Doanh nghiệp xuất khẩu TP.HCM ứng phó với khó khăn về chi phí
6 tháng qua, TP.HCM xuất khẩu được 22,56 tỷ USD, tăng hơn 13% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều ngành phục hồi tốt như dệt may, chế biến gỗ... Tuy thị trường xuất khẩu có tín hiệu tích cực, nhưng doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Nửa năm qua, xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ của TP.HCM tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết, thị trường xuất khẩu ở Mỹ tăng trưởng khá tích cực, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 12. Song song đó, một số doanh nghiệp cũng mở rộng thêm thị trường mới ở DuBai (UAE), Campuchia và Singapore…với ngành hàng cho công trình.
“Khách hàng ở Mỹ ngày càng khắt khe hơn về nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc đang bị chú ý rất nhiều. Họ chú ý không chỉ là sản phẩm mà bán thành phẩm ở trong thành thành phẩm người ta cũng chú ý. Nó có chiều hướng tốt cho cơ hội cho thị trường chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, phụ kiện của Việt Nam phát triển” - ông Nguyễn Chánh Phương nói.
Để nắm bắt cơ hội khi thị trường xuất khẩu phục hồi, ông Trần Lam Sơn –Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thiên Minh cho biết, ngay từ đầu năm, doanh nghiệp đã chủ động sản xuất, tìm khách hàng chứ không ngồi chờ đơn đặt hàng như trước đây.
Cách làm này khá rủi ro, song nhờ kinh nghiệm và am hiểu thị trường nên doanh nghiệp đã xuất hết lô hàng ván ép sàn, chậu cây gỗ sản xuất “đón gió” trước này…cho khách hàng ở Mỹ và châu Âu.
Đầu năm đến nay, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. Ngoài khách hàng truyền thống ở Đức, doanh nghiệp còn mở rộng, tiếp cận trực tiếp thêm khách hàng ở Đan Mạch và Phần Lan. Hiện nay, doanh nghiệp đang sản xuất các đơn hàng đã ký đến đầu tháng 9 và chuẩn bị nhận đơn hàng tiếp theo đến cuối năm cho mùa xuân hè.
Đơn hàng đã phục hồi, nhưng doanh nghiệp gặp khó khăn do chi phí sản xuất, cước phí vận chuyển tăng nên doanh nghiệp phải tìm cách tiết giảm tối đa chi phí.
Theo ông Trần Lam Sơn, doanh nghiệp cũng đa dạng hóa kênh bán hàng, trong đó có đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử. Khi mở thêm kênh bán hàng này, doanh nghiệp cũng thay đổi cách đóng gói, mẫu mã sản phẩm cho phù hợp, đồng thời tìm nguyên vật liệu mới, thiết kế sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng.
“Doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm mới bằng những nguyên liệu mới ví dụ như dùng cây năng tượng ở miền Tây, hoặc kết hợp các nguyên liệu gỗ với sắt, nhôm với gỗ, mây đan với gỗ để nó đa dạng hơn. Doanh nghiệp đồng thời bán cả B2B và B2C” - ông Trần Lam Sơn nói.
Tổ chức lại sản xuất
Còn ở lĩnh vực dệt may, một số doanh nghiệp năm trước có mức tăng trưởng âm thì đến thời điểm này đã phục hồi sản xuất, có tăng trưởng tốt. Điển hình như Công ty TNHH Việt Thắng Jean, 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của công ty đã tăng 10% so với cũng kỳ năm trước.
Ông Phạm Văn Việt-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, đơn hàng đã phục hồi chủ yếu ở Mỹ và châu Âu: “Ngành dệt may đã phục hồi tốt, công ty xuất khẩu đơn hàng theo hình thức ODM, OBM thì mình đều trả chị phí vận chuyển. Vừa rồi, do ảnh hưởng xung đột ở kênh đào ra biển Đỏ nên chi phí logistics tăng cao công ty phải đàm phán với khách hàng để chia sẻ, 2 bên chịu chi phí vận chuyển biển, mỗi bên chịu 50% chi phí này, khó khăn cũng nhau tháo gỡ”.
Theo Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, thị trường chính của các doanh nghiệp thuộc hiệp hội chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Khách hàng ở các thị trường này quan tâm đến quần áo công sở ở phân khúc phổ thông.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp thuộc Hội đã có đơn hàng đến hết quý 3 và chuẩn bị cho đơn hàng quý 4 nhưng trước mắt vẫn phải đối mặt với những khó khăn như: Giá xuất khẩu không tăng, nhưng chi phí sản xuất tăng, lương lao động tăng và đơn hàng nhỏ nhiều chủng loại hơn trước, yêu cầu về mẫu mã chi tiết hơn...
Ông Phạm Xuân Hồng –Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, trước những khó khăn này, doanh nghiệp phải linh hoạt để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường, đồng thời phải tổ chức lại sản xuất để tiết giảm chi phí.
“Có khi đơn hàng không lớn, nó nhiều đơn hàng nhỏ. Họ yêu cầu làm phức tạp hơn mình phải cải tiến phù hợp với yêu cầu mới của khách hàng, mã hàng, chủng loại để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chứ doanh nghiệp vẫn làm như trước thì năng suất sẽ không cao” - ông Phạm Xuân Hồng nói.
Thị trường xuất khẩu ngành dệt may và sản phẩm chế biến gỗ đã phục hồi với những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế thế giới luôn có những biến động khó lường nên nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM luôn trong tư thế chủ động, linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với những thay đổi của thị trường để đạt được mục tiêu sản xuất, kinh doanh của cả năm nay.