Doanh nghiệp xây dựng xoay xở tìm việc
Tình trạng bỏ thầu giá thấp, thậm chí phá giá để nhận nhiều gói thầu, dự án nhất có thể nhằm duy trì việc làm vẫn diễn ra khá phổ biến trong lĩnh vực xây dựng.
Thực tế, nhìn vào bức tranh lợi nhuận những tháng đầu năm 2024, có thể thấy các doanh nghiệp xây dựng vẫn đang phải chật vật để "vượt bão".
Tranh thầu bằng mọi giá
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong 3 tháng đầu năm nay khó khăn hơn quý IV/2023. Trong đó, những thách thức, khó khăn đã âm ỉ từ lâu như nợ đọng, thiếu vốn, thiếu nguồn việc, cạnh tranh cao.
Ngành xây dựng được dự báo phục hồi mạnh mẽ vào năm 2025 với nhiều dư địa đáng kỳ vọng. Ảnh: Tạ Hải.
Các doanh nghiệp xây dựng vẫn đang loay hoay với nguồn vốn, trong bối cảnh ngân hàng lại thừa tiền, chủ yếu bởi lượng cung tiền cho các dự án bất động sản giảm đi rất nhiều. Về bản chất, thị trường phải tăng cung, có nhiều dự án thì ngân hàng mới tăng giải ngân vốn.
Theo đánh giá của Hiệp hội Các nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), phần lớn doanh nghiệp vẫn bị đè nặng bởi sự đóng băng của thị trường xây dựng và các dự án bất động sản bị bế tắc về pháp lý.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, việc ít dự án mới được triển khai đã dẫn đến hiện tượng các nhà thầu cạnh tranh quyết liệt.
Đối với mảng xây dựng dân dụng, một số doanh nghiệp có tình trạng bỏ thầu, phá giá. Lĩnh vực xây dựng cầu đường cũng bắt đầu xuất hiện có tình trạng này.
Trong khi đó, ông Vũ Xuân Thắng, Phó tổng giám đốc Coma cho biết, một số đơn vị trong quá trình thi công cũng gặp phải nhiều vấn đề, dẫn đến khó khăn về tài chính nên muốn có hợp đồng bằng mọi giá.
Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp xây dựng đang chọn phương án ưu tiên các dự án có nguồn tiền đảm bảo, giá thấp hơn. Tuy nhiên, giải pháp này cũng khiến tỷ suất lợi nhuận giảm.
Càng trúng thầu nhiều càng áp lực
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét: "Doanh nghiệp càng nhận nhiều gói thầu, họ càng phải đi vay nhiều để triển khai dự án. Đây là áp lực đè nặng trong bối cảnh chi phí lãi vay lớn và đầu ra bất động sản yếu".
Với bối cảnh mới, các doanh nghiệp sẽ không đặt nặng yếu tố lợi nhuận mà ưu tiên nhận nhiều gói thầu nhất nhằm duy trì việc làm.
Tuy nhiên, với bối cảnh mới, các doanh nghiệp sẽ không đặt nặng yếu tố lợi nhuận mà ưu tiên nhận nhiều gói thầu, dự án nhất có thể nhằm duy trì việc làm và hoạt động của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, nhiều công ty trong ngành cũng chuyển hướng và tập trung lựa chọn các dự án có dòng tiền ổn định, thanh khoản cao, bất chấp giá thấp.
Nhìn vào bức tranh lợi nhuận quý I/2024, có thể nhận thấy các doanh nghiệp xây dựng vẫn đang phải chật vật để "vượt bão". Cụ thể, Alphanam E&C và SEAREFICO, 2 công ty có doanh thu tăng lần lượt 8% và 6%, nhưng lãi ròng giảm đến 77% và 65%.
Tương tự, trong 3 tháng đầu năm, lãi sau thuế của FECON cũng chỉ ở mức hơn 635 triệu đồng, giảm 77,4%. Thậm chí, với áp lực lớn từ chi phí tài chính, Tổng công ty LICOGI đã tiếp tục báo lỗ 19 tỷ đồng.
Trong khi đó, dù Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có lãi trở lại với 56 tỷ đồng, song vẫn giảm gần một nửa so với lợi nhuận quý IV/2023.
Ông Minh cho rằng, việc lựa chọn các gói thầu giá thấp và khiến biên lợi nhuận giảm chỉ là xu hướng nhất thời. Thực tế, công ty xây dựng đang trong trạng thái phòng thủ nhằm chờ đợi thanh khoản thị trường trở lại, pháp lý khai thông. Đến lúc đó, các doanh nghiệp này sẽ thực sự đẩy mạnh hoạt động và cải thiện tỷ suất lợi nhuận.
Trông chờ đầu tư công
Hiện, doanh nghiệp xây dựng quan tâm nhất là chi phí lãi vay. Ông Minh nhận định, lãi suất có thể duy trì ở mức thấp sang tới năm 2025, đến khi nền kinh tế thực sự phục hồi trở lại.
Ngân hàng Nhà nước đã giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho năm 2024, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung cấp lượng vốn đầy đủ, kịp thời để có thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp xây dựng thường sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, do đó khi lãi suất giảm, gánh nặng chi phí lãi vay cũng nhẹ bớt, từ đó có thể cải thiện biên lợi nhuận tốt. Đây sẽ là yếu tố nền tảng để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng khi triển khai và nhận thêm các gói thầu mới.
Bên cạnh đó, trên cơ sở dự toán ngân sách năm 2024 (được Quốc hội thông qua), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1603 giao kế hoạch vốn đầu tư công năm nay với tổng số tiền 677.349 tỷ đồng và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chiếm áp đảo, lên tới 422.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo mới nhất, Vietnam Report bày tỏ tin tưởng, tác động của đầu tư công sẽ lan tỏa dần tới các ngành, lĩnh vực, trở thành yếu tố thúc đẩy nhóm doanh nghiệp nhà thầu hạ tầng.
Ăn theo bất động sản
Với vai trò không thể tách rời, ngành xây dựng sẽ vẫn cần chờ đợi làn sóng phục hồi của thị trường bất động sản.
Luật Đất đai sửa đổi đã được thông qua, song độ trễ từ chính sách sẽ cần ít nhất một năm để bắt đầu tác động đến thị trường bất động sản khi thông tư hướng dẫn được ban hành.
Đáng chú ý, chuyên gia từ Yuanta cũng lưu ý đến một điều kiện khác sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng: "Điểm nhấn cho thị trường bất động sản trong giai đoạn tới sẽ là câu chuyện nhà ở xã hội. Khi nhớ lại làn sóng triển khai BT và BOT, các chủ đầu tư đều được hỗ trợ, trong đó được cấp quỹ đất để triển khai dự án. Hiện tại, nhà ở xã hội sẽ sớm có mô hình tương đối giống như vậy".
Với quỹ đất sạch, song song với quyền triển khai thêm dự án thương mại tại vị trí tốt, nguồn cung của thị trường bất động sản sẽ được cải thiện đáng kể.
Trong động thái mới nhất nhằm đẩy mạnh kế hoạch triển khai nhà ở xã hội, ngoài gói 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng vừa đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3-5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10-15 năm. Mức lãi đề xuất này được đánh hấp dẫn hơn gói tín dụng ưu đãi đang thực hiện (thấp hơn 1,5-3% lãi vay thương mại).