Doanh nghiệp Việt 'lên dây cót', hướng đến phát triển bền vững
Trong bối cảnh có nhiều yếu tố vĩ mô và pháp lý tác động đến hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách thích ứng với sự thay đổi trong cách thức vận hành, ứng dụng công nghệ và chọn phát triển bền vững là mục tiêu trọng tâm của năm 2025.
Đó là nội dung chính mà nhiều doanh nhân đã chia sẻ với KTSG Online trong những talkshow Doanh nhân chính truyện - Signature Voice, vừa phát sóng trong thời gian qua.
Những rào cản trong năm 2025
Năm 2024 chứng kiến sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nhà sáng lập Rovi Travel, bên cạnh những tín hiệu tích cực, ngành vẫn đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là tình trạng giá vé máy bay nội địa tăng cao, gây khó khăn cho các công ty lữ hành.
Cùng với đó là thách thức từ sự biến động của kinh tế toàn cầu, chi phí vận hành tăng do giá nhiên liệu và các chi phí khác đều tăng cùng với sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng của khách hàng khiến doanh nghiệp phải tính toán nhiều hơn.
"Du khách ngày càng thắt chặt chi tiêu, tìm kiếm các sản phẩm có mức giá vừa phải, cá nhân hóa, gần gũi với thiên nhiên, hướng đến sự phát triển bền vững... Các yêu cầu này đặt ra những bài toán không nhỏ cho các doanh nghiệp lữ hành như chúng tôi”, bà nói.
Tương tự, ngành bảo hiểm Việt Nam cũng đang phải vượt qua nhiều "sóng ngầm". Bà Vũ Lê Mộng Hà, Phó TGĐ kinh doanh AIA Việt Nam, cho biết một trong những trở ngại lớn của doanh nghiệp bảo hiểm là vấn đề niềm tin của khách hàng. Dư âm từ những biến động thị trường trước đó vẫn còn ảnh hưởng đến quyết định tham gia bảo hiểm của người tiêu dùng. Thêm vào đó, các yếu tố khách quan như suy thoái kinh tế toàn cầu và thiên tai khó lường cũng tác động tiêu cực đến quyết định mua bảo hiểm của người dân.
Một trong những rào cản lớn khiến nhiều người còn e ngại với bảo hiểm nhân thọ là định kiến “mua dễ, bồi thường khó”. Nguyên nhân sâu xa có thể đến từ khâu tư vấn ban đầu chưa đầy đủ và sự thiếu rõ ràng về các điều khoản, quyền lợi và loại trừ. Vì vậy, doanh nghiệp phải thay đổi thì mới xóa bỏ được định kiến này.
Ngành xây dựng cũng không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn. Ông Võ Hoàng Lâm, Phó Tổng Giám đốc Coteccons, cho rằng ngành xây dựng Việt Nam phải trải qua những thách thức tài chính, thị trường bất động sản trầm lắng, cạnh tranh khốc liệt, giá vật liệu biến động và tình trạng thiếu hụt nhân lực làm cho nhiều nơi lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí phá sản.
Ở lĩnh vực thương mại điện tử, dù ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu vượt 25 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024 nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Trong đó, có việc cạnh tranh không bình đẳng giữa những nền tảng tuân thủ pháp luật và các hình thức kinh doanh trực tuyến không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và đăng ký hàng hóa, đặc biệt là hình thức "thương mại điện tử inbox" tự phát.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Shop Việt Nam, cho rằng việc thiếu sự kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa và nghĩa vụ pháp lý tạo ra một sân chơi không công bằng, gây bất lợi cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Thích ứng như thế nào?
Chia sẻ về chiến lược phát triển, bà Tiến nhấn mạnh, Rovi Travel không chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm mà còn chú trọng ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Công ty đã ra mắt ứng dụng du lịch Rovi, một nền tảng công nghệ "all-in-one" tích hợp đa dạng dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng, vé máy bay đến hàng ngàn sản phẩm tour du lịch.

Khách hàng trải nghiệm, phản hồi tích cực về ứng dụng Rovi Travel và Tebbi AI tại Hội chợ du lịch quốc tế TPHCM
Không chỉ doanh nghiệp du lịch như Rovi, phát triển công nghệ cũng là một trong những chiến lược của nhiều doanh nghiệp trong đa dạng các lĩnh vực. AIA Việt Nam tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để đơn giản hóa quy trình tham gia bảo hiểm và đặc biệt là quy trình giải quyết bồi thường. Bà Mộng Hà cho biết, nhờ cải tiến công nghệ, thời gian giải quyết bồi thường có thể rút ngắn xuống chỉ còn hai ngày sau khi nhận đầy đủ hồ sơ.
"Mục tiêu của chúng tôi là ứng dụng công nghệ để tăng trưởng một cách bền vững, đảm bảo rằng mỗi khách hàng đều nhận được sự tư vấn đúng và đủ, từ đó xây dựng mối quan hệ lâu dài và tin cậy," bà Mộng Hà nói.
Với lĩnh vực vận chuyển, một trong những nền tảng quan trọng cho sự thành công của Giao Hàng Nhanh (GHN) chính là đầu tư mạnh mẽ và liên tục vào công nghệ. GHN xem công nghệ là "DNA" của công ty, là yếu tố sống còn để tối ưu hóa vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Công ty đã xây dựng hệ thống phân loại hàng hóa tự động tại các kho trung chuyển quy mô lớn, điển hình là kho ở Hưng Yên với diện tích lên đến 90.000m². Hệ thống này không chỉ tăng gấp đôi năng lực xử lý hàng hóa so với các kho trước đó mà còn có khả năng xử lý cả hàng vừa nhỏ và hàng nặng, giúp tối ưu hóa thời gian và mở rộng khả năng phục vụ khách hàng, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc.

Các doanh nghiệp đã chia sẻ những thách thức và chiến lược 'vượt sóng' trong chương trình Doanh nhân chính truyện - Signature Voice.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống hỗ trợ nhân lực là một bước tiến trong việc đào tạo và quản lý nguồn nhân lực. Hệ thống này giúp nhân viên mới nhanh chóng nắm bắt công việc, hiểu rõ quy trình và quy định đồng thời cung cấp cơ sở để tính toán mức lương đảm bảo, từ đó nâng cao sự gắn bó của người lao động.
“Công nghệ còn được áp dụng để theo dõi toàn bộ quy trình vận chuyển theo thời gian thực, cung cấp dữ liệu quan trọng cho việc đưa ra các quyết định chính xác và tối ưu hóa hiệu suất toàn hệ thống”, bà Lê Thị Đoan Trinh chia sẻ.
Cùng với những khó khăn, yêu cầu mới từ thị trường buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng, nhiều doanh nhân, trong đó có những người kinh doanh bất động sản, dịch vụ văn hóa... đã đề cập đến những khó khăn liên quan đến các quy định của pháp luật. Những vấn đề này cần sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp có thể tiếp đà phục hồi và xây dựng nền tảng vững chắc, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tạo ra giá trị lâu dài cho nền kinh tế.