ của các bên. Cuối tuần trước, Mỹ đã áp mức thế 15% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tăng từ con số 10% trước đó. Trước tình hình đó, Bắc Kinh cũng đã đáp trả bằng thuế quan từ 5 – 10% nhằm vào 75 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, chủ yếu ảnh hưởng đến các sản phẩm nhạy cảm với ngành nông nghiệp. Mặt khác, để giảm thiểu tác động của việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu, Trung Quốc đã giảm bớt dự trữ bắt buộc và bơm tiền ra cho thị trường nhằm hạ giá đồng Nhân dân tệ.
Nhìn nhận về vấn đề này tại Hội thảo, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhận định: Thương chiến Mỹ - Trung chắc chắn còn kéo dài, luôn leo thang và các mối đe dọa từ trước đến nay có thể trở thành sự thật.
Bằng chứng là từ thời điểm Mỹ bắt đầu áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, từ tháng 6/2018 đến nay, chưa có loại thuế nào được gỡ bỏ hoặc giảm xuống mà chỉ có tăng lên. Bởi lẽ, thương chiến chỉ là một miếng ghép nhỏ trong cuộc chiến lớn hơn mà Mỹ phát động. Các bước đi ngày càng dồn dập và càng khó đoán, kể cả với giới nghiên cứu. “Sẽ khó đi đến thỏa thuận trong năm 2019, thậm chí 2020. Vì Tổng thống Donald Trump không muốn đi đến thỏa thuận nếu không nằm trong kế hoạch của Mỹ. Thương chiến đang làm thay đổi Trung Quốc và nước này sẽ là điểm đến đầy bất trắc (cho nhà đầu tư)”, ông Thành nói.
Trong bối cảnh này, người thắng là các nhà sản xuất có năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa ở mỗi nước (Mỹ, Trung Quốc) cũng như các nhà xuất khẩu đến từ nước thứ ba, chẳng hạn như Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là có thể thay thế được Trung Quốc trong việc xuất khẩu một số mặt hàng vào Mỹ. Truyền thông thế giới cũng từng nói rằng Việt Nam được lợi từ thương chiến.
Tuy nhiên, thực tế lại đang chứng minh điều này không chính xác. Lấy ví dụ như ngành gỗ và sản phẩm gỗ. Xuất khẩu của ngành gỗ vào Mỹ đạt 4 tỷ đô la Mỹ nhưng ở mảng gỗ chế biến, doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 43%. Không chỉ vậy, thống kê cho thấy Trung Quốc đang có 23 dự án đầu tư mới trong ngành gỗ, chế biến gỗ ở Việt Nam.
Hay như ở ngành dệt may, Mỹ là thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải chia sẻ với doanh nghiệp Trung Quốc nhiều nhất (Mỹ nhập từ Trung Quốc 40%, từ Việt Nam 15%). Đợt áp thuế mới nhất với 267 tỷ đô la với các mặt hàng tiêu dùng như dệt may, điện thoại… tạo cơ hội cho Việt Nam tăng xuất khẩu. Nhưng hàng xuất khẩu lại chủ yếu là từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam cho rằng, trong tương lai gần nếu chiến tranh thương mại leo thang, phạm vi thuế quan mở rộng ra toàn bộ kim ngạch song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thì sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam khá lớn.Đặc biệt, ông Tuyển cho rằng, điều quan ngại là đồng Nhân dân tệ giảm giá làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và Việt Nam sẽ là thị trường nhập khẩu các mặt hàng và công nghệ không cao đang dư thừa ở Trung Quốc. Điều này sẽ gây khó khăn cho sản xuất trong nước, làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc, gây sức ép lên tỷ giá tiền đồng và USD.
Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc có thể thông đồng với một số doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam rồi tìm cách xuất khẩu sang Mỹ. Đây là điều rất nguy hiểm, mà các doanh nghiệp cần thận trọng để tránh tạo cơ cho Mỹ đánh thuế bổ sung đổi với hàng hóa của Việt Nam.
Riêng phía Mỹ, theo ông Tuyển, tại thời điểm này, Việt Nam chưa phải là đối tượng mà Mỹ hướng đến nhưng Mỹ đã cảnh báo Việt nam trên các nội dung như: Việt Nam xuất siêu lớn, từ vị trí thứ 6 đầu năm 2018 hiện nay Việt Nam đã lên thứ 4 trong 16 nước xuất siêu vào Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cho rằng, Việt Nam cũng đang tác động đến thị trường ngoại tệ theo cách phi thị trường, đã mua vào lượng ngoại tệ lớn (hơn 2% GDP)…
Do đó, trong bối cảnh thương chiến còn dai dẳng như vậy, tại Hội thảo các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động phòng trừ rủi ro để có thể chủ động trong bị động.
Ông Tuyển nhấn mạnh, tình hình thế giới nhiều năm qua vốn đã rất bất định và rủi ro. Với thương chiến, sự bất định và rủi ro càng cao hơn, nhất là nhiều vấn đề khác cũng chưa được giải quyết như Brexit, căng thẳng quan hệ Nhật - Hàn. Lúc này, theo ông Tuyển, doanh nghiệp nên tìm đến những thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như châu Âu, Nhật. Đơn giản vì họ đã cam kết trong hiệp định nên sẽ có trách nhiệm thực hiện và sẽ tạo ra sự ổn định cho doanh nghiệp.
“Chúng ta vừa ký EVFTA. Nếu xem châu Âu là một thực thể kinh tế thì đây là thị trường lớn với 500 triệu dân, rất cần đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những khu vực đang bỏ ngỏ như Đông Âu… để không phụ thuộc vào một thị trường…”, ông Tuyển nói. Đa dạng thị trường cũng là cách để giảm xuất siêu vào Mỹ, giảm nguy cơ bị Mỹ “đánh thuế”.
Còn theo ông Thành, lâu nay, điểm yếu của doanh nghiệp là thiếu thông tin. Bởi lẽ, chi phí cho việc tìm kiếm, phân tích thông tin là rất lớn. Do vậy, các doanh nghiệp cần thông qua hiệp hội ngành hàng để có được những thông tin về kinh tế vĩ mô, ngành hàng .
Đặc biệt, ông Thành cho rằng, với các hiệp định thương mại đã ký, doanh nghiệp cần quan tâm, lưu ý đến phần phòng vệ thương mại. Đây là xu hướng đang tăng cao và doanh nghiệp khó tự ứng xử, đối phó. Vì vậy, càng cần có vai trò của hiệp hội trong việc tìm kênh thông tin chính xác cũng như có những đề xuất chính sách với Chính phủ.