Doanh nghiệp Việt rộng cửa khai phá thị trường Nam Mỹ

Ngày 22-4, tại hội thảo 'Xúc tiến thương mại – đầu tư vào thị trường Chile và khu vực Nam Mỹ' do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức, nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư tại khu vực Nam Mỹ đã được mở ra cho doanh nghiệp Việt.

Nhiều doanh nghiệp tham gia tìm hiểu thị trường Chile

Nhiều doanh nghiệp tham gia tìm hiểu thị trường Chile

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác và tìm kiếm không gian tăng trưởng mới đang trở thành yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp Việt. Khu vực Nam Mỹ với tổng GDP lên đến 4.000 tỷ USD và dân số 431 triệu người, đang nổi lên như một thị trường tiềm năng, trong đó Chile là cửa ngõ chiến lược giúp hàng hóa Việt Nam vươn xa.

 Nhiều doanh nghiệp tham gia tìm hiểu thị trường Chile

Nhiều doanh nghiệp tham gia tìm hiểu thị trường Chile

Tại hội thảo, bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh TPHCM đang tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác mới tại khu vực Nam Mỹ. Dù tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang Chile năm 2024 chỉ đạt khoảng 53,3 triệu USD nhưng dư địa còn rất lớn để các doanh nghiệp khai thác thêm cơ hội hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ.

Chile là một trong những nền kinh tế năng động và cởi mở nhất Nam Mỹ, đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm VCFTA và CPTPP. Điều này tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, giúp hàng hóa Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường Chile và từ đó lan tỏa sang các nước láng giềng như Brazil, Argentina và Peru.

Ghi nhận thực tế cho thấy, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Chile đến nay đã cán mốc gần 1,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu tới 1,4 tỷ USD, chủ yếu là thủy sản, cà phê, gạo và xi măng. Việt Nam hiện là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ 12 của Chile và đứng thứ 4 trong số các nước châu Á, sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo bà Bùi Hoàng Yến, Phụ trách Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại phía Nam, Bộ Công Thương, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA hiện vẫn còn thấp, đặc biệt với CPTPP (chỉ 6,3%). Việc tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các hiệp định sẽ giúp hàng Việt gia tăng khả năng cạnh tranh tại những thị trường xa như Chile, giảm chi phí thuế và mở rộng thị phần.

Ngoài ra, bà Yến cũng chỉ ra các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước trong giai đoạn tới như: năng lượng tái tạo, khai khoáng và chế biến, công nghệ cao, chuyển đổi số và nông nghiệp thông minh. Những lĩnh vực này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số mà Việt Nam đang theo đuổi. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị đối mặt với các thách thức như chi phí logistics cao hơn 25-30%, thời gian vận chuyển dài và rào cản kỹ thuật.

Ông Pablo Arancibia Salazar, đại diện thương mại Cục xúc tiến xuất khẩu Chile (ProChile) nhận định, để tận dụng hiệu quả thị trường Nam Mỹ, doanh nghiệp Việt cần cải thiện khả năng ổn định nguồn cung, đa dạng hóa sản phẩm và đẩy mạnh liên kết sản xuất, xuất khẩu. Chile đang mời gọi đầu tư vào các ngành thủy sản, chế biến gỗ và năng lượng sạch – những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt hoàn toàn có khả năng tham gia sâu rộng.

Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, ITPC cam kết tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại – đầu tư, tư vấn thông tin thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài kết nối với đối tác tại TPHCM. Hội thảo lần này là bước đi thiết thực giúp doanh nghiệp hai bên mở rộng mạng lưới, xây dựng mối quan hệ chiến lược để cùng nhau phát triển tại thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng của Nam Mỹ.

MINH XUÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doanh-nghiep-viet-rong-cua-khai-pha-thi-truong-nam-my-post791910.html