Doanh nghiệp Việt kiến nghị thúc đẩy đầu tư, thương mại Việt Nam - Lào

Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA) đã nêu khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải tại Lào và kiến nghị các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư.

Từ ngày 9-10/1 theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào.

Nhân dịp này, chiều ngày 9/1, hai Thủ tướng đã đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào. Cùng dự Hội nghị có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam Phết Phom-phi-phắc cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và nhiều Bộ trưởng, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào với chủ đề "Thúc đẩy cùng phát triển bền vững và thịnh vượng" - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào với chủ đề "Thúc đẩy cùng phát triển bền vững và thịnh vượng" - Ảnh: TTXVN

"Cầu nối" đầu tư, thương mại Việt Nam - Lào

Phát biểu đánh giá về tình hình hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào và định hướng năm 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào cho biết, Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tổ chức với chủ đề "Thúc đẩy cùng Phát triển bền vững và Thịnh vượng".

Đây là sự kiện quan trọng để chúng ta cùng nhau tổng kết, đánh giá kết quả hợp tác đầu tư năm 2024 và bàn giải pháp thực hiện Kế hoạch hợp tác năm 2025 vừa được Chính phủ hai nước thông qua sáng nay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào phát biểu đánh giá về tình hình hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào và định hướng năm 2025 - Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào phát biểu đánh giá về tình hình hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào và định hướng năm 2025 - Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA) cho biết, trong bối cảnh còn chịu ảnh hưởng từ dư âm của đại dịch Covid-19 và nền kinh tế Lào còn gặp rất nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp hội viên đã nỗ lực vượt qua thách thức để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo.

Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các doanh nghiệp không chỉ tạo ra hàng ngàn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn bổ sung nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước Lào. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực như: xây dựng, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp chế biến đã ghi nhận những kết quả tích cực.

"Thành tựu này là minh chứng cho sự năng động, sáng tạo, tinh thần vượt khó và tinh thần trách nhiệm cao của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, đồng thời thể hiện vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt", ông Nguyễn Xuân Hà khẳng định.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA) phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA) phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào là đầu mối tổ chức nhiều hoạt động kết nối đầu tư. Trong đó, có các sự kiện nổi bật như: Diễn đàn hợp tác Thương mại, Đầu tư và Du lịch thúc đẩy hành lang Kinh tế Đông Tây và Tam giác phát triển Việt Nam, Lào, Campuchia và Hội chợ Triển lãm sản phẩm hàng tiêu dùng 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan tại Pakse (tháng 4/2024).

Phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức tọa đàm "Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt - Lào" (tháng 7/2024); phối hợp cùng Viện Khoa học Phát triển Nhân lực và Hợp tác Quốc tế tổ chức chương trình "Giao lưu Hợp tác xúc tiến thương mại Việt Nam - Lào năm 2024" (tháng 10/2024).

Cùng với đó, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang làm việc tại các tỉnh của Lào nhằm tìm kiếm kết nối các doanh nghiệp Việt Kiều mở rộng kinh doanh tại Lào. Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại khu vực Nam Lào, giải quyết vướng mắc trong vấn đề thuê đất làm dự án Nông nghiệp trên địa bàn tại tỉnh Champasak.

Tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu dành cho các CEO, nhằm tập trung vào phát triển kỹ năng lãnh đạo, xây dựng chiến lược dài hạn và tối ưu hóa hiệu suất doanh nghiệp; cập nhật các quy định thuế, kế toán mới nhất, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ chấp hành đúng pháp luật Lào và giảm thiểu rủi ro tài chính.

Trong công tác cộng đồng và an sinh xã hội, các doanh nghiệp thuộc Hội đã quyên góp và ủng hộ bà con đồng bào lũ lụt các tỉnh của Lào và Việt Nam trong cơn bão Yagi với số tiền gần 3.500.000.000 kíp; trao hơn 30 suất học bổng cho học sinh giỏi các cấp, học sinh nghèo vượt khó và trao quỹ khuyến học cho các nhà trường tại tỉnh Savannakhet; ủng hộ ngân sách phục vụ học tập cho các em học sinh Trường PTTH Hữu nghị Lào Việt Nam tại Thủ đô Viêng Chăn tổng trị giá nhiều chục triệu kip; ủng hộ Quỹ phát triển Tiếng Việt cho Cộng đồng người Việt tại Lào với số tiền gần 200.000.000 kip.

Thành lập Trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm, nhằm đáp ứng lao động đầy đủ kịp thời cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Lào.

Giải pháp toàn diện, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn tại Lào

Trên cơ sở các khó khăn, vướng mắc mà một số doanh nghiệp hội viên đã và đang gặp phải, ông Nguyễn Xuân Hà thay mặt Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào kiến nghị Chính phủ hai nước quan tâm giải quyết một số vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, cơ chế chính sách của Lào còn một số tồn tại, thủ tục hành chính đã có cải tiến nhưng còn chậm thiếu sự đồng nhất giữa Trung ương và địa phương làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp.

Thứ hai, quy hoạch đất đai của Lào còn thiếu chi tiết dẫn đến một số dự án đất bị chồng lấn gây tranh chấp.

Thứ ba, một số chính sách phí thuế tại Lào còn chưa phù hợp vẫn còn cao so với mặt bằng các nước lân cận.

Thứ tư, trong lĩnh vực khai khoáng, việc xem xét phê duyệt các giai đoạn của các dự án còn kéo dài, phức tạp gây ảnh hưởng trầm trọng đến doanh thu của các doanh nghiệp.

Thứ năm, về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, cơ chế quản lý không đồng nhất, nguồn hàng nhập tiểu ngạch nhiều, việc điều chỉnh giá xăng dầu của Chính phủ còn chưa kịp thời với thị trường thế giới gây nhiều khó khăn và cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Thứ sáu, các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đang gặp vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay tỷ giá hối đoái giữa hệ thống liên ngân hàng với thị trường tự do còn chênh lệch quá lớn. Tính thanh khoản giữa đồng tiền Kíp và Việt Nam đồng không thuận lợi.

Thứ bảy, các thủ tục xử lý tài sản khi có phát mại, tranh chấp còn phức tạp và quyền lợi của Ngân hàng khi nhận thế chấp chưa được bảo vệ tuyệt đối.

Thứ tám, giao thông vận tải, đường xá của Lào đa phần được thiết kế xây dựng cách đây nhiều chục năm, hỏng hóc nhỏ hẹp khúc khuỷu chưa phù hợp với xu hướng giao thông hiện đại của các nước trong khu vực lân cận.

Từ các vấn đề trên, lãnh đạo Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cũng đã trình bày kiến nghị Chính phủ hai nước quan tâm giải quyết một số vấn đề trọng tâm, cụ thể:

Thứ nhất, sớm triển khai cơ chế "2 cửa khẩu, 1 điểm dừng" nhằm giảm thiểu ùn tắc, khai thông hàng hóa thông thương thuận lợi giữa hai nước.

Thứ hai, cần sớm chung tay triển khai đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và phát triển du lịch.

Thứ ba, khuyến khích các đối tác liên doanh với nước thứ ba tham gia đầu tư tại Lào, đặc biệt trong các lĩnh vực tiềm năng như: chuyển đổi số, phát triển năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản, dược liệu, giáo dục, du lịch... đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế.

Thứ tư, tăng cường hợp tác giữa các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước để chia sẻ kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô, hỗ trợ Lào xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế theo ngành và địa phương, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế dọc biên giới.

Thứ năm, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn của Việt Nam sang đầu tư tại Lào, tạo hiệu ứng dẫn dắt, giúp tăng cường tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong thương mại tại Lào và thúc đẩy đầu tư từ Việt Nam.

Thứ sáu, xúc tiến thành lập khu công nghiệp Việt Nam tại Lào, trung tâm thương mại Mega Mall.

Thứ bảy, tăng cường các chuyến bay Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh - Viêng Chăn, cũng như các tuyến đến các thành phố lớn khác của Việt Nam với giá vé phù hợp, dựa trên bài học từ chuyến bay thẳng TP. Hồ Chí Minh - Viêng Chăn, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp hai nước.

Thứ tám, đề nghị Chính phủ Lào quan tâm chỉ đạo xử lý các vướng mắc phát sinh liên quan đến quản lý cấp giấy phép thu mua mủ cao su, quản lý diện tích, tăng cường công tác an ninh đảm bảo an toàn, và tạo điều kiện tiếp cận lao động từ các địa phương khác để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực.

Thứ chín, ký kết các thỏa thuận song phương về xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, hài hòa tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch động vật và sản phẩm chăn nuôi giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm từ các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, thiết lập cơ chế cấp phép xuất khẩu nhanh: áp dụng đối với sản phẩm từ các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn, nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi và tăng cường hợp tác kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, từ ngày 9-10/1 theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone.

Bộ trưởng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại kỳ họp và Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật. Đi cùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng trong Bộ Công Thương như: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập về kinh tế quốc tế, Văn phòng Bộ, Báo Công Thương...

Năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam - Lào ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng gần 34% so với năm 2023. Đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại song phương hai nước vượt mốc 2 tỷ USD, vượt xa mục tiêu do Chính phủ hai nước đề ra trước đó, là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của cả hai nước.

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-viet-kien-nghi-thuc-day-dau-tu-thuong-mai-viet-nam-lao-368782.html