Doanh nghiệp với động lực phát triển xanh

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phát triển xanh và bền vững.

Đó là nhận định được đưa ra tại tọa đàm “Xây lợi thế - Vững tương lai cùng Sáng kiến ESG Việt Nam 2024” diễn ra chiều 21/3 tại Hà Nội.

Với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững được dẫn dắt bởi khu vực kinh tế tư nhân, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định 167/QĐ-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT)và USAID đã công bố Sáng kiến ESG Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KHĐT) cho biết: “Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phát triển xanh và bền vững từ các nhà đầu tư, đối tác, các thị trường quốc tế và người tiêu dùng”.

Theo ông Mark Birnbaum - Giám đốc Dự án USAID Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC), chuyển đổi xanh không còn là yêu cầu của tương lai mà là quá trình thực sự đang diễn ra. Gắn với hành trình chuyển đổi xanh, cộng đồng DN cũng đối mặt với thách thức ngày càng lớn, định nghĩa về một DN thành công có những thay đổi đáng kể theo hướng toàn diện hơn.

“Thước đo truyền thống khi đánh giá hiệu quả hoạt động của DN thông qua lợi nhuận tài chính giờ đây là không đủ. Thay vào đó là hướng tiếp cận toàn diện hơn đang được áp dụng rộng rãi với tầm quan trọng tương đương dựa theo các yếu tố môi trường, quản trị, xã hội bên cạnh các chỉ số thông thường" - ông Mark Birnbaum nói.

Theo ông Mark, thực tiễn cho thấy, những DN ưu tiên phát triển bền vững về môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội và tích cực áp dụng các biện pháp quản trị DN có nhiều cơ hội đạt được thành công bền vững hơn.

Theo một nghiên cứu gần đây, những DN có xếp hạng ESG cao hơn đạt được hiệu quả tài chính tốt hơn, thể hiện ở tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao hơn 35% và định giá doanh nghiệp cao hơn 20% so với các doanh nghiệp có xếp hạng ESG thấp hơn.

Giám đốc Dự án USAID IPSC cho biết: “Thực hiện ESG đóng vai trò là chất xúc tác giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, nâng cao khả năng phục hồi, dành nhiều lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên,... Trong bối cảnh nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt các nguyên tắc ESG, ưu tiên áp dụng thực hành ESG để duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai”.

Tại sự kiện, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã chia sẻ về ESG trong DN. Cụ thể, thực hành ESG là bộ tiêu chuẩn hướng DN hoạt động, phát triển bền vững để gia tăng giá trị cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo các cam kết về các yếu tố E- Môi trường, S- Xã hội, và G- Quản trị DN.

“Với những DN xuất khẩu sang EU, chỉ trong vòng 2 năm thôi, nếu không có những bước chuyển động thì nhiều DN đang trong chuỗi cung ứng hàng sang châu Âu sẽ bị loại, đó là rủi ro về mặt thị trường liên quan đến chữ E (môi trường)” – bà Thủy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bà Thủy cũng nhấn mạnh bài toán về áp lực liên quan đến chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số. Trước nhiều khía cạnh như vậy, trật tự thế giới mới gắn với năng lực số, năng lực xanh đang dần được thiết lập, trong bối cảnh này, ai có sự chủ động sẽ có lợi thế, ai chậm chân sẽ có những rủi ro. Phát triển bền vững vừa là cơ hội vừa là áp lực với doanh nghiệp.

Thanh Xuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doanh-nghiep-voi-dong-luc-phat-trien-xanh-10275823.html