Doanh nhân trẻ vươn mình qua đại dịch

3 doanh nhân trẻ của Lâm Đồng tại Lễ tuyên dương và trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2021

3 doanh nhân trẻ của Lâm Đồng tại Lễ tuyên dương và trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2021

Năm 2021, trong số 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc được Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bình chọn, tỉnh Lâm Đồng có 3 gương mặt đại diện. Không chỉ là những cá nhân nổi bật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình, họ còn là những nhân tố tích cực tham gia công tác xã hội, mang lại giá trị tích cực đối với cộng đồng.

Dẫu trải qua 2 năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng trong cuộc trò chuyện trước thềm năm mới, bên cạnh những cách thức đã thực hiện để vững vàng bước qua đại dịch, ai nấy trong số họ đều có những chia sẻ về bước phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực mới.

Anh Lưu Lập Đức

Anh Lưu Lập Đức

LƯU LẬP ĐỨC - Phó Giám đốc Công ty TNHH Agri Đức Tiến: Vừa tham gia phòng, chống dịch, vừa hỗ trợ giải cứu nông sản cho nông dân

Câu chuyện của Lưu Lập Đức - chàng trai người Tày sinh năm 1992 với quá trình khởi nghiệp từ nông sản địa phương đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ trên mảnh đất Nam Tây Nguyên những năm trở lại đây.

Những ngày dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp mà thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) - nơi Đức sống liên tục là vùng có nguy cơ cao, anh tất bật giữa việc tham gia phòng, chống dịch cùng địa phương, vừa giải cứu hàng trăm tấn nông sản cho nông dân.

Theo đó, Công ty Agri Đức Tiến bán nông sản với giá bình ổn cho các đơn vị thuộc nhiều tỉnh, thành để hỗ trợ các vùng giãn cách xã hội, các bệnh viện điều trị COVID-19. Ngoài ra, với các đơn vị mua hàng để hỗ trợ vùng dịch, cứ mua 10 tấn, Đức tặng thêm 1 - 2 tấn. Đến nay, cùng với việc dự đoán tình hình dịch bệnh để sắp xếp, điều hành kế hoạch sản xuất một cách phù hợp, Lưu Lập Đức vẫn đảm bảo quá trình sản xuất của công ty và 20 hộ nông dân trong tổ hợp tác sản xuất của công ty đạt khoảng 70% sản lượng so với bình thường.

Những ngày cuối năm, Lưu Lập Đức cùng các cộng sự của mình tất bật khảo sát những vườn củ dền liên kết với nông dân, chuẩn bị cho những lô hàng xuất khẩu sang Singapore. Kế thừa kinh nghiệm, uy tín của người đi trước, liên tục học hỏi, đổi mới để phù hợp với sự chuyển động của thị trường, đó là cách mà chàng trai dân tộc Tày vẫn luôn áp dụng để ngày càng khẳng định và nâng cao giá trị nông sản cho địa phương. Và, nụ cười của anh vẫn luôn rạng rỡ trên ruộng vườn, hòa cùng niềm vui chung của những người nông dân trong nắng mùa xuân mới.

Chị Nguyễn Thị Mến

Chị Nguyễn Thị Mến

NGUYỄN THỊ MẾN - Giám đốc Công ty TNHH DaLaVi: Linh hoạt thích ứng để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng

Chị Nguyễn Thị Mến được biết đến là một trong những người tiên phong đưa đặc sản Đà Lạt lên sàn thương mại điện tử, khi từ năm 2012, chị đã quyết định thành lập thương hiệu DaLaVi, mua tên miền và thành lập website dacsandalat.com.vn. Cùng với đó, chị thực hiện nhiều dự án con với các sản phẩm như hongdalat.com, dautaydalat.vn, maccalamdong.vn, nongsandalat.net,...

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hai năm qua, chị Mến càng thấy rằng con đường mình lựa chọn là đúng đắn. DaLaVi hoạt động theo mô hình khởi nghiệp tinh gọn, nhân sự không bị lúng túng giúp công ty thay đổi nhanh để phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Trong đợt dịch vừa qua, nhận thấy khách hàng quan tâm hơn đến các sản phẩm phục vụ cho sức khỏe như trà, cao atiso, trái cây tươi, rau, củ, quả,...; DaLaVi đã linh hoạt áp dụng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa thị trường. Tại thời điểm nhiều người dân gặp khó khăn để mua rau, củ trong tình hình dịch bệnh, công ty đưa ra các gói combo rau, củ, quả phục vụ đến từng hộ gia đình và cung cấp số lượng lớn cho các doanh nghiệp. Sản lượng rau, củ, quả mà Công ty TNHH DaLaVi tiêu thụ được trong cao điểm dịch bệnh là hơn 100 tấn, với 3 thị trường chính là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội.

Hiện, DaLaVi đang liên kết với hơn 500 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận. Với hệ thống nông trại, nhà vườn được đầu tư và liên kết có chiều sâu, DaLaVi dần trở thành đối tác cung ứng nông sản Đà Lạt tươi, sạch với số lượng lớn dành cho các đối tác.

Không chỉ là nữ doanh nhân góp phần tạo được vị thế của nông sản Đà Lạt trên thị trường trong nước và quốc tế, chị Nguyễn Thị Mến còn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng và tích cực với các hoạt động xã hội. Trong đợt dịch vừa qua, chị Mến cũng như DaLaVi đã hỗ trợ, kết nối tiêu thụ hơn 100 tấn nông sản gửi đến bà con khó khăn vùng dịch, các bếp ăn dã chiến nấu ăn cho các y, bác sỹ tuyến đầu chống dịch…

Anh Phạm Hoàng Khánh Vũ

Anh Phạm Hoàng Khánh Vũ

PHẠM HOÀNG KHÁNH VŨ - Giám đốc Công ty TNHH Giác quan Đà Lạt: Tôi và doanh nghiệp “lớn” nhanh hơn sau đại dịch

“Lớn” ở đây theo giải thích của vị giám đốc trẻ, là chính trong khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, anh nhìn ra được “điểm mù” cũng như điểm mạnh của mình để từ đó linh hoạt thích ứng với tình hình mới.

Sau 7 năm mải miết tìm kiếm cơ hội nơi xứ người, Phạm Hoàng Khánh Vũ (sinh năm 1987) quyết định trở về Đà Lạt - quê hương mình để vươn đến ước mơ thành lập Agency (Công ty dịch vụ truyền thông quảng cáo) chuyên về xây dựng thương hiệu, với tên gọi Công ty TNHH Giác quan Đà Lạt (Sense Dalat).

Khi Sense Dalat vừa bắt đầu gặt hái được những “trái ngọt” và tạo dựng được uy tín trên thị trường thì cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội cũng như hoạt động kinh doanh, vận hành của các đơn vị, doanh nghiệp.

Nhưng từ trong chính khó khăn, Vũ nhận ra giá trị mình đang và muốn có. Vì thế, thay vì cố gắng đeo đuổi đam mê, chàng CEO trẻ nỗ lực tối đa để duy trì những yếu tố sống còn, mà cụ thể là duy trì đội ngũ nhân lực - tài sản quý của doanh nghiệp; tái cơ cấu và tập trung khai thác thế mạnh, mô hình kinh doanh mới, bảo toàn năng lượng để duy trì khả năng lãnh đạo của bản thân.

Mới đây, trong Triển lãm ảo Internet Expo 2021 với 350 gian hàng trong nước, quốc tế và sự tham gia của 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu, Phạm Hoàng Khánh Vũ đại diện cho nhóm doanh nghiệp trẻ vận hành dưới 5 năm nói lên những khó khăn cũng như hành trình “vượt cạn” của doanh nghiệp trước ảnh hưởng của đại dịch.

Nhìn lại quá trình khởi nghiệp của mình, Vũ bảo rằng mình luôn may mắn khi nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía mọi người. Chính vì thế, hằng năm, Vũ và công ty luôn dành một khoản lợi nhuận để tạo lập các giá trị nhân đạo hướng về cộng đồng: mở bếp ăn tình thương với hàng trăm suất ăn miễn phí mỗi ngày, làm cầu nối cho nhiều chuyến xe nông sản nghĩa tình đến với người dân vùng tâm dịch…

Và thay vì phải đóng cửa như nhiều công ty khởi nghiệp khác trong ngành dịch vụ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Phạm Hoàng Khánh Vũ đón niềm vui năm mới 2022 bằng việc mở thêm một công ty hoạt động trong lĩnh vực thực tế ảo, tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên nền tảng số để cùng nhau vượt qua những khó khăn của đại dịch dự báo sẽ còn kéo dài.

VIỆT QUỲNH - HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/bao-xuan-2022/202202/doanh-nhan-tre-vuon-minh-qua-dai-dich-3101725/