Doanh thu của các đơn vị khâu sau chiếm 63% tổng doanh thu của PVN
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng doanh thu của các đơn vị khâu sau chiếm 63% tổng doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí VIệt Nam (PVN).
Ngày 7/7, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch quản trị và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của các đơn vị khâu sau.
Theo thông tin tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng doanh thu của các đơn vị khâu sau chiếm 63% tổng doanh thu toàn Tập đoàn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Xuân Huyên nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát thế giới tuy đã hạ nhiệt nhưng các nền kinh tế lớn tiếp tục đối mặt với tình trạng tăng trưởng kinh tế thấp, nguy cơ suy thoái đã hiện hữu tại một số quốc gia; tổng cầu giảm mạnh, đầu tư thấp, trong khi chi phí vốn cao, nợ công, nợ doanh nghiệp và hàng rào bảo hộ tăng; nhiều nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.
Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine ngày càng phức tạp, rủi ro bất ổn khu vực và cạnh tranh chiến lược gia tăng, thúc đẩy xu hướng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế giữa các khối nước. Các yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường năng lượng thế giới và ngành dầu khí Việt Nam, cũng như các đơn vị khâu sau của ngành.
Ghi nhận nỗ lực của các đơn vị khâu sau trong bối cảnh thị trường khó khăn, kinh tế tăng trưởng thấp, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, với vai trò quan trọng trong sự phát triển của toàn Tập đoàn, các đơn vị khâu sau cần luôn luôn đặt mục tiêu tăng trưởng để phát triển.
Theo đó, các đơn vị khâu sau cần tiếp tục rà soát đầu vào và đầu ra để đưa ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Các đơn vị cần tập trung tăng tốc về chuyển đổi số và đầu tư. Cùng đó, các đơn vị khâu sau cần tổng hợp những vướng mắc khó khăn về cơ chế, pháp luật để kiến nghị với cơ quan chức năng xem xét tháo gỡ, Ngoài ra, việc nâng cao khả năng phân tích và tăng giá trị chuỗi liên kết, tập trung vào hệ sinh thái cũng là giải pháp quan trọng để tiếp tục mở rộng thị trường trong thời gian tới, ông Hùng chỉ rõ.
Theo ông Lê Xuân Huyên, với lĩnh vực công nghiệp khí, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đang vận hành 5 hệ thống đường ống dẫn khí, 3 nhà máy xử lý khí, 13 kho chứa LPG với công suất gần 100 nghìn tấn… Hàng năm, PV GAS cung cấp từ 9 - 11 tỷ m3 khí cho việc sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, trên 70% sản lượng đạm góp phần đảm bảo an ninh lương thực đất nước và 70-80% khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước.
Đối với lĩnh vực điện, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) đang vận hành thương mại 6 nhà máy điện với tổng công suất 4.250 MW với 4 nhà máy nhiệt điện khí với tổng công suất 2.700 MW; 2 nhà máy thủy điện với tổng công suất 350MW; 1 Nhà máy điện điện than với công suất 1.200MW. Hàng năm, PV Power cung cấp trên 17 tỷ kWh, chiếm 8-10% tổng sản lượng điện cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng điện của đất nước.
Với lĩnh vực lọc hóa dầu và phân phối sản phẩm xăng dầu, có 4 đơn vị thành viên tham gia gồm Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo), Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã hình thành, xây dựng và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam và vận hành thương mại an toàn, hiệu quả các công trình trọng điểm dầu khí. Trong lĩnh vực này, hàng năm các đơn vị đáp ứng khoảng 75% nhu cầu xăng dầu và trên 70% nhu cầu phân bón trong nước./.