Doanh số bán lẻ cản bước giới đầu tư
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên ngày thứ Tư (17/1), sau khi dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 12 đã khiến kỳ vọng sớm giảm lãi suất của Fed bị suy yếu.
Dữ liệu cho thấy mức chiết khấu tốt hơn từ các nhà bán lẻ và việc gia tăng mua xe ô tô đã hỗ trợ doanh số bán lẻ của Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tháng 12/2023, củng cố thêm nền tảng vững chắc cho nền kinh tế trong năm 2024 này. Điều này khiến quan điểm Fed có thể sớm cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 3 trở nên mờ nhạt hơn.
Cụ thể, doanh số bán lẻ ở Mỹ trong tháng 12/2023 đã tăng 0,6% so với tháng trước. Dữ liệu này tiếp nối mức tăng 0,3% được ghi nhận vào tháng 11 và cao hơn dự báo về mức tăng 0,4%.
Trong khi đó, một số quan chức Fed đã phản đối ý tưởng cắt giảm lãi suất sắp xảy ra. Thống đốc Fed Christopher Waller hôm thứ Ba cho biết, ngân hàng trung ương không nên vội vàng cắt giảm lãi suất cho đến khi có nhiều tín hiệu rõ ràng hơn về việc lạm phát sẽ được duy trì ở mức thấp.
Kỳ vọng của các nhà giao dịch về việc Fed cắt giảm lãi suất 0,25% vào tháng 3 đã giảm xuống 55%, từ mức khoảng 60% trước khi dữ liệu trên được công bố.
Bước sang tháng đầu tiên của năm 2024, đà tăng gần 14% của Phố Wall trong hai tháng cuối năm 2023 đang dần bị thu hẹp, khi Fed tiếp tục hạ thấp dự báo về một khởi đầu nhanh chóng cho chu kỳ nới lỏng chính sách.
Kết thúc phiên 17/1: Chỉ số Dow Jones giảm 94,45 điểm (-0,25%), xuống 37.266,67 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 26,77 điểm (-0,56%), xuống 4.739,21 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 88,72 điểm (-0,59%), xuống 14.855,62 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm khá mạnh, khi những nhận xét diều hâu hơn từ các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) làm giảm kỳ vọng cắt giảm lãi suất, trong khi dữ liệu kinh tế ảm đạm từ Trung Quốc tiếp tục làm xấu đi tâm lý nhà đầu tư.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,16% xuống 467,59 điểm.
Trong phát biểu mới nhất từ các nhà hoạch định chính sách, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, ngân hàng trung ương đang đi đúng hướng để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% nhưng đích đến còn cả một chặng dài, trong khi Giám đốc ngân hàng trung ương Hà Lan Klass Knot cho biết thị trường đang đi quá xa trong việc dự báo nới lỏng tiền tệ.
"Bây giờ, chúng ta đã thấy rằng một số sự lạc quan về việc sớm cắt giảm lãi suất đã kết thúc. Thị trường cần điều chỉnh lại kỳ vọng này và thật không may, việc cắt giảm sẽ không quyết liệt như việc tăng lãi suất mà sẽ chỉ diễn ra từ từ”, Anthi Tsouvali, chiến lược gia đa tài sản tại State Street Global Markets cho biết.
Các nhà giao dịch đã đẩy lùi kỳ vọng vào một đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sang tháng 4 từ dự báo sẽ diễn ra tháng 3. Tuy nhiên, họ vẫn ước tính tổng cộng ECB sẽ cắt giảm khoảng 1,5% lãi suất trong năm nay.
Trong khi đó, dữ liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý IV đã không đạt được kỳ vọng của thị trường và góp thêm phần khiến thị trường lùi bước.
Kết thúc phiên 17/1: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 112,05 điểm (-1,48%), xuống 7.446,29 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 139,99 điểm (-0,84%), xuống 16.431,69 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 79,31 điểm (-1,07%), xuống 7.318,69 điểm.
Giá dầu thô biến động nhẹ do đợt lạnh khắc nghiệt làm gián đoạn một số hoạt động sản xuất dầu của Mỹ đã bù đắp cho lo ngại về nhu cầu năng lượng tại Trung Quốc sau những dữ liệu kinh tế yếu kém của nước này gần đây.
Kết thúc phiên 17/1, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,16 USD/thùng (+0,40%), lên 72,56 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,41 USD/thùng (-0,6%), xuống 77,88 USD/thùng.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-so-ban-le-can-buoc-gioi-dau-tu-post337968.html