Doanh nhân Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Unifarm: Chọn sự hài lòng của nông dân, người tiêu dùng

Trong định hướng phát triển, Unifarm không hướng tới việc trở thành công ty nông nghiệp lớn nhất về diện tích hay sản lượng. 'Chúng tôi chọn chất lượng cao nhất', ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Unifarm chia sẻ.

Doanh nhân Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Unifarm.

Doanh nhân Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Unifarm.

1.

Năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam, cả về sản xuất và xuất khẩu. Theo đó, giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm 2023. Riêng nông sản, 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD gồm rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, cao su.

“Trong đó có phần đóng góp của Unifarm”, ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Công ty cổ phần nông nghiệp U&I (Unifarm) vui vẻ chia sẻ về quả ngọt sau 16 năm “chung sống” cùng nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2024, Công ty ghi nhận mức tăng trưởng trên 50%.

Là doanh nghiệp tiên phong của Bình Dương trong thực hiện định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, năm 2009, Unifarm bắt đầu hành trình với hơn 411 ha đất ở Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương). Khi đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khái niệm vô cùng mới mẻ, còn vùng đất mà Công ty nhận giao làm dự án chỉ có gió và cỏ.

Nhưng với vị doanh nhân thế hệ 8X thì đó là nơi tốt nhất để ông gieo trồng giấc mơ tuổi thiếu thời, muốn làm được điều gì đó tốt đẹp hơn cho quê hương. Chỉ có khác, những hạt giống này không rẻ, là giống dưa lưới nhập khẩu, trồng trong nhà kính theo công nghệ của Israel, được chuyên gia từ tận Israel sang tư vấn, chăm sóc với mức lương hơn 10.000 USD/tháng.

Tháng 10/2020, Unifarm là đơn vị đầu tiên cả nước trồng dưa lưới trong nhà kính quy mô 1 ha, điều khiển bằng máy tính, công nghệ nhập khẩu từ Israel, sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP ngay từ vụ đầu tiên. Nhưng tiền thu không đủ trả lương chuyên gia.

“Tôi coi đó là chi phí cần phải bỏ ra, với suy nghĩ rất đơn giản là muốn mang chuông đi đánh xứ người, thì sản phẩm phải bán được ở sân nhà”, ông Liêm nói, không quên cảm xúc khó tả khi lần đầu tiên dưa lưới của Unifarm có mặt trên kệ siêu thị.

Hồi đó, ông kể, có thời gian rảnh là ông lại vào siêu thị, xem người tiêu dùng có yêu thích sản phẩm của mình hay không. Có thời điểm, ông như là nhân viên bán hàng, miệt mài giới thiệu thông tin sản phẩm, chọn lựa từng quả dưa cho người mua hàng...

Sau dưa lưới, ông Liêm tiếp tục thử nghiệm với hàng chục loại rau củ quả khác, với diện tích từ 1- 5 ha mỗi loại. Đồng thời, ông khảo nghiệm nhiều loại công nghệ nhập khẩu, từ Israel đến Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…

Ngay từ đầu, chiến lược phát triển của Unifarm là “một tiêu chuẩn sản phẩm cao nhất cho tất cả các thị trường”, để các mặt hàng nông sản của doanh nghiệp luôn được chấp nhận bởi tất cả các thị trường lớn, dù đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Trung Đông, cũng như phải để người tiêu dùng Việt Nam được dùng nông sản Việt với chất lượng quốc tế.

Phong trào trồng dưa lưới ở nhiều địa phương được Unifarm thúc đẩy, số lượng doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia sản xuất loại nông sản này tăng lên liên tục, tạo bàn đạp cho kế hoạch xuất khẩu của Unifarm.

2.

Giữa tháng 7/2017, Tập đoàn Dole chọn Unifarm là đối tác độc quyền tại Việt Nam. Unifarm là nhà cung ứng các sản phẩm cho Dole để xuất khẩu đến các thị trường khác. Tại Việt Nam, Unifarm trở thành đơn vị phân phối độc quyền cho Dole.

Thông tin trên khiến nhiều người bất ngờ vì trong giới kinh doanh, Dole được xem là một thương hiệu toàn cầu về chuối. Việc trở thành đối tác độc quyền tại Việt Nam của Dole đã đưa Unifarm bước lên một tầm cao mới trong xây dựng, duy trì thương hiệu Unifarm, cũng như gia tăng khả năng chinh phục thị trường quốc tế của doanh nghiệp.

Nhưng với ông Liêm và đội ngũ, đây là “quả ngọt” của chiến lược “làm đúng” của Unifarm và cả những những ngày tháng “ngậm đắng nuốt cay” của cả đội ngũ.

Ngay từ đầu, chiến lược phát triển của Unifarm là “một tiêu chuẩn sản phẩm cao nhất cho tất cả các thị trường”, để các mặt hàng nông sản của doanh nghiệp luôn được chấp nhận bởi tất cả các thị trường lớn.

Những ngày đầu, Unifarm chỉ có vài chục héc-ta đất trồng chuối, sản lượng tương đương 1 container/tuần. Để bán được hàng, họ phải “ăn dầm, nằm dề” ở Seoul (Hàn Quốc) hay Tokyo (Nhật Bản), tham gia các phiên đấu giá ở các chợ đầu mối. Lần nào cũng vậy, chuối của Unifarm bị xếp cuối, bị nhà mua hàng hờ hững dù giá luôn rẻ nhất.

Nhưng chính trong giai đoạn đó, ông Liêm hiểu hơn về thị trường, cách thức kinh doanh của đối tác và cũng xác định rõ hơn mong muốn sánh vai với các “ông lớn” trong ngành chuối.

Các quyết định đẩy mạnh đầu tư công nghệ, R&D và chiêu mộ nhân tài sau đó có mục tiêu rõ ràng. Đó là kiên trì con đường khó khăn nhất là đảm bảo chất lượng, từ quy cách, mẫu mã... đến tuân thủ tuyệt đối các quy định về thực hiện nông nghiệp tốt (GAP) cũng như yêu cầu của khách hàng về việc kiểm soát dịch hại, dư lượng thuốc.

Hiện giờ, cùng với dưa lưới, chuối là một trong những mặt hàng chủ lực của Unifarm với diện tích canh tác lên đến cả ngàn héc-ta. Thương hiệu chuối Unifarm đã tạo được uy tín đối với người tiêu dùng tại các thị trường khó tính. Quan trọng hơn, chuối của Việt Nam đã cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm của các quốc gia đứng hàng đầu về xuất khẩu chuối như Philippines, Panama

3.

Từ lâu, Unifarm đã lập một tổ kỹ thuật, tập hợp những kỹ sư giỏi, chuyên môn cao, bao gồm cả chuyên gia về chuối của Dole và chuyên gia người Philippines. Tổ có nhiệm vụ hàng tuần đi khảo sát, kiểm tra vườn cây, phát hiện tình trạng côn trùng, dịch hại và các loại bệnh trên chuối, sau đó đánh giá toàn diện về mức độ, nguy cơ, thiệt hại trên đồng ruộng để lập báo cáo, lên kế hoạch xử lý khả thi.

Vậy mà không ngờ có một ngày, Unifarm lại đối mặt với căn bệnh héo rũ Panama. “Vài năm trước, trang trại chuối 150 ha tại Dầu Tiếng của chúng tôi bất ngờ bị nhiễm bệnh. Ngay khi biết tin, tôi còn tò mò, muốn xem cây chuối nhiễm bệnh này sẽ như thế nào. Tuy nhiên, ảnh hưởng vượt ngoài tầm kiểm soát, dù chúng tôi đã nỗ lực cách ly vùng nhiễm bệnh”, ông Liêm chia sẻ.

Lần đó, toàn bộ diện tích vùng trồng rơi vào tình trạng không thể cứu vãn, không có lời giải “trị bệnh” nào được đưa ra, thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, trong lúc nước sôi lửa bỏng, ông Liêm quyết định không can thiệp gì, theo dõi vườn chuối bị bệnh Panama nặng trong vòng 3 tháng.

“Kết quả là cứ 100 cây thì chỉ 1 cây sống sót. Chúng tôi lấy cây chuối này về, làm thử nghiệm phát triển trong phòng nuôi cấy mô. Sau đó tiếp tục nhân giống thêm 100 cây, trồng ra đất bị nhiễm bệnh Panama. Thời gian đầu, trồng 100 thì chết gần 99. Chúng tôi lặp lại quy trình ban đầu, nhân giống, trồng, chết... Cứ như thế, sau 4 năm, trồng 100 cây thì sống cả 100, vậy là đã có giống chuối kháng được bệnh Panama”, Chủ tịch Unifarm hào hứng.

Tất nhiên, trong 4 năm đó, Unifarm đã dành khá nhiều nhân lực, vật lực để đầu tư một trung tâm nghiên cứu giống hiện đại tại Long An. Giống chuối kháng bệnh có tỷ lệ chống chịu bệnh lên đến 90% tại những khu đất có lịch sử nhiễm bệnh của Unifarm ra đời, minh chứng cho sự lựa chọn đầu tư cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Hiện tại, ông Liêm cho biết, đang thử nghiệm mô hình trồng chuối hữu cơ trong nhà kính cao với diện tích 20 ha. Trong đó, cây trồng không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, Unifarm sử dụng các chế phẩm sinh học.

Kết quả ban đầu cho thấy, cây chuối đã phát huy hết tính năng ưu việt của giống và cho ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp nhờ tránh được mưa, duy trì độ ẩm ổn định, hạn chế sâu bệnh, côn trùng, nấm gây hại giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Cùng với hệ thống nhà kính, việc tưới bằng công nghệ thông minh vừa tiết kiệm, vừa chủ động, việc quản lý cây chuối dựa trên dữ liệu số giúp tối ưu hóa quá trình chăm sóc và sản xuất. Khi mô hình này được áp dụng thành công và mở rộng, chất lượng và độ an toàn của sản phẩm sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh cho Unifarm trong tương lai.

Nhưng khi chia sẻ về định hướng sắp tới, ông Liêm vẫn nhấn mạnh, Unifarm không hướng tới việc trở thành công ty nông nghiệp lớn nhất về diện tích hay sản lượng. “Chúng tôi mong muốn phát triển nền nông nghiệp Việt Nam và mang lại sự hài lòng cho nông dân và người tiêu dùng”, ông Liêm nói.

Tôn Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-pham-quoc-liem-chu-tich-unifarm-chon-su-hai-long-cua-nong-dan-nguoi-tieu-dung-d242739.html