Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tìm kiếm cơ hội tại thị trường Nhật Bản
Vừa qua, tại Triển lãm Công nghệ và Thủy sản quốc tế lần thứ 25 (Janpan International Seafood & Technology Expo 2023) nhiều công ty Nhật Bản và nước ngoài đã giới thiệu các công nghệ mới cho ngành thủy sản quốc tế.
Triển lãm Công nghệ và Thủy sản quốc tế 25 (Janpan International Seafood & Technology Expo 2023) đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 23-25/8/2023. Triển lãm có quy mô khoảng 1.000 gian hàng và dự kiến thu hút 25.000 lượt khách tới tham quan.
Đây là Triển lãm thường niên do Hiệp hội thủy sản toàn Nhật Bản chủ trì tổ chức. Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã tham dự khai mạc và đi thăm các gian hàng tại Triển lãm.
Năm nay, ngoài việc trưng bày các sản phẩm thủy sản như cá, mực, tôm,… các đơn vị tham gia triển lãm cũng đã giới thiệu nhiều công nghệ mới phục vụ cho ngành thăm dò, đánh bắt, chế biến và bảo quản thủy sản.
Trong đó có công nghệ tiết kiệm lao động cho tàu đánh cá, công nghệ để đạt được sản xuất chất lượng cao, chuyển đổi dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và robot.
Tại Triển lãm, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã làm việc với các công ty thủy sản của Nhật Bản và Việt Nam. Maple Foods Limited - công ty Nhật Bản thường xuyên nhập khẩu các mặt hàng như tôm sông Me Kông, cua chế biến, cua lột, nem hải sản cuốn,… từ Việt Nam.
Hay Công ty Minh Đăng Seafood của Việt Nam - công ty đã tham dự Triển lãm này trong nhiều năm qua. Sản phẩm của công ty xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm khoảng 15-20% doanh số của công ty. Các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này là các sản phẩm đông lạnh như tôm, mực cắt miếng, bạch tuộc,...
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, gần đây xu hướng có nhiều công ty của Nhật Bản đã đặt hàng gia công thủy sản tại Việt Nam rồi nhập khẩu lại Nhật Bản, ngoài ra các công nghệ mới của Nhật Bản như công nghệ chế biến, đóng gói, đông lạnh mang lại chất lượng cao, tươi ngon cho sản phẩm…
“Thương vụ sẽ tiếp tục thu thập thông tin và giới thiệu tới các đơn vị trong nước, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất chế biến, bảo quản và vận chuyển giúp nâng cao kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản cũng như các nước khác trên thế giới.” - Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản thông tin.
Với dân số hơn 125 triệu người, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản - thực phẩm nước ngoài, bao gồm: cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê… Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng nói trên và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.
Gần đây, số lượng người dân đến từ các nước châu Á sinh sống và làm việc tại Nhật Bản lên tới 10 triệu người, trong đó số lượng người Việt Nam tăng rất nhanh trong những năm qua với khoảng gần 500.000 người. Do vậy hàng nông thủy sản - thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được cả người Việt, người Nhật và người dân các nước châu Á khác đón nhận và có lượng tiêu thụ tốt.
Bên cạnh đó, những ưu đãi từ cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên, bao gồm: VJEPA, AJCEP, CPTPP, RCEP sẽ là yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản.
Cụ thể, trong CPTPP Nhật Bản xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, đây là bước tiến rất lớn so với mức độ bảo hộ nông nghiệp của Nhật Bản trong các Hiệp định VJEPA, AJCEP trước đây. Trong RCEP Nhật xóa bỏ hoàn toàn thuế quan với nhiều nhóm hàng thủy sản, thịt, rau củ quả, hàng nông sản…; mặc dù vẫn giữ nguyên thuế suất đối với 5 nhóm hàng nhạy cảm bao gồm gạo, lúa mì, các sản phẩm sữa - đường, thịt lợn và thịt bò.
Tình trạng đồng Yên bị mất giá so với đồng USD kể từ đầu năm 2022 và giá dầu thế giới biến động theo chiều hướng tăng khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, chi phí logistic tại Nhật tăng cao, đẩy giá cả hàng hóa thiết yếu tăng lên từng ngày, tạo ra áp lực cho chi tiêu của các hộ gia đình.
Nhìn chung chi phí nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài vào Nhật Bản tăng lên sẽ gây ra khó khăn chung cho các nước có sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên đi kèm với thách thức sẽ là những cơ hội, khi mà hàng nông thủy sản Việt Nam nếu như đảm bảo được chất lượng tương đương cùng với giá bán thấp hơn thì sẽ có khả năng thay thế cho nông sản của các nước khác hoặc phần nào là sản phẩm nội địa.