Doanh nghiệp Việt cần làm gì để khai thác thị trường Halal tiềm năng
Thị trường Halal mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp hàng tỷ USD xuất khẩu, nhưng cũng kèm theo không ít thách thức. Doanh nghiệp Việt cần làm gì để khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này?
Kinh tế Halal toàn cầu sẽ đạt khoảng 10.000 tỷ USD
Theo báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu, chi tiêu thực phẩm Halal ước đạt 7.700 tỉ USD vào năm 2025 và dự kiến tăng lên 10.000 tỉ USD vào năm 2028. Trong khi đó, dân số Hồi giáo đang chiếm khoảng 24% dân số thế giới và có thể sẽ tăng thêm 3% vào năm 2050.
Thị trường này đang mở ra những cơ hội kinh doanh đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm chế biến. Với dân số Hồi giáo khoảng 2 tỷ người, chiếm 25% dân số thế giới, nhu cầu về sản phẩm Halal ngày càng tăng cao.
Dự báo, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu sẽ đạt khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Tiềm năng mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam càng được thể hiện rõ hơn khi Việt Nam đã nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, đồng thời là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật điều hành giao ban Xúc tiến thị trường xuất khẩu sản phẩm Halal.
Ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu thô tiềm năng dồi dào cho ngành Halal, bao gồm cà phê, gạo, hải sản, sản phẩm nuôi trồng thủy sản, gia vị, các loại hạt, rau củ và trái cây, cho thấy khả năng lớn trong việc sản xuất các sản phẩm cuối cùng. Việt Nam đã được công nhận là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu vào năm 2018, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú, bao gồm nhà hàng Halal và dịch vụ ăn uống. Như vậy, Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, trị giá 3 nghìn tỷ USD nhưng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, với chưa đến 10% nhu cầu được thỏa mãn”.
Tuy nhiên, việc thâm nhập thị trường Halal cũng đặt ra nhiều thách thức. Ông Lê Phú Cường - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết, nhiều sản phẩm của Việt Nam cần được chứng nhận Halal tại thị trường này. Đây có thể là một quy trình phức tạp và tốn kém cho các doanh nghiệp, dẫn đến số lượng sản phẩm có mặt trên thị trường chưa nhiều. Đồng thời có sự cạnh tranh với các nước có Hiệp định thương mại tự do với Malaysia như: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... vì sản phẩm của các nước này hiện diện đa dạng trên thị trường thực phẩm và đồ uống. Nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam chưa quen với thị trường và chưa thấy sản phẩm phù hợp với văn hóa tiêu dùng ở đây, ví dụ như bún, miến, mì có tên gọi địa phương và tương tự sản phẩm của ta, nhãn mác chưa dùng tiếng địa phương...
Cần xây dựng một hệ sinh thái Halal toàn diện
Ông Lê Phú Cường - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết, sẽ hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp thâm nhập thị trường này: “Malaysia là một trong những nước nhập khẩu hàng tiêu dùng lớn và có nhu cầu lớn về thực phẩm do không tự chủ về lương thực. Tuy nhiên thị trường cũng không lớn lắm, nếu tính về dung lượng so với các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia là một thị trường có tiềm năng để khai thác mặt hàng thực phẩm nói chung và thực phẩm Halal nói riêng. Do đó, thương vụ cũng sẵn sàng tiếp nhận các yêu cầu và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại đây và tiếp cận các hệ thống bán lẻ và cũng như các doanh nghiệp được phân phối để tích cực đưa hàng thực phẩm có chứng chỉ Halal của Việt Nam vào thị trường Malaysia”.
Để tiếp cận được thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chứng nhận thực phẩm Halal, mà còn phải nâng cao khả năng cạnh tranh. Ông Phạm Thế Cường- Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia kiến nghị: “Về phía các cơ quan nhà nước, thương vụ kiến nghị khi đàm phán ký kết các hiệp định với các nước Hồi giáo mới thì phải cần xem xét bổ sung những nội dung hợp tác Halal, để tạo thuận lợi cho các sản phẩm Halal Việt Nam, hạn chế các rào cản phi thuế quan thông qua việc chứng nhận Halal. Doanh nghiệp cũng cần phải có quyết tâm cao, có sự đầu tư tập trung nguồn lực con người và tài chính và đặc biệt có sự đầu tư bài bản tập trung vào cải thiện chất lượng, độ an toàn các sản phẩm Halal. Doanh nghiệp cũng cần chủ động xin chứng nhận Halal, kinh nghiệm thực tế cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài đều chủ động xin chứng nhận Halal Indonesia trước khi tiếp cận nhà nhập khẩu phân phối của Indonesia. Có sẵn chứng nhận Halal là một trong những lợi thế cạnh tranh nghiệp nhập khẩu sẽ xem xét giao dịch”.
Việt Nam, với lợi thế là một quốc gia nông nghiệp, có tiềm năng lớn để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal. Để khai thác hiệu quả thị trường Halal, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái Halal toàn diện và phát triển thương hiệu quốc gia về xuất khẩu nông sản Halal. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận Halal để đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cũng rất quan trọng, nhất là khi các nước nhập khẩu đang ngày càng đưa ra nhiều rào cản thương mại.
Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: “Một số giải pháp về xúc tiến thương mại trong thời gian tới để có thể đa dạng hóa được thị trường, đó là chúng ta có thể là làm mới những thị trường cũ. Cụ thể, những thị trường lớn như Trung Quốc, EU, Hoa kỳ, thì chúng ta có thể gia tăng lượng hàng hóa, có giá trị gia tăng cao, có giá trị thương hiệu cao, để giảm số lượng xuất khẩu, nhưng vẫn tăng được giá trị hàng hóa xuất khẩu. Điều này chỉ có thể làm được nếu như chúng ta đẩy mạnh cái giá trị thương hiệu hàng hóa, cũng như hàm lượng chế biến sâu và tỷ trọng khoa học công nghệ trong hàng hóa xuất khẩu của chúng ta. Bên cạnh đó thì chúng ta sẽ tìm kiếm những thị trường mới như là thị trường Nam Mỹ, các nước Đông Âu cũ, Trung Đông và châu Phi. Đây là những thị trường có dân số rất là lớn và đòi hỏi chất lượng hàng hóa vừa phải, phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam”.
Với các giải pháp hỗ trợ của các bộ ngành và sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tham gia hiệu quả, chiến lược bài bản sẽ giúp Việt Nam khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng này.