Doanh nghiệp Việt chi 1,6% doanh thu cho nghiên cứu và phát triển, thấp hơn Lào

Các doanh nghiệp Việt Nam chi 1,6% doanh thu hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực như Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%).

Sáng ngày 15/12, Bộ KH&ĐT tổ chức Hội thảo "Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam". Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể khi tăng 10 bậc kể từ năm 2015. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập.

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất cần nguồn hỗ trợ tài chính để nghiên cứu, phát triển.

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất cần nguồn hỗ trợ tài chính để nghiên cứu, phát triển.

Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về đổi mới sáng tạo sau khi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng 36% so với năm 2020). Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng đổi mới sáng tạo của nước ta còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện...

Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam chi 1,6% doanh thu hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều các quốc gia trong khu vực như Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%), khoảng 80% doanh nghiệp cho biết chưa có hợp tác với đơn vị/tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Về phía Nhà nước, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ (cả khu vực Nhà nước và tư nhân) chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%) và Thái Lan (0,78%)... Về phía doanh nghiệp, một cuộc khảo sát của Bộ KH&CN cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc “Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4%) hoặc “Nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” (39,3%) mà ít có nghiên cứu và phát triển".

TS. Chử Đức Hoàng, đại diện cho Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ KH&CN nhận định, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nâng cao năng lực, tổ chức hoạt động nghiên cứu và phát triển, trích lập quỹ phát triển, duy trì hệ sinh thái nhà trường – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp bền vững. Tuy nhiên, năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp so với thế giới.

Thực tiễn, các doanh nghiệp của Việt Nam gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất cần nguồn tài trợ để nghiên cứu, phát triển, làm chủ và thương mại hóa công nghệ mới.

Theo đó, các doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt về công nghệ không kể nhà nước hay tư nhân cần được khuyến khích về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý và hỗ trợ tín dụng (cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn) để hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ.

Đồng thời, bà Nguyễn Thy Nga, Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư và quản lý V-Startup kiến nghị cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản trị, tăng cường quản trị công và nguồn nhân lực cho hệ thống đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, nâng cao vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//he-sinh-thai/doanh-nghiep-viet-chi-1-6-doanh-thu-cho-nghien-cuu-va-phat-trien-thap-hon-lao-1082790.html