Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển đất nước

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp để bàn về nhiệm vụ, giải pháp giúp doanh nghiệp tư nhân tăng tốc bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, diễn ra sáng 10/02, tại Hà Nội.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT, qua gần 40 năm đổi mới, doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng năm 2024, có trên 233 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, đã chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2024, Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu; tốc độ tăng trưởng đạt 7,09%, thuộc nhóm số ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; quy mô GDP đạt 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới; xuất nhập khẩu đạt 786 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; thu ngân sách nhà nước ước vượt 19,8% dự toán, trong đó thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt 20,7%…"Những thành tựu này có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT, trong năm 2024, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ với nhiều cải cách đột phá. Điển hình như việc sửa đổi 04 Luật: Quy hoạch, Đầu tư, PPP và Đấu thầu và 9 luật trong lĩnh vực tài chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo “luồng xanh” cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Thủ tướng đã thành lập các Ban chỉ đạo, tổ công tác để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp,đặc biệt là Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban, Bộ KHĐT là cơ quan thường trực nhằm khơi thông các nguồn lực rất lớn tại các dự án đầu tư đang bị ách tắc, thể hiện tinh thần luôn đồng hành, sát cánh với cộng đồng doanh nghiệp của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục giảm, gia hạn nộp một số loại thuế nhằm kích thích tiêu dùng và giảm chi phí cho doanh nghiệp... "Những chính sách này thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,giúp cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và gia tăng niềm tin, tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng của đất nước

Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thời gian qua; trước những thách thức, yêu cầu đang đặt ra trong bối cảnh tình hình mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, mục tiêu, yêu cầu phát triển đặt ra trong thời gian tới của đất nước, cần sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cũng như sự đồng lòng, chung sức của cả cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng cho rằng, cần phải thống nhất cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong phát triển kinh tế xã hội. Xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội; thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại; xây dựng cơ chế, chính sách hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng tham gia thị trường quốc tế; phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa sản xuất những mặt hàng trong nước có thế mạnh, có khả năng duy trì và chiếm lĩnh dần thị trường trong nước.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ thường chỉ đạo, yêu cầu doanh nghiệp: “Tiên phong trong đổi mới sáng tạo; tăng tốc, bứt phát trong tăng trưởng; phát triển toàn diện, bao trùm, bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế sáng tạo; bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường; làm tốt công tác tham gia bảo đảm an sinh xã hội”. Đây chính là kim chỉ nam hành động cho từng doanh nghiệp để nỗ lực vươn lên, đồng hành với Chính phủ thực hiện khát vọng Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Các doanh nghiệp lớn cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế; phát huy vai trò “doanh nghiệp dẫn đầu”, chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị.

"Các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế; tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ KHĐT cũng đề nghị các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp phát huy vai trò cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Tăng cường tham gia đối thoại, kịp thời theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hiệp hội, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp thành viên, nhất là trong các vụ kiện thương mại, phá giá; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối đầu tư kinh doanh.../.

M. THÚY

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/doanh-nghiep-viet-nam-ngay-cang-khang-dinh-vai-tro-quan-trong-trong-phat-trien-dat-nuoc-38114.html