Doanh nghiệp Việt cần thích ứng với phòng vệ thương mại

Phòng vệ thương mại (PVTM) được ví như 'rào cản' bảo hộ, điều quan trọng là các DN Việt cần phải thích ứng. Nếu nhìn vào phán quyết vừa qua từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa thuế XK tôm vào Mỹ về 0% dành cho 30 DN của Việt Nam có thể thấy đó là một điển hình cho sự thích ứng.

Một trong những thách thức với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là các DN Việt sẽ phải đối mặt với với các biện pháp tự vệ chuyển tiếp. (Ảnh minh họa)

Thích ứng các quy định để đứng vững

Đơn cử như các sản phẩm thép XK từ Việt Nam sang Canada có sự gia tăng đáng kể thời gian qua. Nếu như hồi năm ngoái, Canada nhập khẩu khoảng 37 triệu đô la Canada (CAD) các sản phẩm thép của Việt Nam, thì nửa đầu năm nay đã tăng lên hơn 103 triệu CAD. Trong đó, nhóm sản phẩm tăng trưởng mạnh nhất là mặt hàng thép phẳng mạ phủ với kim ngạch đạt khoảng 94 triệu CAD.

Theo lý giải của VSA, việc gia tăng XK là do tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam và Canada là thành viên. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam không bán phá giá cũng như không lẩn tránh thuế PVTM của Canada.

Trong khi đó, Canada cho thấy đã có những động thái điều chỉnh pháp luật để cho phép áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế, sửa đổi luật thuế và hải quan Canada xóa bỏ quy định khoảng cách 2 năm giữa các lần áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung với cùng một sản phẩm nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng biện pháp PVTM thuận lợi hơn.

Ngoài ra, Canada còn thỏa thuận với Mỹ về việc tăng cường triển khai các biện pháp chống chuyển tải lẩn tránh cũng như hành vi phá giá, trợ cấp với sản phẩm thép nhập khẩu.

Cần nhắc lại, trong cam kết CPTPP, các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có thuế nhập khẩu đa số là 0%, thậm chí Canada còn dành cho 90% các mặt hàng công nghiệp Việt Nam có thuế nhập khẩu 0%.

Tuy nhiên, trước động thái cứng rắn của Canada, Cục PVTM mong muốn các DN thành viên nên xem xét kế hoạch sản xuất, XK sản phẩm thép sang thị trường này, tránh tăng trưởng quá nóng làm tăng nguy cơ bị điều tra PVTM (bao gồm cả chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp).

Đặc biệt là khi từ đầu năm đến nay, trong xử lý biện pháp PVTM của nước ngoài để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất, XK của Việt Nam, Bộ Công Thương đã xử lý 7 vụ việc PVTM khởi xướng với hàng XK của Việt Nam. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục xử lý 7 vụ việc khởi xướng từ năm 2018, xử lý 4 vụ việc rà soát, xử lý 3 vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Với CPTPP, theo chuyên gia Phạm Thanh Nga, thành viên Hội Luật Quốc tế Việt Nam (VSIL), một trong những thách thức với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là các DN Việt sẽ phải đối mặt với với các biện pháp tự vệ chuyển tiếp, đặc thù của Hiệp định, trong giai đoạn tối đa là 3 năm kể từ thời điểm CPTPP phát sinh hiệu lực.

“Các quốc gia thành viên sẽ có thể áp dụng nhiều biện pháp PVTM trên cơ sở đề nghị của các DN trong nước mình. DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ này khi XK ra một thị trường nhất định”, bà Nga lưu ý.

Nâng cao nhận thức sở hữu trí tuệ và cải thiện năng lực công nghệ

DN phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. (Ảnh minh họa)

Xét từ các vụ việc PVTM được ví như “rào cản” bảo hộ, điều quan trọng hiện nay là các DN Việt cần phải thích ứng. Nếu nhìn vào phán quyết vừa qua từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa thuế XK tôm vào Mỹ về 0% dành cho 30 DN của Việt Nam có thể thấy đó là một điển hình cho sự thích ứng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, để khai thác thị trường rộng lớn này, các DN cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU. Điều này đòi hỏi các DN phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Chỉ có như vậy, các DN mới có thể có thể đứng vững khi bước chân ra biển lớn, tham gia cuộc chơi chung toàn cầu, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về vấn đề sở hữu trí tuệ, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam. Trong đó có thể kể đến việc bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU với mức độ bảo hộ cao như mức độ mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh.

Một thách thức khác là đối với các quy định và cam kết của Việt Nam về sở hữu trí tuệ trong các FTA thế hệ mới, theo Ts. Nguyễn Ngọc Hà (Đại học Ngoại thương), đó là sự không thống nhất về hình thức văn bản để nội luật hóa các cam kết của Việt Nam. Điều này có thể tạo nên sự phức tạp đối với DN trong quá trình áp dụng, khi DN không thể biết một cách chính xác văn bản quy phạm pháp luật nào đã chuyển hóa cam kết nào của Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương với Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) khuyến nghị DN xuất khẩu: “Tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về xuất xứ hàng hóa, không tiếp tay cho các hành vi chuyển tải bất hợp pháp, gian lận thương mại gây tổn hại đến uy tín kim ngạch, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam nếu vướng phải các vụ kiện”

Minh Thùy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-viet-can-thich-ung-voi-phong-ve-thuong-mai-post67398.html