Doanh nghiệp Việt làm gì để tận dụng lợi thế xuất khẩu sang Hàn Quốc?
Để tận dụng được lợi thế từ VKFTA, doanh nghiệp Việt cần chú ý đẩy mạnh phát triển thương hiệu, vượt hàng rào kỹ thuật bằng chất lượng sản phẩm và chủ động xin cấp C/O (quy tắc xuất xứ).
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đang tạo ra nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn: Internet.
VKFTA và lợi thế từ "không cạnh tranh trực tiếp"
Báo cáo vừa công bố của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho biết trong năm 2017, Việt Nam đã vượt qua Hong Kong (Trung Quốc) và trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc, chỉ đứng sau Trung Quốc và Mỹ, tăng 3 bậc so với năm 2014.
KITA dự báo Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc sẽ vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong năm 2020, đưa Việt Nam thành điểm đến lớn thứ hai của các loại hàng xuất khẩu của Hàn Quốc, chỉ đứng sau Trung Quốc, nhờ hiệu ứng rất tốt từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).
Đây là tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam: Hàn Quốc đang trở thành thị trường thay thế tiềm năng và có nhiều cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. VKFTA đã phát huy tác dụng vượt bậc, tạo rất nhiều cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa nông sản, thực phẩm (rau quả, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, tôm, mực) tham gia thị trường Hàn Quốc trong nhiều năm tới.
Đây cũng chính là lợi thế mà doanh nghiệp hai bên có được từ một đặc điểm rất riêng trong quan hệ thương mại Việt - Hàn: cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau.
Phát triển thương hiệu, tham gia chuỗi cung ứng
Để tận dụng được lợi thế từ VKFTA, doanh nghiệp Việt cần chú ý các yêu cầu sau:
Thứ nhất, phải đẩy mạnh phát triển thương hiệu.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay mới chỉ có sản phẩm cà phê Trung Nguyên G7 xuất hiện trên kệ của các hệ thống phân phối lớn trên thị trường Hàn Quốc.
Cà phê Trung Nguyên G7. Nguồn: Internet.
Một số sản phẩm như: Phở Xưa và nay, tương ớt Trung Thành, nước mắm Nam Ngư… mới chỉ được bán ở những hệ thống phân phối không chính thức. Trong khi, những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam nhưng mang thương hiệu nước ngoài đang được bày bán và ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc.
Muốn đẩy mạnh thương hiệu Việt sang thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp cần liên kết và trở thành một phần trong chuỗi cung ứng của các nhà phối lớn tại thị trường này. Cần tận dụng chính sách hỗ trợ phát triển logo của đối tác, có thể gắn thương hiệu của doanh nghiệp Việt với thương hiệu của nhà phân phối để quá trình hợp tác thuận lợi hơn.
Thứ hai, cần vượt hàng rào kỹ thuật bằng chất lượng sản phẩm thông qua việc tiếp cận sâu các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi mới công nghệ, tuân thủ đúng các quy trình chế biến, sản xuất.
Người Hàn Quốc có tâm lý hàng Hàn Quốc là số 1 và niềm tự hào dân tộc về sản phẩm nông sản thực phẩm. Do vậy, với hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, thiết kế, bao bì bởi việc thỏa mãn được thị hiếu là điều kiện bắt buộc để hàng hóa Việt được người tiêu dùng Hàn Quốc chấp nhận.
Doanh nghiệp đặc biệt lưu ý, quy định của Hàn Quốc rất ngặt nghèo: các lô hàng không đạt tiêu chuẩn không những bị trả về mà doanh nghiệp còn phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng.
Thứ ba, cần chủ động xin cấp C/O (quy tắc xuất xứ) để hưởng ưu đãi thuế quan từ VKFTA trước khi xuất khẩu hàng sang Hàn Quốc. Thực tế cho thấy, phần lớn, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ sử dụng C/O để hưởng ưu đãi thuế quan khi có yêu cầu của đơn vị nhập khẩu.
Làm tốt các yêu cầu trên, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng được tối đa lợi thế mà VKFTA mang lại.
Minh Hoa