Doanh thu của cơ sở được khuyến công hỗ trợ tăng 1,12 - 1,36%
Công tác khuyến công trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động dư thừa, đáp ứng tốt phương châm 'ly nông không ly hương', góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn, góp phần tích cực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa, Phạm Bá Oai thông tin,chỉ tính riêng năm 2021 và 9 tháng năm 2022, tỉnh đã triển khai thực hiện 29 đề án thuộc Chương trình Khuyến công quốc gia và Khuyến công địa phương với tổng kinh phí thực hiện 11,76 tỷ đồng.
Các đề án khuyến công được thực hiện cơ bản bảo đảm đúng tiến độ, tập trung hỗ trợ phát triển các ngành nghề và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, gắn với tiềm năng, thế mạnh, làng nghề và sản phẩm truyền thống của từng địa phương trong tỉnh. Các cơ sở công nghiệp nông thôn được khuyến công hỗ trợ đều có doanh thu tăng từ 1,12 - 1,36%, tổng giá trị tài sản tăng từ 1,23 - 1,72%; mở rộng hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương, sức hồi phục sau đại dịch của các cơ sở công nghiệp nông thôn cũng đáng ghi nhận.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả của hoạt động khuyến công, Sở Công thương sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh để triển khai các chương trình theo kế hoạch được phê duyệt. Bên cạnh đó, tiếp tục bám sát nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở công nghiệp nông thôn và thực hiện đúng định hướng chỉ đạo của cấp trên; từng bước hình thành và phát triển các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, hướng tới hoạt động sản xuất hàng hóa định hướng theo nhu cầu của thị trường, nâng cao đời sống người lao động và xây dựng nông thôn mới.