Doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với những quy định mới từ thị trường EU
Để ứng phó với những quy định mới từ thị trường EU, các cơ quan quản lý cần có những hướng dẫn và giải pháp hỗ trợ cụ thể. Các DN cần chủ động thay đổi tư duy, chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn, bền vững...
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đang có những lợi thế lớn nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu cũng đang đứng trước những thách thức mới đến từ các chính sách Xanh của EU theo hướng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn… Một trong số những chính sách mới của EU là Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP). Kế hoạch này dự báo sẽ tác động mạnh tới thương mại toàn cầu, nhất là giao thương từ các nước đối với EU. Đồng thời đặt ra những yêu cầu mới cho các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa vào EU và các chuỗi cung ứng.
7 nhóm lĩnh vực xuất khẩu bị ảnh hưởng
Khẳng định Kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn là một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu, ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) lý giải, Thỏa thuận xanh châu Âu như một mục tiêu, một chiến lược của EU để giúp khối này giảm phát thải ròng bằng 0 sớm nhất có thể vào năm 2050. Để thực hiện được chiến lược và mục tiêu này, EU sẽ đưa ra hàng loạt các quy định, trong đó có CEAP và trong CEAP cũng sẽ có những quy định chi tiết cụ thể đối với từng nhóm hàng, từng lĩnh vực.
“CEAP sẽ có tác động đến 7 nhóm lĩnh vực chính, trong đó là có thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, nhóm về pin và nhóm về bao bì, nhóm về nhựa, dệt may, da giày cũng có sẽ bị ảnh hưởng cũng như là một số lĩnh vực khác. Do đó, các DN cần hết sức quan tâm, nhất là quy định ISPR liên quan đến thiết kế sinh thái, sản phẩm bền vững đã có hiệu lực từ tháng 7/2024. Quy định này có thể ảnh hưởng đến một số lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có dệt may và giày dép, các sản phẩm nhựa và bao bì”, ông Hưng thông tin.
Ngành dệt may Việt Nam được cho là sẽ bị ảnh hưởng và chịu tác động rõ rệt nhất từ Kế hoạch CEAP của EU. Từ phía DN, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, thị trường EU sau khi thực thi Hiệp định EVFTA tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các DN, trong đó có các DN dệt may.
Cụ thể về cơ hội, trong vòng 4 năm qua kim ngạch xuất khẩu đã tăng gần gấp đôi. Song ngành dệt may phải đối mặt với vấn đề về xuất xứ nguyên liệu, nếu như không đạt được yêu cầu này sẽ không thể thực hiện xuất khẩu vào EU theo EVFTA và hưởng lợi về thuế quan, nên đây chính là một thách thức rất lớn.
Đối với vấn đề kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh, ông Dương cho rằng, khi các DN Việt Nam hội nhập sau so với tất cả các nền kinh tế thị trường khác, nên khi thị trường đặt ra tiêu chuẩn xanh, kinh tế tuần sẽ rất tốt cho các DN. Bởi khi thị trường có yêu cầu, các DN lập tức phải chuyển đổi vì thị trường mang tính quyết định, nếu DN không đáp ứng được sẽ không thể vào được thị trường.
“Vấn đề kinh tế tuần hoàn tạo áp lực cho các DN chuyển đổi mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Quan tâm đến môi trường công nghiệp đáp ứng kinh tế tuần hoàn, những vấn đề về chuyển đổi xanh, những vấn đề chống ô nhiễm cũng vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các DN phát triển bền vững, để có thể hội nhập với tất cả trên thế giới và đáp ứng các yêu cầu của thị trường hiện nay”, ông Dương bày tỏ.
Cập nhật thông tin tạo cơ chế hỗ trợ DN
Để ứng phó với các thách thức từ thỏa thuận Xanh cũng như Kế hoạch CEAP của EU, biến điều này trở thành động lực, cơ hội cho các DN Việt Nam, ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng, các DN cần tự trang bị cho mình những thông tin đúng, chính xác và đầy đủ.
“Các DN cần thường xuyên cập nhật những thông tin quy định chính sách của EU, họ sẽ có những giai đoạn thí điểm, sau đấy họ có thể thay đổi để từ đó đưa ra chiến lược cụ thể, chi tiết. Các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương hay Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra những khuyến nghị chung, chính sách chung, chiến lược chung giúp các DN vạch ra được chiến lược cụ thể”, ông Hưng khuyến nghị.
Việc sớm triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ và việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh của DN nhằm thích ứng với Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn của EU, không chỉ giúp DN giữ vững thị phần, còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường EU, sau đó mở rộng sang các thị trường lớn, trọng điểm khác.
Vì vậy, các cơ quan quản lý cần phải hành động càng sớm càng tốt, có những hướng dẫn thống nhất và đánh giá phù hợp, có những giải pháp hỗ trợ DN cụ thể, để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không đánh mất lợi thế từ Hiệp định EVFTA và bị loại khỏi chuỗi giá trị toàn cầu.
Về phần mình, các DN cần phải chủ động thay đổi tư duy, chủ động chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn, bền vững, thích ứng tốt với Chiến lược hỏa thuận Xanh châu Âu nói chung, Kế hoạch hành động CEAP của EU, giúp DN tận dụng tối đa những lợi ích mà EVFTA mang lại.