Doanh nghiệp xây dựng bớt khó

Doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng khối lượng công việc sẽ gia tăng từ cuối năm 2024, khi các chủ đầu tư có quỹ đất sạch, pháp lý rõ ràng bắt tay vào triển khai dự án.

Một doanh nghiệp xây dựng (chưa niêm yết) cho biết, năm 2024, Công ty có nhiều việc làm hơn so với năm 2023, nhưng so với các năm trước đó thì vẫn còn rất “hẻo”. Nhiều dự án bị đình trệ, tạm dừng thi công trong thời gian qua, nên các doanh nghiệp xây dựng giờ chỉ cần có dự án để có dòng tiền “nuôi quân” đã là tốt. Dĩ nhiên, các nhà thầu phụ giờ đây ưu tiên các dự án có ngân hàng tài trợ vốn, vì vấn đề công nợ kéo dài đang ngốn sạch nguồn vốn của họ.

Bức tranh hoạt động của các “ông lớn” trong ngành xây dựng có gam màu sáng hơn, nhưng có sự phân hóa.

Với lĩnh vực bất động sản dân dụng, nửa đầu năm có nổi lên một số chủ đầu tư triển khai các dự án nhà ở xã hội, tiêu biểu như Vinhomes đã khởi công xây dựng 4 dự án nhà ở xã hội với hơn 10.000 căn tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị và Khánh Hòa; Hoàng Quân hợp tác cùng Novaland xây dựng 3.000 căn nhà ở xã hội tại TP.HCM; Hancorp đặt kế hoạch xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội tại Hà Nội và Hà Nam; Viglacera đang triển khai xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội tại các tỉnh phía Bắc và sẽ sớm bàn giao 5.000 căn, chủ yếu tại Hà Nội…

Phát triển nhà ở xã hội đã trở thành trọng tâm của các chính sách liên quan đến thị trường bất động sản. Luật Nhà ở 2023 đã điều chỉnh và mở rộng các chính sách để thu hút đầu tư và mở rộng thị trường, cùng với đó là Đề án 1 triệu nhà ở xã hội của Chính phủ, đặt mục tiêu cân bằng lại cơ cấu nguồn cung nhà ở trong giai đoạn tới năm 2030. Đây là cơ sở chính để các chủ đầu tư đẩy mạnh triển khai các dự án nhà ở xã hội. Theo đó, nguồn việc của các nhà thầu xây dựng sẽ nhiều hơn.

Theo công bố mới đây, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã ký hợp tác chiến lược cùng Tập đoàn CNCTech. Theo đó, CNCTech cam kết giao cho Hòa Bình thi công những dự án mà Công ty sẽ triển khai trong giai đoạn 2024 - 2028. Hòa Bình sẽ là đơn vị tổng thầu thiết kế và thi công các dự án của CNCTech về hạ tầng công nghiệp, kho nhà xưởng, trung tâm logistics, nhà ở xã hội, đô thị công nghiệp công nghệ... Dự kiến, tổng giá trị hợp đồng CNCTech giao cho Hòa Bình trong giai đoạn này lên tới 12.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Hòa Bình cũng chia sẻ trong đại hội cổ đông, một số chủ đầu tư đã mời Hòa Bình tham gia đấu thầu và Công ty đã trúng thầu một số dự án mới. Trong năm 2024, Công ty sẽ quay lại mạnh mẽ hơn.

Tuy vậy, VCBS nhận định, hoạt động kinh doanh của Hòa Bình còn nhiều bất định khi áp lực dòng tiền từ khoản phải thu còn tương đối lớn.

Nhờ hợp đồng xây dựng gia tăng, Coteccons ghi nhận lợi nhuận khá tốt, báo cáo tài chính hợp nhất quý III niên độ 2023 - 2024 (từ ngày 1/1/2024 - 31/3/2024) cho thấy, doanh nghiệp ghi nhận gần 4.666 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt 105 tỷ đồng…

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong ngành cũng tiết lộ, dự án có giá trị lớn, mang về dòng tiền, có công ăn việc làm, nhưng biên lợi nhuận khá mỏng.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services-FERI), thị trường bất động sản đang có những tín hiệu phục hồi tích cực, tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức như kinh tế suy thoái do tác động bất ổn địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng tín dụng thấp dù lãi suất cho vay đã giảm sâu, pháp lý bất động sản chưa được tháo gỡ triệt để và niềm tin thị trường chưa phục hồi mạnh mẽ. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp xây dựng, xây lắp có thêm việc, nhưng bài toán dòng tiền cũng là vấn đề lớn.

Trong đó, việc các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang đối mặt với áp lực lớn từ trái phiếu đáo hạn, đặc biệt là hơn 67.000 tỷ đồng, chiếm gần 43% tổng giá trị trái phiếu sắp đáo hạn đặt ra thách thức kép khi các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các nguồn trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng từ ngân hàng, đồng thời phải đối mặt với rủi ro tái cấp vốn.

Rủi ro này, có thể khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản không thể triển khai dự án, hoặc chậm triển khai, qua đó, thời gian chờ đợi công việc cho khối xây dựng cũng có diễn biến tương đồng.

Ngược lại, các doanh nghiệp xây lắp sẽ hồi phục tốt, khi tìm kiếm được hợp đồng với các doanh nghiệp bất động sản đang nỗ lực xoay trở bằng việc ưu tiên hoàn tất thủ tục pháp lý cho các quỹ đất sạch để triển khai dự án, từ đó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác đang thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư bằng việc bán bớt tài sản, quỹ đất, cổ phần trong dự án hoặc doanh nghiệp thông qua các hoạt động M&A.

Các doanh nghiệp bất động sản niêm yết cũng đã công bố các phương án phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Đa phần các chủ đầu tư đang tập trung vào việc tăng vốn để có nguồn tài chính đủ mạnh mẽ để sớm triển khai các hoạt động đầu tư và kinh doanh mới.

Mai Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-xay-dung-bot-kho-post348951.html