Đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm, sẽ tạo cú hích quan trọng và mạnh mẽ để khu vực tư nhân có thể phát triển, trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm.

Thưa Thứ trưởng, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Điều này có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân nói riêng và cả nền kinh tế nói chung?

Đây là nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, nhưng đồng thời cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, bối cảnh thế giới biến động khôn lường.

Phát triển kinh tế tư nhân, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, chính là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng. Nghị quyết 68-NQ/TW, với những đột phá về tư duy, thể chế, chính sách…, sẽ tạo cú hích quan trọng và mạnh mẽ để khu vực tư nhân có thể phát triển, trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Những đột phá đó là gì, thưa Thứ trưởng?

Đột phá lớn nhất và có ý nghĩa then chốt, theo tôi, đó là Nghị quyết 68-NQ/TW đã khẳng định, kinh tế tư nhân “là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, “là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cấu trúc nền kinh tế”. Cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế hiệu quả.

Có thể nói, Nghị quyết đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo cốt lõi, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân. Ngoài việc khẳng định khu vực tư nhân là một động lực quan trọng nhất, Nghị quyết cũng chỉ ra rằng, xóa bỏ triệt để mọi định kiến về kinh tế tư nhân, đánh giá đúng vai trò quan trọng của khu vực này. Đồng thời, xác định phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả và chất lượng cao là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển quốc gia nhằm giải phóng mọi tiềm năng, nguồn lực cho phát triển.

Nghị quyết cũng đã chỉ rõ, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế cho khu vực tư nhân phát triển. Đồng thời, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò kiến tạo của Nhà nước trong phát triển khu vực tư nhân...

Từ những quan điểm chỉ đạo cốt lõi này, sẽ có những thể chế, chính sách đột phá để khu vực tư nhân có thể phát huy tối đa tiềm năng, trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế vươn ra thị trường quốc tế.

Vậy phải làm gì để khu vực tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất và đạt được những mục tiêu cụ thể đã đặt ra, như đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu?

Như tôi đã nói ở trên, sẽ có những thể chế, chính sách đột phá. Nghị quyết 68-NQ/TW đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, bao trùm các khía cạnh từ nhận thức, thể chế, nguồn lực đến khoa học - công nghệ và phát triển đội ngũ doanh nhân.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp này bao gồm đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động, khởi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân; cải cách thể chế, bảo vệ quyền tài sản và tự do kinh doanh; tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực (đất đai, vốn, nhân lực); thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp; hình thành và phát triển doanh nghiệp lớn, tập đoàn tư nhân tầm cỡ; hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần doanh nhân.

Trong các nhóm giải pháp này, tôi cho rằng, có nhiều thể chế, chính sách mang tính đột phá, sẽ góp phần quan trọng đưa khu vực tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Tôi lấy ví dụ, Nghị quyết xác định, đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật theo cơ chế thị trường, giảm can thiệp hành chính, cơ chế “xin - cho”. Đồng thời, đảm bảo quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm…

Lâu nay, chúng ta vẫn luôn nhấn mạnh việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, nhưng trong thực tế, không phải lúc nào cũng làm được điều đó. Lần này, Nghị quyết 68-NQ/TW xác định sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Nghị quyết cũng chỉ rõ, trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự, thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp… Tôi cho rằng, đây là một trong những cải cách rất quan trọng.

Hay về việc hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, Nghị quyết xác định mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia. Nhà nước sẽ chủ động có chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc có chính sách ưu đãi, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia… Đây cũng là một trong những cải cách có ý nghĩa chiến lược, nếu chúng ta muốn khu vực tư nhân mau lớn, có thể tham gia giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia…

Rất nhiều ví dụ như vậy. Phải nói rằng, chưa bao giờ chúng ta có một hệ thống các nhóm giải pháp, thể chế, chính sách toàn diện, bao trùm, đột phá như vậy, bao gồm cả việc hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số, đặc biệt là công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa, thương mại điện tử..., để phát triển khu vực tư nhân. Thực hiện các nhóm giải pháp, thể chế, chính sách này, chúng ta sẽ khơi thông được các điểm nghẽn, tháo gỡ rào cản thể chế, tạo được môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch để kích hoạt, huy động tối đa nguồn lực trong dân, khai thác tiềm năng, trí tuệ và tinh thần kinh doanh; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao sức cạnh tranh của khu vực tư nhân trong kỷ nguyên mới.

Nhưng thưa Thứ trưởng, đó là những nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm được đề ra trong Nghị quyết 68/NQ-TW. Điều quan trọng là, chúng ta sẽ triển khai trong thực tế như thế nào?

Ngay trong Nghị quyết, Bộ Chính trị cũng đã giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo xây dựng trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt ngay trong Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, vừa chính thức khai mạc hôm 5/5. Đồng thời, xây dựng Chương trình Hành động triển khai thực hiện Nghị quyết. Đây là những việc cần làm ngay.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Đảng ủy Quốc hội kịp thời thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách nêu tại Nghị quyết này và bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân ngay trong Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, với các cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể, khả thi, hiệu quả.

Nhiệm vụ là khó khăn, khối lượng công việc rất lớn, nhưng tôi tin, chúng ta có thể làm được. Phải làm vì sự phát triển của khu vực tư nhân, vì sự phát triển của nền kinh tế, của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dua-kinh-te-tu-nhan-tro-thanh-mot-dong-luc-quan-trong-nhat-cua-nen-kinh-te-d278918.html