Doanh nhân Hà Công Xã: Chọn canh tác hữu cơ vì một nền nông nghiệp bền vững
Với Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Bechamp Đắk Nông, anh Hà Công Xã đang tạo dựng một cộng đồng những người đam mê nông nghiệp hữu cơ, hướng đến sự an toàn cho người tiêu dùng, người sản xuất và môi trường.

Giám đốc Hơp tác xã Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông.
“Tôi bị bóc lột ư? Vô lý! Rẫy của tôi, sổ đỏ đứng tên tôi, làm sao tôi bị bóc lột ngay trên chính mảnh rẫy của tôi chứ?”, người nông dân phản ứng đầy hoài nghi khi nghe anh Hà Công Xã vận động tham gia Hợp tác xã (HTX) Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông.
Đáp lại, vị giám đốc sinh năm 1975 từ tốn giải thích: “Đúng! Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do anh đứng tên. Nhưng anh có quyền quyết định về giá và chất lượng khi mua phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật không? Khi bán cà phê, anh có được quyết định giá bán không? Không và không! Nếu duy trì theo kiểu mạnh ai nấy làm, thì cả đời chúng ta và cả con cháu chúng ta sẽ mãi xoay quanh điệp khúc: trồng - chặt; được mùa, mất giá”.
Giải pháp để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của canh tác nông nghiệp truyền thống, theo anh Hà Công Xã, là tự cứu lấy chính mình. “Canh tác và chế biến hữu cơ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, phân phối lợi ích hài hòa, tái tạo môi trường trong lành cho xã hội, đấy chính là lời giải”, anh nói.
Chúng tôi khao khát góp một phần sức lực để xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ Đắk Nông, thương hiệu nông sản hữu cơ Việt Nam ngày một lớn mạnh”.
- Hà Công Xã, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông
Trong quá khứ, nông dân trồng cà phê tại Đắk Song (Đắk Nông) thường sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ để làm sạch vườn, diệt sâu bệnh, sau đó bón thêm phân hóa học để tăng năng suất. Khi làm như vậy, ngoài tốn chi phí, nông dân còn tự làm hại chính mình, bởi mỗi lần phun, “thuốc cỏ, thuốc sâu ướt đầm cả người”. Anh Xã cho hay, đã có những người mắc ung thư vì tiếp xúc quá nhiều với hóa chất độc hại.
Tại HTX Bechamp Đắk Nông, nông dân được hướng dẫn canh tác dựa trên nguyên lý cân bằng hệ sinh thái của nhà khoa học Pháp, Antoinie Bechamp. Theo nguyên lý này, mầm mống của một số bệnh tật đối với con người và cây trồng bắt nguồn từ hại khuẩn. Nhưng nếu tiêu diệt hại khuẩn, thì lợi khuẩn sẽ chết theo. Mà không còn lợi khuẩn đối kháng, thì bệnh tật sẽ nhiều hơn. Vì vậy, cần phải cân bằng hệ sinh thái.
Để mỗi khu vườn đạt tới điểm cân bằng, yếu tố tiên quyết là không sử dụng các chế phẩm thuốc trừ sâu, thuốc hóa học. Mỗi thành viên HTX được hướng dẫn cách tự nhân nuôi các dòng vi sinh vật có lợi để sản xuất ra thuốc trừ nấm, trừ sâu; được truyền đạt các nguyên lý để tự ủ phân hữu cơ ngay trong vườn, vừa tiết kiệm chi phí, vừa hạn chế phát thải carbon. HTX khuyến khích nông dân trồng cây đa tầng để cân bằng hệ sinh thái, hạn chế phá vỡ cấu trúc tự nhiên của đất.
Đến nay, tất cả thành viên HTX đều nắm vững và thực hiện canh tác hữu cơ, trong đó, 1/3 số hộ trồng cà phê đạt chuẩn hữu cơ và 5 hộ đã có chứng nhận. Khi tới mùa thu hoạch, HTX thu mua cà phê từ các thành viên với giá cao hơn thị trường từ 10.000 đến 30.000 đồng/kg, tùy dòng sản phẩm.
“Rẫy vườn tuy xa nhau, nhưng tấm lòng luôn gần nhau, bởi chúng tôi tin rằng, sự minh bạch và lòng trung thực là tiền đề để xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy và lâu dài”, anh Xã khẳng định.
Quyết tâm theo đuổi nông nghiệp hữu cơ
Từng có 13 năm công tác tại Huyện ủy Đắk Song, 10 năm công tác tại Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông, năm ngoái, anh Hà Công Xã quyết định rời môi trường nhà nước để tập trung toàn bộ vào HTX Bechamp.
HTX thành lập vào tháng 5/2021, nhưng trước đó, anh đã có thời gian dài tự nghiên cứu, áp dụng các phương pháp canh tác hữu cơ vào khu vườn của nhà mình. Anh Xã chuyển đổi sang trồng cà phê theo hướng hữu cơ từ năm 2016. Đến năm 2017, 2018, sản lượng cà phê sụt giảm; số lượng cây chết lên đến hàng trăm. “Kinh tế gia đình ảnh hưởng, cũng vài lần lục đục…”, anh tâm sự.
Không nản lòng, anh tiếp tục nghiên cứu, tìm cách cải thiện. Mỗi lần thử nghiệm một giải pháp mới, anh đều tỷ mỉ chụp hình, ghi chép lại.
Kiên trì đến mức lỳ lợm, anh Xã đã tìm được con đường riêng. Đến năm 2020, khu vườn của anh gần đạt đến mức năng suất cũ, trong khi chi phí bỏ ra lại giảm bớt. Lúc này, anh nghĩ, cần tạo hiệu ứng lan tỏa, để các nông hộ khác có thể áp dụng.
Anh rủ một vài người quen thành lập HTX, nhưng do khác biệt tư duy, nên không thành. Tới năm 2021, anh Xã cùng 7 thành viên đóng góp tổng cộng 24 triệu đồng, quyết tâm thành lập HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông.
Hiện số lượng thành viên của HTX lên tới gần 50, không chỉ gồm các nông hộ, mà còn có các giáo sư, tiến sĩ nông nghiệp, giám đốc doanh nghiệp quy mô 200 nhân sự... Họ cùng hướng tới sứ mệnh thiêng liêng, đó là “dâng hiến cho đời những sản phẩm được sản xuất bằng tình cảm của cả trái tim mình”.
Với sự đóng góp của các thành viên, cả về vật chất lẫn chuyên môn, HTX Bechamp đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đạt chuẩn, gồm 2 dây chuyền khép kín, chuyên thu hoạch, chế biến trái tươi và chế biến cà phê chuyên sâu. Thương hiệu cà phê Bechamp, với các dòng sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ, đang dần tiếp cận nhiều khách hàng trong và ngoài nước.
Vừa qua, HTX đón 2 đoàn khách từ Anh và Hàn Quốc sang tìm hiểu mô hình, đặt vấn đề hợp tác. Dù thị trường sản phẩm hữu cơ nói chung và cà phê hữu cơ nói riêng vẫn chưa tạo được chỗ đứng vững chắc, do những rào cản về giá cả, nhưng đại diện Bechamp tin rằng, sẽ có một ngày, người tiêu dùng không còn ngần ngại khi lựa chọn sản phẩm hữu cơ và người nông dân không phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình.