Doanh nghiệp xuất khẩu chủ động ứng phó với biến động thị trường

Các doanh nghiệp sản xuất đang đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu mới trong ASEAN, Ấn Độ, các thị trường có FTA… để tránh rủi ro từ chính sách thương mại bất lợi, giữ đà tăng xuất khẩu bền vững.

Doanh nghiệp xuất khẩu được khuyến nghị đẩy nhanh việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro

Doanh nghiệp xuất khẩu được khuyến nghị đẩy nhanh việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro

Tìm kiếm nguồn cung mới

Một đoàn gồm 20-25 doanh nghiệp Việt Nam sẽ có chuyến đi sang Nhật Bản vào cuối tháng 5 tới để thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác xuất khẩu, nhập khẩu, kết hợp quảng bá hàng Việt tại thị trường có sức tiêu dùng lớn nhưng khó tính này.

Năm ngoái, Việt Nam nhập từ Nhật Bản lượng hàng hóa trị giá hơn 21 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt kỳ vọng tìm kiếm thêm được các nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào phù hợp từ quốc gia này, phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan từ một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) sẵn có với Nhật Bản, như VJFTA, CPTPP, RCEP.

Cùng với các chuyến đi trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia 2025, Bộ Công thương đang chuẩn bị hậu cần để đón hàng trăm nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam dự chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2025 tại TP.HCM (năm thứ 3 tổ chức).

Việc chủ động đi ra bên ngoài, hay đón các nhà mua hàng toàn cầu tìm đến Việt Nam, kết nối với các đối tác mới, mở rộng kênh giao thương để đa dạng thị trường xuất nhập khẩu, đa dạng nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất... ngày càng được các doanh nghiệp đặt trọng tâm ưu tiên, nhất là trong bối cảnh chính sách thương mại từ một số thị trường lớn liên tục thay đổi theo hướng bất lợi hơn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Để tránh rủi ro với chính sách thương mại của các thị trường lớn, trong công văn mới nhất gửi các hiệp hội và doanh nghiệp, Bộ Công thương đề nghị các đơn vị này kiểm soát chặt nguyên liệu làm hàng xuất khẩu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Bộ Công thương cũng nhấn mạnh vai trò đầu mối của hiệp hội trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng nguồn cung nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu rủi ro từ phụ thuộc vào thị trường cung cấp duy nhất.

Các doanh nghiệp đang tăng tốc lập các chương trình, kế hoạch mới trong sản xuất - kinh doanh để ứng phó với thị trường có nhiều đổi thay về chính sách thương mại. “Chúng tôi xác định, đây là thời điểm phải thay đổi, tiến tới minh bạch về quy tắc xuất xứ, tuân thủ các quy định về chống gian lận thương mại, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường, để tránh phụ thuộc vào một số thị trường đã có”, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nói về kế hoạch hành động của doanh nghiệp.

Trong thời gian 90 ngày đàm phán thuế quan với Mỹ, bên cạnh đẩy nhanh sản xuất để giao hàng sớm cho đối tác, các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex đã chủ động xây dựng giải pháp ứng phó trong ngắn và dài hạn, tập trung vào đàm phán với khách hàng trên tinh thần chia sẻ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu và nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất, đẩy nhanh tốc độ sản xuất các đơn hàng đã ký trong quý II/2025.

Tất nhiên, đây không phải là công việc trong ngày một ngày hai, mà là bước đi dài hơi, dù khó nhưng bắt buộc phải thực hiện. Việc đa dạng hóa nguồn cung sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu trước những biến động của thương mại quốc tế, để xuất khẩu tăng trưởng bền vững.

Để tăng trưởng xuất khẩu bền vững, giảm tần suất các vụ kiện liên quan đến lẩn tránh thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp cần nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, tăng cường sử dụng các nguyên liệu sản xuất trong nước, tăng tìm kiếm nguồn cung từ các thị trường có FTA với Việt Nam. Bởi nếu bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, sẽ có những tác động tiêu cực như giảm lợi thế cạnh tranh, mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu…

- Bộ Công thương

Tổng công ty cổ phần May 10 cho hay, không phải chờ đến lúc này, mà việc tăng sử dụng nguồn cung đầu vào tại chỗ đã được doanh nghiệp thực hiện trong những năm gần đây. Việc này giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả hơn những ưu đãi thuế quan từ các FTA với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ngoài các quốc gia ASEAN, một thị trường thuộc Nam Á là Ấn Độ cũng đang trong tầm ngắm để doanh nghiệp công nghiệp tăng tìm kiếm nguồn cung đầu vào cho sản xuất. Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, Ấn Độ hiện cung cấp nhiều nguyên liệu và thành phẩm thiết yếu cho Việt Nam như sắt thép, hóa chất, dược phẩm, dệt may, thức ăn chăn nuôi và thủy sản, với kim ngạch khoảng 6 tỷ USD/năm 2024.

Không thể chậm chân

Quy mô ngoại thương của Việt Nam đạt xấp xỉ 800 tỷ USD vào cuối năm ngoái và dự báo sớm đạt mốc 1.000 tỷ USD. Việt Nam đã lọt top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, nhưng đi kèm là những rủi ro liên quan đến xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp, nếu những vấn đề này không được quản chặt.

Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp được khuyến nghị đẩy nhanh việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường, dẫn đến nguy cơ có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay, số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ các quốc gia nhập khẩu tiếp tục gia tăng với hàng hóa Việt Nam. Tính đến nay, đã có 282 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có tới 39 vụ việc liên quan đến chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Thị trường áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa Việt Nam là Mỹ. Biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại được các quốc gia sử dụng nhằm ngăn chặn các hành vi thay đổi nguồn gốc của các mặt hàng xuất khẩu đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để “né” thuế.

Tình hình địa chính trị dự báo còn phức tạp hơn, không chỉ có xung đột về quân sự, mà còn gia tăng xung đột về thương mại, tăng xu hướng bảo hộ tại nhiều thị trường. Nếu chậm đa dạng nguồn cung ứng, doanh nghiệp sẽ khó xoay chuyển tình thế khi có biến động.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-chu-dong-ung-pho-voi-bien-dong-thi-truong-d268589.html