Doanh nghiệp Việt trong xu hướng ESG: Kiểm toán viên như 'người gác cổng'

Một kế hoạch kiểm toán nội bộ có tích hợp đánh giá ESG là bước quan trọng để doanh nghiệp tiến tới con đường minh bạch, bền vững hơn. Trong đó, vai trò của kiểm toán nội bộ là đảm bảo làm sao cơ hội và rủi ro liên quan đến ESG được nhận diện, được giám sát, được quản lý một cách kịp thời.

Phân viện Kiểm toán viên nội bộ Quốc tế tại Việt Nam (IIA Việt Nam) vừa tổ chức Hội thảo ra mắt Hướng dẫn dành cho kiểm toán nội bộ về các cơ hội và rủi ro liên quan đến ESG. Đây là cuốn cẩm nang chuyên môn do đơn vị này phát triển dưới sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trong khuôn khổ Chương trình Tích hợp ESG do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ.

Hội thảo ra mắt Hướng dẫn dành cho kiểm toán nội bộ về các cơ hội và rủi ro liên quan đến ESG

Hội thảo ra mắt Hướng dẫn dành cho kiểm toán nội bộ về các cơ hội và rủi ro liên quan đến ESG

Với sự góp mặt của các lãnh đạo, chuyên gia thuộc IIA Việt Nam và IFC, Hội thảo đã làm rõ vai trò của kiểm toán nội bộ trong việc giúp tổ chức đạt được các mục tiêu ESG. Theo đó, kiểm toán nội bộ là tuyến thứ ba trong mô hình quản lý rủi ro môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Một kế hoạch kiểm toán nội bộ có tích hợp đánh giá ESG là bước quan trọng để các doanh nghiệp tiến tới con đường minh bạch, bền vững hơn. Nói cách khác, những doanh nghiệp chủ động quản lý rủi ro, tận dụng cơ hội về ESG thông qua sự hỗ trợ của kiểm toán nội bộ có thể tạo ra tác động lâu dài và giá trị tài chính bền vững cho tất cả các bên liên quan.

Kiểm toán viên nội bộ - ‘người gác cổng ESG’

Phát biểu tại sự kiện, ông Darryl Dong - Phó giám đốc Quốc gia IFC Việt Nam cho biết, Hội thảo ra mắt “Hướng dẫn kiểm toán nội bộ về các cơ hội và rủi ro liên quan đến ESG” được xem là một ‘lễ phát động’ mà IFC cũng như SECO muốn gửi lời kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tìm hiểu và đẩy mạnh thực hành ESG để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

“Thị trường theo dõi tất cả những gì mà chúng ta làm. Chúng tôi đã nghe, bạn đã nghe, rằng mọi thứ sẽ thay đổi và không còn giống như trước kia. Vì vậy, chúng ta không thể ngồi im và ‘chơi phòng thủ’, cũng như không thể chỉ làm những việc đã từng làm trước đây mà phải trở nên tốt hơn thế. Cái chúng ta cần là sự đổi mới, là những ý tưởng và những tiêu chuẩn cao hơn, là sự tham gia một cách đầy đủ vào những báo cáo minh bạch và khách quan. Chúng ta cần chứng minh cho thế giới thấy, chúng ta muốn kinh doanh thực sự và xứng đáng với điều đó”, ông Darry Dong nói.

Ông Darryl Dong - Phó giám đốc Quốc gia IFC Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tìm hiểu và đẩy mạnh thực hành ESG để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Ông Darryl Dong - Phó giám đốc Quốc gia IFC Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tìm hiểu và đẩy mạnh thực hành ESG để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Theo Phó giám đốc Quốc gia IFC Việt Nam, các nhà đầu tư toàn cầu ngày nay tìm kiếm sự cam kết vững chắc chứ không phải những lời nói suông về ESG. Họ muốn nhìn thấy những hành động cụ thể được báo cáo, được giám sát trên cơ sở mục tiêu ESG đã đặt ra và tìm kiếm sự tham gia toàn diện của doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển bền vững.

“Tuy nhiên, ‘cánh cổng’ tiếp cận các thông lệ toàn cầu về ESG của Việt Nam gần như chưa mở. Nếu muốn hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, muốn một khu vực kinh tế tư nhân vững mạnh, hãy ‘mở toang’ cánh cổng này”, ông Darryl Dong đặt vấn đề.

Vị chuyên gia này cho hay, để doanh nghiệp thành công khi đến với ‘cánh cổng’ ESG, mỗi thành viên lại có một vai trò quan trọng với những trách nhiệm khác nhau. Trong đó, kiểm toán viên được ví là những ‘người gác cổng’ với ‘tính cách’ khách quan, độc lập, không thiên vị, không sợ hãi, có vai trò thiết lập các chương trình quản lý rủi ro, xác định những việc công ty cần làm để định lượng chính xác các rủi ro liên quan đến ESG, theo dõi tiến trình của tổ chức nhằm giảm thiểu rủi ro và thiết kế một hệ thống báo cáo để cập nhật cho các bên liên quan về tiến độ triển khai ESG.

Ông cũng nhấn mạnh, các quy định và thông lệ quốc tế đang không ngừng phát triển. Do đó, kiểm toán viên cần được tăng cường đào tạo, đồng thời cũng cần chủ động trang bị cho mình kiến thức ESG sâu rộng cũng như những kỹ năng phù hợp. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của cuốn cẩm nang “Hướng dẫn kiểm toán nội bộ về các cơ hội và rủi ro liên quan đến ESG” là “đúng việc, đúng thời điểm” và IFC rất vui mừng khi cùng SECO hợp tác với IIA Việt Nam để phát triển ấn phẩm này.

“Thời điểm tốt nhất để Việt Nam nắm bắt xu hướng ESG là 20 năm trước. Và thời điểm tốt nhất tiếp theo là ngày hôm nay. Nếu như trước đây chúng ta chưa thể, thì bây giờ chính là lúc. Vẫn chưa quá muộn để Việt Nam bắt kịp ESG. Chúng tôi hy vọng rằng, các kiểm toán viên nội bộ có mặt tại đây ngày hôm nay có thể trở thành nguồn cảm hứng, trở thành những người dẫn đầu trong thực hành ESG, nhận diện cơ hội và rủi ro ESG trong doanh nghiệp”, ông Darryl Dong chia sẻ.

Quốc gia đầu tiên xây dựng hướng dẫn đầy đủ về kiểm toán nội bộ đối với ESG

Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Đức Hùng - Chủ tịch IIA Vietnam cho biết: “Được sự ủng hộ của Bộ Tài chính, sau một thời gian làm việc với sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía IFC, IIA Việt Nam đã cho ra mắt cẩm nang chuyên môn “Hướng dẫn kiểm toán nội bộ về các cơ hội và rủi ro liên quan đến ESG”. Nhân sự kiện này, tôi rất mừng được chia sẻ sớm một tin vui, đó là IFC và SECO sẽ tiếp tục hỗ trợ IIA Việt Nam trong việc biên soạn hướng dẫn thành viên ủy ban kiểm toán về xây dựng chiến lược ESG trong tương lai. Tài liệu này sẽ đồng hành cùng cẩm nang “Hướng dẫn kiểm toán nội bộ về các cơ hội và rủi ro liên quan đến ESG” mang lại giá trị thúc đẩy quản trị công ty, bao trùm lên các nội dung về ESG và phát triển bền vững”.

Ông Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch IIA Vietnam

Ông Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch IIA Vietnam

Theo ông Hùng, ESG hiện là xu hướng tất yếu thu hút sự quan tâm của nhiều bên liên quan khác nhau, từ cơ quan quản lý nhà nước, quản lý thị trường đến doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Đây cũng là một trong những định hướng chiến lược, giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp cần đạt được để hướng đến cam kết của Chính phủ cũng như cộng đồng về việc thực hiện mục tiêu Net Zero và định hướng phát triển bền vững toàn cầu.

“Một khi ESG trở thành tầm nhìn chiến lược, nó sẽ đi cùng với câu chuyện về cơ hội và rủi ro. ESG giờ đây đã không còn là những vấn đề xã hội - môi trường mang tính tự giác của doanh nghiệp hay những yêu cầu tối thiểu về tuân thủ quy định của Nhà nước như trước kia mà đã trở thành cả cơ hội và thách thức đối với từng doanh nghiệp, là điều kiện tiên quyết để tiếp cận nguồn vốn, mang lại giá trị cho cộng đồng nói chung và khách hàng nói riêng. Khi ESG đã trở thành cơ hội và rủi ro như vậy, bản thân doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức, đó là làm sao để nhận diện và quản trị những rủi ro này một cách hiệu quả, đạt được kỳ vọng của cổ đông và các bên có liên quan.

Vai trò của kiểm toán nội bộ và HĐQT là đảm bảo làm sao cơ hội và thách thức liên quan đến ESG được nhận diện, được giám sát, được quản lý một cách kịp thời, mang lại giá trị thực sự, không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hay những công bố thông tin mang tính PR”, ông Hoàng Đức Hùng chia sẻ.

Đại diện IIA Việt Nam cũng tiết lộ, hiện tại, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới có bộ tài liệu hướng dẫn đầy đủ về kiểm toán nội bộ đối với ESG và được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các kiểm toán viên nội bộ trong việc nhận diện và đánh giá cơ hội, rủi ro liên quan đến ESG, vốn là một phần trong công tác kiểm toán hiện nay. Cẩm nang chuyên môn này cũng nhận được sự đánh giá rất cao từ phía IIA Toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Tổng Giám đốc IIA Việt Nam, nếu như tại các quốc gia khác, tài liệu hướng dẫn kiểm toán nội bộ ESG chỉ tập trung vào việc thực hiện báo cáo, thì bộ tài liệu của Việt Nam đi sâu vào quy trình thực hiện của kiểm toán viên nội bộ.

 Ông Nguyễn Đình Thanh, Tổng Giám đốc IIA Việt Nam

Ông Nguyễn Đình Thanh, Tổng Giám đốc IIA Việt Nam

Cụ thể, tài liệu cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về ESG (tầm quan trọng, bối cảnh phát triển, quy định và kỳ vọng của các bên hữu quan); làm rõ vai trò của kiểm toán nội bộ trong ESG; hướng dẫn cho kiểm toán viên nội bộ nhận diện và đánh giá rủi ro ESG; cung cấp các ví dụ về các cuộc kiểm toán ESG phổ biến mà kiểm toán viên nội bộ có thể xem xét.

Thái Hà

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/doanh-nghiep-viet-trong-xu-huong-esg-kiem-toan-vien-nhu-nguoi-gac-cong-d111752.html