Doanh nghiệp Việt Nam tìm lối đi mới trước nguy cơ Mỹ tăng thuế
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may và sản phẩm gỗ tại TP.HCM đang tích cực chuẩn bị để đối mặt với khả năng Mỹ tăng thuế nhập khẩu, đặc biệt với hàng hóa từ Trung Quốc. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi nhiều đơn vị nhập nguyên liệu từ Trung Quốc.
Tìm nguồn nguyên liệu mới
Năm 2024, xuất khẩu ngành dệt may và chế biến gỗ của TP.HCM tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức từ 11% đến 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 40%-50% tổng giá trị xuất khẩu của hai ngành này.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cho biết, từ tháng 9/2024, thị trường xuất khẩu sang Mỹ đã phục hồi tốt, giúp doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng 16% so với năm 2023. Hiện doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 6/2025, chủ yếu dành cho thị trường Mỹ.
Trước khả năng Mỹ có thể tăng thuế nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc từ 50% lên 60%, Việt Thắng Jean đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các nước như Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan... những quốc gia này nếu bị áp tăng thuế vẫn có mức thuế thấp hơn Trung Quốc khoảng 40%. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đầu tư mạnh vào truy xuất nguồn gốc nguyên liệu để đáp ứng các quy định khắt khe của Mỹ.
"Hiện nay, hàng rào kỹ thuật của Mỹ rất rõ ràng và minh bạch. Doanh nghiệp phải khai báo đầy đủ liên kết chuỗi cung ứng, từ nguồn gốc bông đến quá trình sản xuất. Nếu nguyên liệu từ Trung Quốc đưa vào sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp phải khai báo cụ thể. Điều này giúp hàng Việt Nam không bị "đội lốt" để hưởng lợi về thuế", ông Phạm Văn Việt chia sẻ.
Lo doanh nghiệp Trung Quốc "núp bóng"
Xuất khẩu sản phẩm gỗ năm 2024 của TP.HCM tăng 20% so với năm trước. Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đã ghi nhận tăng trưởng vượt bậc nhờ thị trường Mỹ và châu Âu phục hồi tích cực. Công ty TNHH Đồ gỗ Nghĩa Sơn tại TP.Thủ Đức là một điển hình, với mức tăng trưởng xuất khẩu 30% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp hiện đã có đơn hàng đến tháng 4/2025.
Ông Huỳnh Lê Đại Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ Nghĩa Sơn cho biết, doanh nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước như gỗ tràm bông vàng để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại về nguy cơ doanh nghiệp Trung Quốc “núp bóng” sản xuất tại Việt Nam, gây cạnh tranh không lành mạnh và ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.
"Cơ quan chức năng cần kiểm soát kỹ lưỡng để tránh việc hàng hóa Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam xuất khẩu. Nếu Mỹ điều tra và phát hiện vi phạm, hậu quả có thể rất nghiêm trọng cho ngành xuất khẩu chế biến đồ gỗ của Việt Nam", ông Thắng kiến nghị.
Đa dạng nguồn cung nguyên liệu
Một số DN sản xuất đồ gỗ nội thất sử dụng gỗ, ván ép và nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ bị áp thuế cao. Hiện tại, nguyên liệu từ Trung Quốc chiếm khoảng 25% trong cơ cấu sản xuất của họ. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) nhận định, nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm gỗ, DN Việt Nam vẫn có lợi thế nhờ mức thuế hiện tại của Việt Nam là 0%, so với mức 25% của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu áp thuế nhập khẩu nguyên liệu tăng cao, các DN phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ gặp khó khăn.
"Các DN cần đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu. Việt Nam có thể nhập ván ép và nguyên liệu từ các nước như Thái Lan, Indonesia - những quốc gia này có thế mạnh về nguồn cung ván ép. Hiện nay, nhiều DN ngành dệt may và chế biến gỗ của Việt Nam nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, chiếm khoảng 20-30% tổng nguồn nguyên liệu", ông Nguyễn Chánh Phương nói.
Việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu hiện chỉ là dự đoán, nhưng các DN Việt Nam cần sẵn sàng đối mặt với những thay đổi. Để nâng cao sức cạnh tranh, DN phải đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, cải thiện chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.
Về phía cơ quan chức năng, việc kiểm soát chặt chẽ đầu tư, ngăn chặn tình trạng “núp bóng” và “đội lốt” xuất xứ là rất cần thiết. Điều này không chỉ bảo vệ uy tín của hàng hóa Việt Nam mà còn giúp ngành dệt may và chế biến gỗ duy trì sự phát triển bền vững trên thị trường quốc tế.