Doanh nghiệp Việt chậm trong xây dựng thương hiệu xanh

Khoảng 4-5 năm trở lại đây, sản xuất xanh được Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới nhắc đến, bởi đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia đã đặt ra yêu cầu, hàng hóa nhập khẩu ngoài chất lượng, mẫu mã thì phải có tiêu chí xanh, ít phát thải khí nhà kính… Vì thế, doanh nghiệp (DN) nào sớm thay đổi quy trình, công nghệ để tạo ra sản phẩm xanh sẽ dễ dàng tìm được đối tác mua hàng. Đồng thời, các nhãn hàng quốc tế cũng ưu tiên đặt hàng với những nhà máy sản xuất xanh.

Do đó, các DN muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu buộc phải chạy đua trong chuyển đổi, ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất để sớm đạt các tiêu chí xanh. Trong cuộc đua này, DN Việt thường chậm chân hơn các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Tại Đồng Nai, đến đầu tháng 8-2024, có hơn 53 ngàn DN đăng ký thành lập trên nhiều lĩnh vực, nhưng đa số là DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ nên gặp hạn chế về vốn, nhân lực trong đầu tư vào công nghệ hiện đại để sản xuất xanh. Việc chậm chân trong xây dựng thương hiệu xanh khiến DN mất đi nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, sức cạnh tranh cũng sụt giảm so với hàng hóa cùng loại đến từ các quốc gia khác đảm bảo được các tiêu chí xanh. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều DN Đồng Nai chưa trở thành nhà cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các tập đoàn FDI đặt nhà máy trên địa bàn tỉnh.

Các DN FDI tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành lân cận cho biết, họ đang tìm nguồn nguyên liệu trong nước để đảm bảo sản xuất. Như vậy sẽ giảm được chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, khi xuất khẩu vào các thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do sẽ hưởng các ưu đãi về thuế quan. Thế nhưng, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 30-50% cho các ngành sản xuất chính như: giày dép; may mặc; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; máy tính, linh kiện điện tử… Thực tế, trong 30-50% nguyên liệu trong nước, đa số của các DN FDI đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Còn DN thuần Việt tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu trên chưa nhiều.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong quá trình tham gia vào hội nhập sâu, muốn phát triển bền vững, DN phải xây dựng thương hiệu xanh cho sản phẩm của mình mới có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202408/doanh-nghiep-viet-cham-trong-xay-dung-thuong-hieu-xanh-f645b62/