Doanh nghiệp Việt vừa chạy đua đơn hàng, vừa tính kế lâu dài

Thời hạn tạm hoãn thuế quan 90 ngày của Mỹ là bước đệm để doanh nghiệp Việt nỗ lực tăng đơn hàng, nhưng phải có tầm nhìn tái cấu trúc kinh doanh, đa dạng hóa thị trường để tăng trưởng bền vững.

Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T đã trải qua nhiều thái cực từ lo lắng cho đến vui mừng. Khi thông tin thuế quan đối ứng của ông Trump áp lên các mặt hàng Việt Nam với mức 46%, với mức thuế này, mặt hàng trái cây xuất khẩu của công ty khó có thể đến thị trường Mỹ với giá hợp lý.

Tăng tốc sản xuất

 Các doanh nghiệp Việt đang nỗ lực chạy đua với đơn hàng trong thời gian Mỹ tạm hoãn thuế quan đối ứng. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Các doanh nghiệp Việt đang nỗ lực chạy đua với đơn hàng trong thời gian Mỹ tạm hoãn thuế quan đối ứng. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Một cuộc họp trực tuyến ngay sau đó giữa ông Tùng và các đối tác mua hàng tại Mỹ đã diễn ra với những kế hoạch được đặt lên bàn cân chi tiết. Các bên đi đến một kết luận, giá nhập khẩu trái cây sẽ đắt lên, người tiêu dùng Mỹ sẽ cân nhắc mua. Nhằm duy trì mức tiêu thụ như trước, mỗi bên phải chịu một phần chi phí, giảm lợi nhuận.

Khi thời hạn áp thuế đã tới vào ngày 10-4 (giờ Việt Nam), ông Tùng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng với kế hoạch mới. Nhưng bất ngờ, ông Trump thay đổi với việc hoãn thuế quan trong vòng 90 ngày, và chỉ áp thuế chung 10% hàng nhập khẩu vào Mỹ với các đối tác thương mại.

“Trong thời điểm này, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh đơn hàng, tận dụng lợi thế cạnh tranh hiện tại trước khi các biện pháp thuế quan có thể có hiệu lực trở lại. Tuy nhiên, khi lượng đơn hàng tăng đột biến, chắc chắn sẽ có những ùn ứ hàng tại cảng, chi phí vận chuyển gia tăng” – ông Tùng nói.

 Công nhân nỗ lực hoàn tất đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Công nhân nỗ lực hoàn tất đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Ngay sau khi lệnh tạm hoãn thuế quan được công bố, các đơn vị dệt may Việt Nam, đã chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng của các đơn hàng từ đối tác quốc tế, với yêu cầu gấp rút hoàn thành trong vòng 90 ngày tới. Để đáp ứng nhu cầu này, các doanh nghiệp đã khẩn trương triển khai phương án sản xuất tăng tốc, đồng thời bắt tay xây dựng các giải pháp mang tính chiến lược và dài hạn.

Đơn cử như "ông lớn" trong ngành dệt may Vinatex xem 90 ngày tạm hoãn thuế quan là giai đoạn giai đoạn then chốt để toàn hệ thống đoàn kết, hành động sáng suốt và tập trung tối đa cho sản xuất, đồng thời chủ động xây dựng quỹ dự phòng, tối ưu hóa quản trị và tích cực đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Duy trì ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động, sự tăng trưởng của công ty, trách nhiệm có lợi nhuận trước cổ đông đang tạo ra sức ép lớn với nhà điều hành lúc này.

Tầm nhìn dài hạn

Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp khá tự tin trong chiến lược kinh doanh của mình.

“Thuế quan thực sự buộc các doanh nghiệp Việt phải thay đổi chiến lược kinh doanh” – ông Trần Như Tùng, Chủ tịch dệt may Thành Công nhận định.

Theo ông Tùng, công ty đã từng đối mặt với những biến động trong ngành dệt may, đối diện với nhiều phép thử buộc phải linh hoạt chiến lược kinh doanh. Các bài học này giúp vị chủ tịch Thành Công nhận ra phải đa dạng hóa thị trường. Thành Công từ lâu đã không còn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ và châu Âu nhằm tránh các biến động quá lớn từ đây.

Song hành với đó, cơ cấu bộ máy hoạt động tinh gọn, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong sản xuất, chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, xây dựng thương hiệu thời trang trong nước và vươn ra quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Công ty thực phẩm G.C (GC Food), một doanh nghiệp trong ngành nha đam đã cho biết, việc Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày là một tín hiệu tích cực, mang đến thời gian vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Thứ, mức thuế 10% đã có hiệu lực từ ngày 5-4 vẫn nằm trong khả năng chịu đựng của nhiều doanh nghiệp và không gây ra tác động đáng kể đến giá thành sản phẩm. Ngoài ra, phía công ty có sản phẩm sử dụng tỉ lệ nguyên liệu nội địa cao, duy trì được sức cạnh tranh về giá khi xuất khẩu sang Mỹ. Điều này giúp công ty ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế nhập khẩu của Mỹ.

"Hiện tại, thị phần tại Mỹ đóng góp 2% vào tổng doanh thu của GC Food và công ty kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 5% trong năm nay. Trong bối cảnh Mỹ hoãn thuế, chúng tôi đang tích cực làm việc với các đối tác để đẩy nhanh tiến độ giao hàng, tận dụng tối đa khoảng thời gian quý báu này" - ông Thứ nói.

Theo ông Thứ, để các biến động từ chính sách thuế của Mỹ không gây ra lo ngại quá lớn, GC Food mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế thông qua tận dụng các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời công ty chuyển đổi sản xuất xanh, áp dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

 Để giảm sức ép từ thuế quan sắp tới, các doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng trong nước và năng lực công nghệ. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Để giảm sức ép từ thuế quan sắp tới, các doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng trong nước và năng lực công nghệ. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Phó giáo sư Burkhard Schrage, Phó Chủ nhiệm nhóm bộ môn quản trị, Khoa Kinh doanh Đại học RMIT Việt Nam cho biết, trong 90 ngày tới, các doanh nghiệp Việt Nam phải triển khai các chiến lược có mục tiêu để vượt qua căng thẳng thương mại toàn cầu đang gia tăng, đặc biệt là việc tạm đình chỉ mức thuế 46% của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam.

Các doanh nghiệp nên hợp tác với các cơ quan chính phủ để đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ và tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Việc tăng cường quan hệ thương mại với các thị trường thay thế, như Liên minh châu Âu và Nhật Bản, cũng có thể giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu.

Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng trong nước và năng lực công nghệ. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động có thể tăng cường khả năng cạnh tranh và giảm sự tổn thương trước các cú sốc bên ngoài.

“Trong các lĩnh vực như điện tử và dệt may, Việt Nam nắm giữ thị phần xuất khẩu đáng kể, các doanh nghiệp nên khám phá các cơ hội tích hợp dọc để thu được nhiều giá trị hơn trong nước. Ngoài ra, việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu có thể mở ra các thị trường mới và thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn” – PGS Burkhard Schrage khuyến nghị.

Theo ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Khu vực TP. HCM (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương), để giảm thiểu tính tác động của chính sách thuế đối ứng của Mỹ, các công ty Việt Nam cần triển khai một chiến lược toàn diện và dài hạn, tập trung vào việc củng cố nội lực và mở rộng thị trường.

Một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường sử dụng nguồn nguyên vật liệu sẵn có trong nước. Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là từ các quốc gia có nguy cơ bị áp thuế cao, mà còn ổn định chi phí sản xuất và nâng cao tính tự chủ của chuỗi cung ứng.

Để thực sự giảm thiểu tác động của thuế quan và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất.

Việc làm chủ công nghệ không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, mà còn tạo ra các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn, ít bị cạnh tranh trực tiếp về giá và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu.

"Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều khu vực kinh tế lớn trên thế giới. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu và tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ và các cam kết khác trong các FTA này để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Việc mở rộng sang các thị trường mới không chỉ giúp phân tán rủi ro mà còn khai thác các cơ hội tăng trưởng tiềm năng ở các khu vực khác trên thế giới" - ông Trần Ngọc Bình nói.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-viet-vua-chay-dua-don-hang-vua-tinh-ke-lau-dai-post844468.html