Doanh nghiệp vướng rào cản thủ tục khi tham gia làm nhà ở xã hội

Với yêu cầu khi tham gia đấu thầu làm nhà ở xã hội, doanh nghiệp địa ốc cần phải có kinh nghiệm phát triển, xây dựng, bán hàng nhà ở xã hội trước đó. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp 'bị loại ngay từ vòng gửi xe', bởi chưa làm nhà ở xã hội bao giờ.

Các doanh nghiệp bất động sản đề nghị đơn giản hóa thủ tục làm nhà ở xã hội để thêm nhiều đơn vị tham gia

Các doanh nghiệp bất động sản đề nghị đơn giản hóa thủ tục làm nhà ở xã hội để thêm nhiều đơn vị tham gia

Muốn cũng không được làm

Mới đây, Công ty cổ phần Địa ốc P.Đ (TP.HCM) đã trượt thầu khi đấu thầu làm dự án nhà ở xã hội tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), dù doanh nghiệp này đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, hơn 10 năm phát triển nhiều dự án nhà ở.

Ông Bùi Ngọc Nam, Trưởng phòng pháp chế Công ty P.Đ cho biết, khi UBND tỉnh Lâm Đồng mời gọi các doanh nghiệp địa ốc tham gia thực hiện dự án đầu tư nhà ở xã hội Kim Đồng (phường 6, TP. Đà Lạt), Công ty đã nhiệt tình hưởng ứng.

Dự án này có diện tích đất là 3.317 m2, với 8.293 m2 diện tích sàn xây dựng nhà cao 5 tầng, gồm 94 căn hộ, diện tích căn hộ bình quân 43 - 70 m2, trong đó có 75 căn hộ được bán, 19 căn cho thuê.

Nên có quy định cụ thể về thủ tục, trình tự đấu thầu làm nhà ở xã hội trên tinh thần tinh gọn, giảm thiểu nhất có thể, để sớm có thêm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu cho người dân.

“Tổng vốn đầu tư dự kiến là 94,7 tỷ đồng, vốn góp của nhà đầu tư là 28,4 tỷ đồng. Sau khi nộp hồ sơ thầu, có 2 nhà thầu tham gia. Doanh nghiệp chúng tôi dù chứng minh được năng lực tài chính, xây dựng và phát triển dự án bất động sản, nhưng vẫn bị loại”, ông Nam nói.

Lý do bị loại là trong bản yêu cầu năng lực, kinh nghiệm, có quy định doanh nghiệp phải từng tham gia với vai trò nhà đầu tư, đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn một dự án nhà ở xã hội trong vòng 6 năm trở lại và đáp ứng đủ các điều kiện như có tổng mức đầu tư tối thiếu 60% tổng mức đầu tư đang xét. Đồng thời, nhà đầu tư phải tham gia với vai trò là nhà thầu chính xây lắp, đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 4 năm trở lại đây một dự án nhà ở xã hội…

“Chúng tôi chưa từng làm nhà ở xã hội, nhưng khi Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội nên muốn được tham gia chương trình này. Thực tế, chúng tôi đã làm nhiều dự án nhà ở như chung cư cao tầng, nhà phố tại Bình Dương, chưa kể, với công ty xây dựng có hơn 40 năm kinh nghiệm, thì việc xây dựng, phát triển một dự án nhà ở xã hội không có gì là khó với chúng tôi. Tuy nhiên, với yêu cầu từng phát triển dự án nhà ở xã hội, từng xây dựng nhà ở xã hội mới được tham gia đấu thầu, không khác gì bó chân các doanh nghiệp”, ông Nam thẳng thắn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, yêu cầu doanh nghiệp địa ốc phải có kinh nghiệm và từng phát triển nhà ở xã hội mới được tham gia đấu thầu là làm khó doanh nghiệp cũng như hạn chế chương trình phát triển nhà ở xã hội mà Chính phủ đề ra.

“Trong thời gian qua, khi tham gia đấu thầu phát triển dự án nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã gặp khó trước yêu cầu này. Muốn có thể lách qua khe cửa hẹp, nhiều đơn vị phải nhờ tới các doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội để được hỗ trợ như điền thông tin đơn vị hợp tác, xây dựng… mới đủ điều kiện tham gia”, ông Châu nêu thực tế.

Cần hành lang pháp lý thông thoáng

Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn bất động sản Trần Anh chia sẻ, năm 2026, doanh nghiệp ông phát triển 1.000 căn hộ chung cư cho người lao động tại huyện Đức Hòa (Long An), nhưng khi xin làm dự án nhà ở xã hội thì mới biết có quá nhiều yêu cầu phức tạp nên ông quyết định không làm dự án nhà ở xã hội, mà làm nhà ở thương mại giá rẻ, với mức giá chỉ dưới 200 triệu đồng/căn hơn 40 m2.

“Chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để phát triển tiếp dự án chung cư nhà ở giá rẻ. Dù rất muốn làm nhà ở xã hội, nhưng với các yêu cầu thủ tục phức tạp như hiện nay, chúng tôi không dám tham gia”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, doanh nghiệp địa ốc rất muốn làm nhà ở xã hội, nhưng cần hành lang pháp lý thông thoáng. “Nhiều cơ quan, ban ngành đã có lộ trình giảm thời gian thực hiện các đầu việc. Tuy nhiên, vấn đề căn cốt là cần giảm các đầu việc trong trình tự thủ tục hành chính”, ông Vinh kiến nghị.

Đơn cử, đã có thủ tục chủ trương đầu tư rồi thì không cần thẩm định thiết kế cơ sở. Như vậy sẽ giảm được rất nhiều thời gian.

Hay như về lựa chọn chủ đầu tư dự án, khi xác định các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia triển khai dự án, xét thấy tất cả đều đủ điều kiện thì nên bốc thăm cho nhanh, còn nếu thực hiện theo đấu thầu thì thủ tục phải mất gần 2 năm. Chưa kể các thủ tục khác như giải phóng mặt bằng nên thời gian triển khai dự án sẽ rất lâu.

Đối với dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội mà bắt buộc phải đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thì nên có quy định cụ thể về thủ tục, trình tự đấu thầu trên tinh thần tinh gọn, giảm thiểu nhất có thể, để sớm có thêm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu cho người dân.

“Tôi cho rằng, với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, sinh viên, thì thủ tục hành chính phải thiết kế riêng, thật tinh gọn, giảm thiểu hơn dự án nhà ở thương mại. Như vậy sẽ thu hút được doanh nghiệp tham gia xây dựng, tăng nguồn cung. Cũng cần phải nói thêm là, dự án nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng sẽ thúc đẩy nhiều ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, điện, nội thất phát triển, nên càng cần được tạo điều kiện thuận lợi”, ông Vinh nêu quan điểm.

Gia Phú

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/doanh-nghiep-vuong-rao-can-thu-tuc-khi-tham-gia-lam-nha-o-xa-hoi-d245492.html