Doanh nhân thời đại mới: Từ khát vọng cá nhân đến sứ mệnh quốc gia
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới với khát vọng trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Nghị quyết 68-NQ/TW ra đời như một cú hích chiến lược để phát huy vai trò tiên phong của kinh tế tư nhân. Không chỉ mang sứ mệnh tạo đột phá kinh tế, Nghị quyết 68-NQ/TW còn nâng tầm chuẩn mực đạo đức kinh doanh, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân, kiến tạo một nền kinh tế tự chủ, bền vững và giàu bản sắc.
Xây dựng đạo đức kinh doanh để bước ra thế giới
Khi khát vọng vươn lên trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 đã trở thành mục tiêu chung, một câu hỏi cấp thiết đặt ra: Làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam không chỉ lớn mạnh về quy mô, mà còn vươn tầm, khẳng định vị thế trên trường quốc tế? Câu trả lời, tưởng như phức tạp, hóa ra lại bắt đầu từ điều căn bản nhất: đạo đức kinh doanh.

img7178-17389946061121264384835-1- (1)
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”; đồng thời đặt ra yêu cầu nâng cao chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, coi đây là “chìa khóa vàng” để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công. Nghị quyết cũng xác lập bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp tư nhân theo chuẩn quốc tế gồm: tuân thủ pháp luật, giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách nhà nước, tham gia hoạt động an sinh xã hội. Điều này càng có ý nghĩa khi đặt cạnh tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác lập pháp, nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt qua việc chuẩn hóa hành lang pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đạo đức kinh doanh là nền tảng để xây dựng niềm tin - tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp trong thời đại hội nhập. Theo Báo cáo Niềm tin Edelman Trust Barometer (2024), có tới 63% người tiêu dùng toàn cầu sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm, dịch vụ của những doanh nghiệp họ tin tưởng. Đáng chú ý, trong số các yếu tố xây dựng niềm tin, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh ngày càng chiếm vị trí nổi bật. Điều này cho thấy, khi doanh nghiệp đặt lợi ích cộng đồng song hành cùng lợi nhuận, họ không chỉ củng cố hình ảnh, mà còn mở ra cơ hội thâm nhập thị trường, mở rộng mạng lưới đối tác, thu hút nhân tài và nguồn vốn đầu tư.
Trong các nền kinh tế phát triển, đạo đức kinh doanh luôn được coi là trụ cột. Nhật Bản - quốc gia nổi tiếng với khái niệm “Monozukuri” (nghệ thuật chế tác), không chỉ chú trọng chất lượng sản phẩm, mà còn gắn với sự tận tâm, tôn trọng khách hàng và môi trường. Hay Đức - cường quốc công nghiệp châu Âu, nơi “Made in Germany” đã trở thành biểu tượng toàn cầu của uy tín, một phần nhờ văn hóa kinh doanh lấy trách nhiệm xã hội làm trung tâm. Ở Mỹ, các tập đoàn như Microsoft, Apple, Google đều đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm cho các quỹ từ thiện, phát triển cộng đồng, nâng cao hình ảnh thương hiệu bền vững. Những bài học ấy nhắc nhở doanh nghiệp Việt Nam rằng, để bước ra biển lớn, không thể chỉ mang theo khát vọng, mà phải mang theo cả những giá trị chuẩn mực.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều thách thức. Theo Tổng điều tra kinh tế 2024, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vẫn coi nhẹ yếu tố đạo đức kinh doanh, tập trung ngắn hạn vào lợi nhuận, thiếu chiến lược bền vững. Đây là “gót chân Achilles” cản trở sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân. Vì thế, thúc đẩy đạo đức kinh doanh cần trở thành một phong trào xã hội, một “chuẩn mực mới” được lan tỏa từ giáo dục, truyền thông, đến chính sách.
Nghị quyết 68-NQ/TW kêu gọi khẩn trương đưa chương trình đào tạo khởi nghiệp, kinh doanh vào các cơ sở giáo dục, nhằm sớm hình thành tư duy kinh doanh có đạo đức trong giới trẻ. Điều này hết sức cấp thiết. Một thế hệ doanh nhân trẻ chỉ giỏi làm giàu nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm xã hội, thiếu bản lĩnh tuân thủ pháp luật, không thể tạo ra một nền kinh tế bền vững. Ngược lại, một thế hệ doanh nhân mang trong mình khát vọng vươn lên, gắn bó với cộng đồng, trân trọng giá trị lao động, sáng tạo sẽ là những người dẫn đường đưa Việt Nam bứt phá.
Khi đạo đức kinh doanh trở thành nền tảng, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ chinh phục niềm tin trong nước, mà còn có thể bước ra thế giới, trở thành những thương hiệu quốc gia đáng tự hào. Đó không chỉ là câu chuyện của một vài tên tuổi lớn, mà phải là chuyển động đồng bộ của cả cộng đồng doanh nghiệp, từ siêu nhỏ, nhỏ, vừa đến lớn. Đó cũng không chỉ là nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, từ người tiêu dùng, các hiệp hội, truyền thông, đến cơ quan quản lý nhà nước.
Từ mưu cầu lợi nhuận đến sứ mệnh quốc gia
Theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW, doanh nhân Việt Nam được gọi là “người lính trên mặt trận kinh tế”. Trong chiến tranh, những người lính đã xả thân vì độc lập, tự do; trong thời bình, doanh nhân chính là lực lượng tiên phong kiến tạo việc làm, đổi mới công nghệ, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia. Đặc biệt, Nghị quyết 68-NQ/TW gửi gắm một thông điệp lớn: đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới tư duy, chuyển mình từ mưu cầu lợi nhuận đơn thuần sang gánh vác một sứ mệnh lớn lao hơn - sứ mệnh quốc gia.
Trên thế giới, những quốc gia đi lên mạnh mẽ đều có một tầng lớp doanh nhân không chỉ giỏi kiếm tiền, mà còn mang trên vai khát vọng dân tộc. Doanh nhân Nhật Bản sau chiến tranh đã vực dậy một đất nước đổ nát thành cường quốc công nghiệp. Doanh nhân Hàn Quốc đã góp phần đưa xứ kim chi trở thành biểu tượng của công nghiệp hóa và sáng tạo toàn cầu. Doanh nhân Israel biến một đất nước khô cằn thành “quốc gia khởi nghiệp” nhờ dấn thân vào những lĩnh vực đầy rủi ro như công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Những tấm gương ấy chính là bài học quý giá cho doanh nhân Việt Nam hôm nay.
Để nâng tầm doanh nhân Việt, không thể thiếu vai trò của Nhà nước, xã hội và chính cộng đồng doanh nghiệp. Nhà nước cần tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định, khuyến khích sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - đúng tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác lập pháp. Các hiệp hội doanh nghiệp cần trở thành “ngôi nhà chung” để chia sẻ tri thức, kết nối nguồn lực, lan tỏa giá trị tốt đẹp. Truyền thông xã hội cần tôn vinh đúng mực những doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo, có trách nhiệm xã hội, thay vì chỉ chạy theo những câu chuyện giật gân, bề nổi.
Nhưng quan trọng hơn cả, chính mỗi doanh nhân phải tự làm mới mình: học hỏi không ngừng, từ quản trị đến công nghệ, từ tri thức toàn cầu đến văn hóa kinh doanh chuẩn mực; nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng đội ngũ nhân sự tinh hoa, tạo dựng uy tín với khách hàng, đối tác; chủ động đón nhận chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ESG (quản trị - xã hội - môi trường) như một phần trong chiến lược phát triển dài hạn. Và hơn hết, doanh nhân Việt cần giữ vững bản lĩnh, giữ lửa khát vọng, gắn lợi ích doanh nghiệp với lợi ích quốc gia, không quên trách nhiệm cộng đồng, gìn giữ đạo đức kinh doanh, trung thực, liêm chính.
Đổi mới tư duy doanh nhân Việt Nam - từ mưu cầu lợi nhuận đến sứ mệnh quốc gia là một con đường tất yếu để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khẳng định mình trên sân chơi quốc tế, góp phần hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường, thịnh vượng” vào năm 2045. Đó cũng chính là lời cam kết cao đẹp nhất của thế hệ doanh nhân hôm nay gửi tới thế hệ mai sau: một đất nước không chỉ giàu có về của cải, mà còn giàu lòng tự hào, giàu ý chí, giàu khát vọng vươn lên. Khi mỗi doanh nhân đều ý thức mình là một “người lính trên mặt trận kinh tế,” đất nước sẽ có một đội quân hùng hậu những con người bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm - những người sẵn sàng đương đầu với sóng gió thương trường, nhưng vẫn giữ trong tim mình một ngọn lửa nhân ái, một khát vọng cống hiến.
Chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng cũng tràn đầy cơ hội. Và chính những doanh nhân đổi mới tư duy, mang trong mình sứ mệnh quốc gia, sẽ là những người viết tiếp câu chuyện kỳ diệu của một Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ trong thế kỷ XXI. Bởi rốt cuộc, làm doanh nhân không chỉ là một nghề nghiệp, mà là một sứ mệnh. Một sứ mệnh mang tên: Việt Nam.