GS Hoàng Văn Cường: Xử lý hành chính doanh nghiệp tư nhân thay vì hình sự sẽ tốt hơn

'Với Nghị quyết 68, chúng ta kỳ vọng sẽ hình thành lên các 'cánh chim đầu đàn', từ đó lôi kéo các doanh nghiệp khác cùng đi theo, tạo ra một liên kết các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển' đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.

Nghị quyết 68-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành về phát triển kinh tế tư nhân đã xác định đây là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đáng chú ý, Bộ Chính trị yêu cầu giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Người dân, doanh nghiệp (DN) được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm.

Sẵn sàng chấp nhận rủi ro, tiếp cận những cái mới

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội – GS.TS Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban kinh tế - tài chính của Quốc hội, nhấn mạnh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) là khu vực có vị thế rất quan trọng trong nền kinh tế.

Ở Việt Nam, KTTN chiếm trên 80% lực lượng lao động; số lượng DN tư nhân cũng chiếm đại đa số. “Đây là tiềm năng rất lớn mà chúng ta cần khai thác, huy động để tạo ra sự phát triển” – ông Cường nói và cho rằng điều này càng quan trọng khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển vươn mình.

 Đại biểu Quốc hội – GS.TS Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban kinh tế - tài chính của Quốc hội, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về Nghị quyết 68. Ảnh: NT

Đại biểu Quốc hội – GS.TS Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban kinh tế - tài chính của Quốc hội, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về Nghị quyết 68. Ảnh: NT

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, khu vực KTTN có ưu thế là sẵn sàng chấp nhận rủi ro, sẵn sàng tiếp cận những cái mới. Đây cũng là khu vực chúng ta trông đợi sẽ trở thành lực lượng tiên phong, đi đầu trong ứng dụng những thành tựu mới của công nghệ. Nghị quyết 68 ra đời nhằm huy động hết những tiềm năng, lợi thế của KTTN để tạo ra sự phát triển vươn mình của đất nước.

Ông phân tích: Trong Nghị quyết 10 năm 2017, KTTN cũng được xác định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế và đến Nghị quyết 68 thì vai trò của KTTN được nâng lên một tầm mới. Nghị quyết này cũng được kỳ vọng là cú hích quan trọng để thúc đẩy khối KTTN phát triển.

“Rõ ràng những kỳ vọng rất lớn vào KTTN đã được khẳng định trong Nghị quyết 68” – ông Cường nói và khẳng định để đạt được mục tiêu đề ra, chúng ta cần hành động ngay từ bây giờ, trong đó đặc biệt cần rà soát, hoàn thiện các khung pháp lý liên quan KTTN.

“Việc của chúng ta bây giờ là phải hành động”

Bên cạnh việc khẳng định vị thế, vai trò của KTTN, ông Hoàng Văn Cường cho biết Nghị quyết 68 cũng chỉ ra những mục tiêu cần đạt được, những giải pháp cần hành động, đặc biệt là vấn đề thể chế để tạo ra các đột phá. “Nghị quyết đã chỉ ra, việc của chúng ta bây giờ là phải hành động”– ĐB Cường nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Văn Cường, đầu tiên phải thể chế hóa những đường hướng, tư tưởng trong Nghị quyết 68 thành các khuôn khổ luật pháp. Những nội dung nào thuộc các luật đang được đưa ra sửa đổi tại kỳ họp 9 này thì cần lồng ngay vào những tư tưởng của Nghị quyết 68. Đồng thời, đề xuất Quốc hội có một nghị quyết riêng về phát triển KTTN.

Nghị quyết 68 cũng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là xóa bỏ tư duy xin - cho, không quản được thì cấm. Để hiện thực hóa tinh thần này, ông Cường cho rằng các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi, hỗ trợ cho KTTN phát triển. Khi chuyển từ tư duy quản lý cho phép sang tư duy kiến tạo thì trách nhiệm của các cơ quan nhà nước là phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt xem DN, doanh nhân cần gì và phải đáp ứng, giải quyết những yêu cầu đó.

“Đây là một thay đổi căn bản về tư duy quản lý, như vậy các khuôn khổ luật pháp, các công cụ quản lý cũng phải thay đổi” – ông Cường đánh giá.

 Các doanh nghiệp tư nhân nếu cùng bắt tay, liên kết với nhau sẽ tạo ra một sức mạnh rất lớn.

Các doanh nghiệp tư nhân nếu cùng bắt tay, liên kết với nhau sẽ tạo ra một sức mạnh rất lớn.

Xóa bỏ những thủ tục hành chính rườm rà để DN lớn lên

Hiện chúng ta đang có những thay đổi đồng bộ hệ thống luật pháp, như dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đã chuyển đổi cơ chế quản lý. Cán bộ, công chức không phải ngồi làm việc theo vị trí được bố trí, mà phải hoàn thành công việc, nếu không sẽ bị loại loại khỏi bộ máy, tức là không còn chuyện "công chức suốt đời".

Một điểm đáng lưu ý, Nghị quyết 68 đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ hộ kinh doanh phát triển thành DN. Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Cường cho rằng khó khăn nhất của nhóm này là nguồn lực hạn chế, khả năng cạnh tranh theo cơ chế thị trường để tiếp cận nguồn lực đó cũng luôn bị hạn chế.

“Trong nghị quyết nêu rõ cần có cơ chế, chính sách để tạo cơ hội cho những DN này tiếp cận được các nguồn lực” – đại biểu Cường nói và dẫn chứng các địa phương, các khu công nghiệp phải dành một tỉ lệ nhất định về nguồn lực đất đai hỗ trợ những DN này. Thậm chí, tùy vào điều kiện của địa phương có thể hỗ trợ về thuế đất, tạo quỹ cho DN tiếp cận vốn (vốn tín dụng, vốn cho vay, ưu đãi thuế…)

“Đây sẽ là những chính sách giúp khu vực KTTN có điều kiện về nguồn lực để phát triển” – ông Hoàng Văn Cường nói và nhìn nhận điều này cũng nhằm tránh tình trạng cơ chế làm cản trở các DN, đặc biệt là các hộ gia đình không muốn phát triển thành DN.

Chẳng hạn, nếu là kinh doanh hộ gia đình thì không mất các chi phí nhân công, ghi chép sổ sách nhưng nếu chuyển lên DN thì sẽ phải kê khai thuế dù không có doanh thu… “Vô hình chung điều này đã làm tăng thêm chi phí hoạt động, không mang lại lợi ích cho DN và khiến họ e ngại”– ông Cường phân tích và khẳng định cần xóa bỏ những thủ tục hành chính rườm rà để DN lớn lên.

Chỉ ra điểm yếu nhất của DNTN hiện nay, ông Hoàng Văn Cường cho rằng DNTN khi đứng một mình thì có thể “nhỏ bé” nhưng nếu biết bắt tay, liên kết với nhau sẽ tạo ra một sức mạnh rất lớn.

“Với Nghị quyết vừa được Bộ Chính trị ban hành, chúng ta kỳ vọng sẽ hình thành lên các “cánh chim đầu đàn” và từ cánh chim đầu đàn ấy sẽ lôi kéo các DN khác đi theo, tạo ra một liên kết các DN cùng nhau phát triển”– theo ông Cường.

Ưu tiên áp dụng hành chính thay hình sự là có cơ sở

GS-TS Hoàng Văn Cường nhìn nhận tư tưởng ưu tiên dùng biện pháp hành chính, dân sự, kinh tế thay thế hình sự mà Bộ Chính trị đề ra là có cơ sở, không phải nương nhẹ cho doanh nghiệp tư nhân. Bởi về nguyên tắc, những gì ở giữa ranh giới thì cần lựa chọn cách xử lý tốt hơn.

Ông cũng cho rằng bản chất là doanh nhân, doanh nghiệp tạo ra nguồn lực, việc làm cho xã hội, nếu xử lý hình sự, họ sẽ không có cơ hội làm lại, điều kiện bù đắp thiệt hại về kinh tế. Trong khi đó, nếu ưu tiên biện pháp xử lý về kinh tế, sẽ có lợi nhiều hơn cho nền kinh tế và cho xã hội.

Cạnh đó, pháp luật hiện nay không đánh đồng trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân doanh nghiệp. Xử lý cá nhân sai phạm không có nghĩa bắt doanh nghiệp phải đóng cửa. Chính vì vậy, Nghị quyết 68 cũng yêu cầu khi xử lý những quan hệ của cá nhân thì quyền, quan hệ của họ trong hoạt động của doanh nghiệp cần bóc tách ra, để không ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

*****

Cơ hội cho doanh nghiệp trẻ vươn lên

Nghị quyết 68 đã tạo động lực mạnh mẽ, thổi luồng gió mới nhằm khích lệ khối DN, doanh nhân đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế, đặc biệt là DN trẻ.

Đặc biệt là yêu cầu tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm, bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các DN, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại…

Điều này sẽ giúp các DNTN yên tâm, mạnh dạn dấn thân vào đầu tư, kinh doanh mà ở đó có thể có những mạo hiểm, thất bại… Tuy nhiên, từ những thất bại đó họ sẽ có cơ hội được bù lại bằng việc tiếp tục đầu tư cho sản kinh doanh, bằng làm ăn kinh tế. DN cũng không còn lo ngại chuyện khi chẳng may làm sai sẽ bị xử lý hình sự, không còn cơ hội làm lại.

Đây sẽ là động lực rất mạnh để các DN, doanh nhân hăng hái, mạnh dạn tiến lên.

Đại biểu Quốc hội HOÀNG VĂN CƯỜNG

NGỌC MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/gs-hoang-van-cuong-xu-ly-hanh-chinh-doanh-nghiep-tu-nhan-thay-vi-hinh-su-se-tot-hon-post848635.html