Một số vấn đề pháp lý với DN Việt trong cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung

Sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về kinh tế của Tổng thống Donald Trump áp dụng mức thuế suất cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (10%), đã tác động mạnh đối với kinh tế Việt Nam và kinh tế của thế giới.

Ngay khi thuế suất nhập khẩu của Mỹ có hiệu lực, Trung Quốc lập tức tung biện pháp trả đũa, áp thuế đối với các mặt hàng than đá, khí tự nhiên, dầu thô, máy móc từ Mỹ.

DN Việt Nam cần nhận diện sớm và rõ nguy cơ hiện hữu về cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ với các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp và tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý đối với DN Việt Nam trong hoạt động xuất nhập khẩu, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Việt Nam từng là nước được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thuế quan (Tariff War) lần 1 giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ 1 của Tổng thống Donald Trump, và trong nhiệm kỳ của Tổng thống John Biden từ ngày 20-1-2021 đến 20-1-2025. Chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã trở thành một xu hướng rõ rệt.

Trung Quốc dẫn đầu về số dự án, chiếm 29,3% số dự án FDI đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 2 về vốn đầu tư với hơn 3,2 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư. Đầu tư Trung Quốc tập trung vào xuất khẩu (54%), trong 46% còn lại có khoảng 50% cung cấp sản phẩm cho các DN FDI khác ở Việt Nam và 45% cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho DN Việt Nam.

Như vậy, tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa của đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam khoảng 77%, trong đó chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Mỹ với xuất xứ sản xuất tại Việt Nam. Các nhóm hàng Việt Nam đang có lợi thế lớn tại Mỹ là các mặt hàng Trung Quốc từng có lợi thế xuất khẩu trước đây. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Mỹ.

Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng hàng năm gần 20% vào năm 2024 lên mức kỷ lục vượt quá 123,4 tỷ USD. Trong cùng kỳ, khoảng cách với Trung Quốc tăng chưa đến 6% lên 295,4 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm vào năm 2018; thặng dư của EU tăng gần 13% lên mức cao 235,5 tỷ USD; và thâm hụt với Mexico tăng 12,5% lên gần 172 tỷ USD, cũng là mức kỷ lục mọi thời đại (chi tiết trong biểu đồ).

 Việt Nam có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ tư sau Trung Quốc, EU, Mexico

Việt Nam có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ tư sau Trung Quốc, EU, Mexico

Có thể xảy ra một số rủi ro pháp lý dưới đây với DN Việt Nam

Thứ nhất, rủi ro về khả năng lấp đầy sớm đất khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) mới phát triển. Chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi mục tiêu thu hút và hợp tác đầu tư chọn lọc của Việt Nam, những dự án đầu tư đầu tư có sử dụng đất, không đảm bảo hiệu suất vốn đầu tư, không phù hợp quy hoạch phát triển ngành nghề của địa phương và/hoặc của KCN, CCN, dự án ngành nghề truyền thống sử dụng nhiều lao động phổ thông, dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường có thể sẽ không được xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Hơn nữa, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao (thí dụ nghiên cứu và sản xuất chip, bán dẫn, AI), sử dụng nhân lực chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, nhưng thông thường các dự án này lại sử dụng không nhiều diện tích đất khu công nghệ cao, KCN hoặc CCN.

Các dự án xây dựng phát triển KCN mới với quy mô lớn hàng trăm ha cung cấp cho các dự án chế tạo, sản xuất cần tính toán đến khả năng lấp đầy trong thời gian ngắn.

Thứ hai, rủi ro về chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ. Mặc dù Việt Nam hiện nay chưa bị Mỹ quyết định áp dụng mức thuế quan cao, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn đứng ngoài cuộc chiến thuế quan của Mỹ với thế giới.

Trường hợp Mỹ dùng chính sách thuế quan để mặc cả với Việt Nam nhằm cân bằng cán cân thương mại rất có thể ảnh hưởng đến cơ cấu mặt hàng Việt Nam xuất sang Mỹ (đều là các mặt hàng chủ lực xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ trước đây), nếu xảy ra, rủi ro pháp lý về thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký với đối tác hoặc nhà nhập khẩu Mỹ, bao gồm mặt hàng, giá cả và phương thức thanh toán, thời hạn và phương thức giao hàng, xuất xứ.

Đặc biệt, đối với các hợp đồng mà DN Việt Nam là nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng hoặc sản xuất toàn cầu, thường phải bảo đảm điều kiện giao đủ hàng đúng hạn trong mọi điều kiện trong thời hạn dài có thể đến 1 năm hoặc dài hơn, hoặc điều kiện thanh toán sau khi nhà nhập khẩu nhận hàng 6 tháng đến 1 năm.

Thứ ba, rủi ro bị điều tra bán chống phá giá hoặc điều tra gian lận thương mại về chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Hình thức gian lận xuất xứ phổ biến như, ghi sai hoặc giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ, hoặc như tạm nhập tái xuất như mua hàng hóa từ Trung Quốc và chỉ thay đổi một số bộ phận nhỏ, rồi xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ từ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, hoặc như thay đổi nhãn mác và bao bì để làm giả nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) sẽ yêu cầu tiến hành điều tra khi có nghi ngờ gian lận trong việc chứng nhận xuất xứ và áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc, bao gồm: phạt tiền, phạt thuế bổ sung, tạm dừng hoặc thu hồi quyền xuất khẩu vào Mỹ, điều tra sâu về nguồn gốc sản phẩm ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng của DN.

Rủi ro về thuế quan và phạt tiền. Nếu bị phát hiện gian lận về xuất xứ, DN sẽ phải đối mặt với các mức thuế quan cao hơn, do Mỹ sẽ áp dụng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa không đáp ứng các yêu cầu xuất xứ. Có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính đối với DN vì không chỉ mất ưu đãi thuế quan mà còn có thể phải chịu phạt tiền cao, làm tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.

Mất quyền tiếp cận thị trường Mỹ. Đây là hậu quả nghiêm trọng nhất của gian lận xuất xứ. Nếu bị phát hiện vi phạm, một DN có thể bị cấm xuất khẩu vào Mỹ trong thời gian dài, hoặc bị hạn chế hoặc kiểm tra nghiêm ngặt về nguồn gốc hàng hóa trong tương lai. Ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín và hình ảnh của DN trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng và gây thiệt hại về thời gian và chi phí.

Để giảm thiểu rủi ro này, DN cần có các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ, tuân thủ đầy đủ các quy định về xuất xứ và sử dụng dịch vụ kiểm tra chuyên nghiệp để bảo vệ lợi ích của mình.

Thứ tư, lưu ý đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ là một giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của DN, tránh việc vi phạm bản quyền, nhãn hiệu, sáng chế và các quyền sở hữu trí tuệ khác, duy trì lợi thế cạnh tranh. Do đó, DN cần chủ động nắm vững các quy định, quy trình đăng ký và bảo vệ quyền lợi của mình trên thị trường Mỹ.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Mỹ (BTA) cung cấp các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Mỹ cho DN Việt Nam. Mỹ là thành viên của Công ước Berne và Công ước Paris, các quyền sở hữu trí tuệ của DN Việt Nam sẽ được bảo vệ tại Mỹ. Đồng thời sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ tại tòa án Mỹ, hoặc yêu cầu hải quan Mỹ ngừng nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Luật sư BÙI VĂN THÀNH, Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/mot-so-van-de-phap-ly-voi-dn-viet-trong-cuoc-chien-thue-quan-my-trung-post120410.html