Doanh nghiệp vững vàng trong đại dịch

Không chùn bước, các doanh nghiệp tại Hải Dương đã linh hoạt thích ứng bằng nỗ lực và chiến lược phù hợp.

Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, chi phí tăng cao… là những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế trong suốt 2 năm qua.

Cơ hội sẽ đến từ khủng hoảng, doanh nghiệp phải nắm bắt

Tôi cho rằng, trong khủng hoảng sẽ tạo ra những cơ hội mới. Điều quan trọng là doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp của Hải Dương nói riêng phải xác định đúng trọng tâm, trọng điểm và cơ hội để tập trung đầu tư.

Thời gian qua, các doanh nghiệp trên thế giới đang thay đổi mạnh mẽ để thích ứng. Điển hình là 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp Singapore đầu tư mạnh mẽ vào số hóa, đào tạo kỹ năng cho người lao động thích ứng môi trường lao động mới. Các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ tiếp tục lập kế hoạch cho sự chuyển đổi trong thời kỳ khủng hoảng, định hình lại chiến lược, cấu trúc, quy trình, con người, công nghệ thông minh hơn trong hoạt động. Đặc biệt, chiến lược đặt nhà máy tại thị trường tiêu thụ đang được quan tâm thông qua việc thiết kế lại chuỗi cung ứng và coi sự thay đổi môi trường kinh doanh là lợi thế cạnh tranh… Cơ hội đang đến từ khủng hoảng. Vấn đề là các doanh nghiệp nhìn nhận và khai thác thế nào. Ví dụ, khi nhu cầu làm việc ở nhà tăng lên, sẽ có những dịch vụ, nhu cầu mất đi, nhưng sẽ xuất hiện nhu cầu, dịch vụ mới. Có những nhu cầu là ngắn hạn, tạm thời, nhưng cũng có cơ hội là tiềm năng phát triển cho giai đoạn mới.

Từ các phân tích trên, tôi cho rằng, doanh nghiệp của Hải Dương cần xác định rõ vấn đề trọng điểm, chiến lược, mũi nhọn để dành nguồn lực đầu tư phù hợp. Trong đó, doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu không chỉ là lợi nhuận mà là khả năng kháng cự với các cú sốc, là khả năng đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng. Chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới vẫn còn nhiều dấu hiệu bị gián đoạn. Phương thức sản xuất, kinh doanh và thói quen tiêu dùng đang thay đổi rất lớn. Vì vậy, số hóa không còn là nhu cầu mà là bắt buộc với các doanh nghiệp.

GS. TS. NGUYỄN ĐỨC KHƯƠNG
Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Học viện Kinh tế IPAG, Pháp, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu

Quyết tâm sẽ làm được

Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên trong khu công nghiệp của tỉnh bùng phát dịch Covid-19, là ổ dịch lớn nhất Việt Nam vào đầu năm 2021. Thời điểm đó, chúng tôi rất hoang mang, bị động trong cách xử lý các tình huống phát sinh bởi đây là biến cố chưa từng có trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Thiệt hại kinh tế do ảnh hưởng của dịch thời điểm đó lên đến hàng chục triệu USD. Trong thời gian công ty bị phong tỏa, tạm dừng hoạt động, chúng tôi còn một số lô hàng đã sản xuất để trong kho, phải giao cho khách hàng đúng thời hạn.

Sau thời gian loay hoay, khắc phục hậu quả nặng nề của dịch Covid-19, lãnh đạo công ty đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu để có thể phát triển vững vàng hơn, chủ động trong hoạt động sản xuất, thích nghi với dịch bệnh. Để giảm thiểu các nguy cơ xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong các nhà xưởng, doanh nghiệp buộc phải tuân thủ nghiêm và đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Thậm chí, doanh nghiệp cần chủ động phương án phòng dịch cao hơn khuyến cáo. Khi không may có ca nhiễm, doanh nghiệp cần khẩn trương khoanh vùng, phân loại và tách riêng từng nhóm nguy cơ, tập trung truy vết, dập dịch; quyết tâm không để dịch lây lan rộng trong các phân xưởng, nhà máy. Sau khi dịch bệnh được khống chế, doanh nghiệp phải dồn lực, tập trung mọi biện pháp để đẩy mạnh sản xuất, phát triển đơn hàng mới…

Với các giải pháp, chiến lược đã đề ra, chúng tôi đã phục hồi sản xuất tương đối tốt. Từ tháng 4.2021 đến nay, trung bình mỗi tháng Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam xuất khẩu trên 18 triệu sản phẩm loa, dây dẫn, tương đương với thời kỳ trước khi xuất hiện dịch Covid-19. Mục tiêu xuất khẩu của công ty trong năm 2022 là 54 triệu USD. Với tâm thế chủ động, linh hoạt, đi trước một bước trong phòng chống dịch, chúng tôi sẽ quyết tâm đạt được kế hoạch đã đề ra.

CHEN SHU MING
Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam

Thúc đẩy mô hình văn phòng mở

Mặc dù đã có sự chuẩn bị chu đáo trong công tác phòng chống dịch, song những tác động tiêu cực từ dịch bệnh vẫn tương đối lớn. Đặc biệt, có một khoảng thời gian ngắn, Nhà máy lắp ráp Ford tại Hải Dương phải tạm dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Chúng tôi cũng như các doanh nghiệp khác buộc phải thay đổi chiến lược, đưa ra hướng đi mới để linh hoạt thích ứng, vượt qua khó khăn. Văn phòng làm việc mở là một khái niệm hoàn toàn mới được áp dụng. Nhân viên văn phòng có thể làm việc bên ngoài không gian vật lý cứng nhắc, khách hàng được tư vấn, chọn sản phẩm mà không phải đến các cửa hàng, đại lý. Các hoạt động dịch vụ thực hiện tại địa điểm lựa chọn của khách hàng thay vì các cơ sở cố định. Mô hình này đã mang đến những kết quả tích cực. Chúng tôi đã thay đổi trên nguyên tắc hướng tới khách hàng và mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng.

Để khẳng định thương hiệu, đáp ứng tốt hơn sự kỳ vọng của khách hàng cũng như duy trì tăng trưởng thị trường, chúng tôi đã nghiên cứu, cho ra đời dòng sản phẩm mới. Với phương châm nỗ lực không ngừng để mang đến sản phẩm tốt hơn cho khách hàng, dòng xe Ford Ranger thế hệ mới đã ra đời. Chúng tôi cũng nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch phòng ngừa, xử lý dịch bệnh. Qua đó góp phần giúp doanh nghiệp chủ động đối phó dịch bệnh, bảo đảm lực lượng lao động cho những kế hoạch sản xuất.

Chiến lược văn phòng mở, dòng sản phẩm mới cùng những nỗ lực trong phòng chống dịch đã giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi cơ bản trở lại bình thường.

TRẦN TIẾN ĐỨC
Giám đốc Nhà máy Ford Hải Dương

Ứng dụng tự động hóa

Dịch Covid-19 kéo dài 2 năm qua khiến tình hình phát triển kinh tế-xã hội nói chung và sự tăng trưởng của doanh nghiệp chúng tôi nói riêng bị ảnh hưởng. Nhân lực là yếu tố vướng mắc nhất. Doanh nghiệp thường xuyên thiếu hụt chuyên gia kỹ thuật và sự hỗ trợ từ công ty mẹ. Dù chúng tôi luôn nỗ lực duy trì hoạt động, thậm chí chưa khi nào để người lao động phải ngừng việc do thiếu đơn hàng hay nguyên liệu, song doanh thu năm 2021 của chúng tôi chỉ đạt hơn 594 tỷ đồng, bằng 91% kế hoạch.

Để vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra, chúng tôi xác định tiếp tục đầu tư theo hướng hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, lắp đặt các hệ thống tự động hóa; giảm số lượng nhân lực, tăng chất lượng, đào tạo nhân lực để phù hợp các dây chuyền thiết bị mới. Chiến lược phát triển mới của chúng tôi là tăng cường tự động hóa và linh hoạt làm việc từ xa. Với việc lắp đặt thêm các dây chuyền, trang thiết bị tự động hóa, doanh nghiệp chúng tôi hoàn toàn chủ động về nguồn nhân lực phục vụ sản xuất trực tiếp. Có những thời điểm nhiều khu vực trong khu công nghiệp bị phong tỏa, nhưng chúng tôi vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, bảo đảm tiến độ các đơn hàng. Để linh hoạt thích ứng, chúng tôi cũng triển khai nhiều phương án nhằm bố trí lại mặt bằng, bảo đảm giãn cách và tạo khu vực sinh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" ngay khi cần thiết.

Ứng dụng tối đa công nghệ tự động đã và đang là hướng đi đúng đắn, giúp chúng tôi duy trì tốt mục tiêu kinh doanh. Qua đó góp phần giúp doanh nghiệp duy trì ổn định các kế hoạch sản xuất, người lao động có thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng mỗi tháng.

JUNG CHUEL HO
Giám đốc Công ty TNHH Yura Việt Nam

Thực thi quyết liệt cam kết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp

Cho đến thời điểm này, chưa ai dự báo được dịch bệnh sẽ đi đến đâu, chủng mới có thể tiếp tục xuất hiện, rủi ro vẫn luôn ở đâu đó. Nhưng chúng ta đang có những thông tin tốt để tự tin bước vào năm 2022. Đó là đà phục hồi của kinh tế thế giới khá rõ ràng, dù có thể sẽ chậm lại so với dự báo trước đó. Một tín hiệu vui cho các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay, đó là các nền kinh tế dẫn dắt đà phục hồi của thế giới lại là các đối tác của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... Đây cũng là các thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp tại Hải Dương.

Tại Hải Dương, tôi tin rằng, nếu chính quyền các cấp thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thì mức độ tăng trưởng của tỉnh trong năm 2022 sẽ có bước tiến triển khá tốt. Lẽ tất nhiên, góp phần vào tốc độ tăng trưởng của tỉnh, doanh nghiệp đóng vai trò chính. Hiện nay, các doanh nghiệp đang rất cần cú hích về chính sách, về dòng tiền, về niềm tin để nhanh chóng phục hồi, trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới. Trong thời gian vừa qua, tôi có dịp làm việc nhiều với các doanh nghiệp và thấy rõ những khó khăn, bế tắc của doanh nghiệp khi dịch ập xuống và những nỗ lực chắp nhặt từng cơ hội để giữ việc, giữ người của doanh nghiệp. Tôi cho rằng, cũng như doanh nghiệp ở nhiều địa phương khác, nhiều doanh nghiệp của Hải Dương hiện nay mới chỉ hoạt động trở lại được khoảng 50 - 70% công suất. Nhiều doanh nghiệp buộc phải chấp nhận phương án đợi qua Tết mới có đủ lao động để làm việc. Dù vậy, thời gian qua, các doanh nghiệp đã rất chủ động, từ việc tiếp cận đơn hàng, kết hợp với nhau cùng phát triển để không chậm nhịp so với tốc độ phục hồi của thị trường thế giới. Doanh nghiệp chủ động đề xuất các phương án hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Để giúp doanh nghiệp trong tỉnh phát triển vững vàng hơn, cùng với sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, các cấp chính quyền phải thực thi quyết liệt các cam kết của Chính phủ về những giải pháp hỗ trợ. Năm 2022 không chỉ là thời điểm phục hồi, mà cần là thời điểm các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội đầu tư, kinh doanh mới, gắn với xu thế xanh, thông minh và tính nhân văn trong kinh doanh. Nếu các cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bám theo các xu thế mới thì sự phục hồi của doanh nghiệp trong năm 2022 sẽ là nền tảng phát triển bền vững trong những năm tiếp sau.

TS. VÕ TRÍ THÀNH
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển thương hiệu

Mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho công nhân

Tổng số lao động của chúng tôi đến nay đã lên đến hơn 13.000 người. Nguồn nhân sự có kỹ năng, luôn làm việc với tinh thần cao nhất vì mục tiêu phát triển chung của công ty là một trong những bí quyết thành công của chúng tôi. Chính vì thế, trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra thời gian qua, chúng tôi luôn đề cao tinh thần phòng dịch trong toàn nhà máy, xác định mục tiêu cao nhất là lấy sự an toàn của công nhân làm gốc.

Ngoài việc tuân thủ nghiêm các quy định cũng như hướng dẫn từ chính quyền địa phương, ban, ngành liên quan, bản thân doanh nghiệp cũng thiết lập và vận dụng những quy định phòng dịch phù hợp. Toàn bộ lao động đều phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc tại nhà máy, thực hiện giãn cách trong giờ làm cũng như khi giải lao, ăn ca. Chúng tôi cũng định kỳ xét nghiệm để sớm phát hiện ca nghi nhiễm nếu có. Ngoài ra, chúng tôi thiết lập tổ “An toàn Covid” bên trong nhà máy, chia nhỏ đến từng phân xưởng. Chúng tôi phân chia nhiệm vụ và đối ứng công việc cho từng phân xưởng, từng cá nhân khi phát sinh các ca nghi nhiễm. Chúng tôi cũng có một nhóm thường xuyên cập nhật các chỉ dẫn, quy định địa phương, xây dựng các phương án giả định xử lý dịch bệnh. Nhóm cung cấp cho ban lãnh đạo kế hoạch phòng ngừa và xử lý, các trang thiết bị cần bổ sung cũng như quy trình cần thay đổi trong trường hợp cần thiết.

Tăng trưởng là mục tiêu mà doanh nghiệp nào cũng đặt ra và hướng tới. Với Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam chúng tôi cũng vậy. Để tăng trưởng tốt thì nguồn nhân lực giữ vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh những yêu cầu trong quá trình sản xuất, chúng tôi luôn đưa ra những chế độ, chính sách đãi ngộ về lương, thưởng, hỗ trợ lao động mới vào làm. Đại dịch đã và đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ. Với chúng tôi, nguồn cung ứng linh kiện, nguyên vật liệu sản xuất tại các công ty đối tác bị chậm, nhiều lần doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động sản xuất trong một thời gian ngắn. Nhưng nhờ sự đối ứng linh hoạt từ Ban lãnh đạo và sự đồng lòng của toàn thể cán bộ, công nhân viên mà chúng tôi đã dần khắc phục được khó khăn, hoạt động sản xuất từ chỗ được duy trì ổn định đến mở rộng quy mô. Minh chứng rõ nét là trong năm vừa qua, nguồn nhân lực của chúng tôi luôn bảo đảm. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự phát triển của doanh nghiệp.

SHIGEKI MORI
Giám đốc Quản lý Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam

Không để gián đoạn thu nhập của người lao động

Gián đoạn về chuỗi logistics, giá nguyên liệu tăng cao cùng nhiều khoản chi phí phát sinh do tác động tiêu cực từ dịch bệnh đã khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn. Có nhiều thời điểm, việc lưu thông các container hàng hóa không được kịp thời khiến chi phí vận chuyển, lưu kho bãi tăng lên.

Trước những khó khăn ấy, chúng tôi buộc phải đưa ra nhiều giải pháp thích ứng để tồn tại và duy trì phát triển. Chúng tôi chủ động nhận các đơn hàng không lợi nhuận nhằm tạo việc làm, quyết tâm không bị gián đoạn thu nhập của người lao động; đồng thời duy trì chuỗi cung ứng với khách hàng. Công ty thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển bằng cách tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, không phát sinh thêm nhân sự mới. Kích thích người lao động tăng cao hiệu quả làm việc bằng những chính sách thưởng khác nhau, được người lao động hào hứng đón nhận. Bên cạnh đó, chúng tôi quan tâm đến điều kiện làm việc, đến chất lượng bữa ăn, bảo đảm đủ năng lượng tích cực để làm việc cho toàn bộ nhân sự.

Chúng tôi đặt ra các tiêu chí cải tiến hằng tuần, hằng tháng. Giao trực tiếp đội ngũ quản lý xưởng phải có đề án cải tiến trong quá trình sản xuất. Qua đó nhằm nâng cao năng suất, giảm thiểu công sức cho người lao động. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng có những phần thưởng để động viên đối với các đề án có tính ứng dụng cao.

Đối với công tác phòng chống dịch, chúng tôi yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm các quy định, nhất là nguyên tắc 5K. Ngoài ra, chúng tôi thực hiện một số quy định riêng như nghiêm cấm việc tập trung tại các khu vực trong giờ giải lao; tuân thủ việc đeo khẩu trang, nếu vi phạm lần đầu sẽ nhắc nhở, yêu cầu viết bản cam kết, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị ngừng việc tạm thời trong 21 ngày.

Với những giải pháp kịp thời, chúng tôi đã duy trì tốt chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.

TRẦN THỊ THOẢN
Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn An Phát Holdings

NGUYỄN LAN - LÊ TRẦN (thực hiện)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cong-nghiep/doanh-nghiep-vung-vang-trong-dai-dich-194029