Doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu 'nặng gánh' vì thiếu nguyên liệu

Một trong những nguyên nhân tác động mạnh tới xu hướng xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang EU trong năm 2024 là thiếu nguyên liệu, đặc biệt là nguồn nguyên liệu có xuất xứ thuần túy.

Doanh nghiệp gặp khó

Năm 2024, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang châu Âu (EU) sau khi tăng trưởng tốt trong 5 tháng đầu năm đã liên tục sụt giảm trong những tháng cuối năm. Tính riêng trong quý 4/2024, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của ở mức tương đương so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 17 triệu USD. Tính cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang EU đạt gần 74 triệu USD, tăng 4% so với năm 2023.

Trong năm qua, xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam đều tăng so với năm trước - Ảnh: Internet

Trong năm qua, xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam đều tăng so với năm trước - Ảnh: Internet

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân tác động mạnh tới xu hướng xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang EU trong năm 2024 là việc thiếu nguyên liệu, đặc biệt là nguồn nguyên liệu có xuất xứ thuần túy (được đánh bắt bởi đội tàu trong nước).

Kể từ sau khi Nghị định số 37 có hiệu lực vào ngày 19.5.2024, với quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác (biện pháp quản lý) chưa phù hợp đối với các loài hải sản, trong đó có cá ngừ vằn, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của ngư dân và doanh nghiệp, gia tăng thêm các gánh nặng kinh tế cho chuỗi sản xuất liên quan.

Nhiều lô nguyên liệu của ngư dân khai thác ở các tỉnh liên quan đến quy định trên trong thời gian qua đang ở trạng thái "treo" và "ách tắc", nằm trong kho và không thể xuất khẩu được khi các cảng cá, các chi cục không thể cấp các giấy tờ S/C (Giấy chứng nhận phạm vi hoạt động), C/C (Chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn).

Nhiều đơn hàng, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp, xuất khẩu sang các thị trường doanh nghiệp đã phải bỏ lỡ, một số hợp đồng đã ký thì khách hàng đang yêu cầu dừng hoặc phạt hợp đồng. Ngư dân khai thác các loài kể trên gặp nhiều khó khăn khi "đầu mua" không dám mua, bị đình trệ, một số đã không thể đi biển thường xuyên như kế hoạch.

Các đơn hàng xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu thì không được hưởng ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (gọi tắt là EVFTA). Điều này đang làm giảm khả năng cạnh tranh của các mặt hàng cá ngừ đóng hộp của Việt Nam tại khối thị trường EU.

Bên cạnh đó, danh mục các loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam tại Phụ lục IV của Nghị định 37 chưa được rõ ràng đang dẫn đến các hiểu nhầm không đáng có trong công tác thực thi của một số cơ quan/tổ chức chịu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Triển vọng xuất khẩu cá ngừ năm 2025

Sang năm 2025, mặc dù hạn ngạch ưu đãi thuế quan dành cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang EU đã được khởi động lại, nhưng các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang bị kìm hãm do những vấn đề nêu trên. Do đó, cộng đồng các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đóng hộp đang rất mong chờ Chính phủ sớm có nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định trong lĩnh vực thủy sản để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy xuất khẩu sang khối thị trường EU.

Dẫn số liệu thống kê từ Hải quan Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 989 triệu USD, tăng 17% so với năm 2023.

Trong năm qua, xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam đều tăng so với năm trước. Các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất. Xuất khẩu nhóm sản phẩm này trong năm 2024 đã tăng trở lại và có xu hướng tăng nhanh trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp lại có xu hướng sụt giảm trong nửa cuối năm. Tính lũy kế cả năm 2024, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp tăng 17%. Đáng chú ý, xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến khác sau khi sụt giảm liên tục trong những tháng đầu năm đã tăng trưởng liên tục trong những tháng cuối năm, tăng 24% so với cùng kỳ, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu.

VASEP cho hay trong những năm gần đây, cá ngừ luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản, và đây là nhóm mặt hàng có giá trị lớn thứ 3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, sau tôm và cá tra.

Trong 5 năm (2019 - 2023), xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã tăng từ 719 triệu USD năm 2019 lên 845 triệu USD năm 2023 (tương đương tăng 17%). Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong giai đoạn này tăng trưởng trung bình đạt 3%/năm. Các loài cá ngừ xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn…

Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang hơn 100 thị trường trên thế giới. Trong đó, Mỹ, EU, Trung Đông và các nước CPTPP là 4 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, chiếm tỷ trọng từ 82 - 86% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.

Theo VASEP, tại các vùng biển của Việt Nam, cá ngừ tập trung chủ yếu ở biển ven miền Trung và trung tâm Biển Đông. Trữ lượng cá ngừ của Việt Nam ước đạt hơn 600.000 tấn; trong đó cá ngừ vằn là loài khai thác chính, chiếm hơn 50% tổng nguồn lợi cá nổi.

Sản lượng cá ngừ khai thác hằng năm (bao gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn và các loại khác) đạt hơn 200.000 tấn. Trong đó, cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to có trữ lượng trung bình trên 45 nghìn tấn, với sản lượng khai thác hằng năm từ 17.000 - 21.000 tấn. Cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to được khai thác trong giai đoạn 6 tháng, từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau. Trong khi cá ngừ vằn có thể được khai thác quanh năm.

Nhận định về triển vọng xuất khẩu cá ngừ năm 2025, VASEP cho rằng ngành cá ngừ Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025 nhờ nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm tiếp tục tăng. Ngoài ra, sự đổi mới trong chính sách thuế quan của các thị trường quốc tế, đặc biệt tại Mỹ, sẽ là đòn bẩy cho xuất khẩu.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-sang-chau-au-nang-ganh-vi-thieu-nguyen-lieu-229472.html