Doanh thu của OpenAI bứt tốc, dự kiến đạt gần 13 tỉ đô la năm 2025
OpenAI dự báo doanh thu sẽ tăng vọt gấp ba lần, lên 12,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2025 và 29,4 tỉ đô la trong năm 2026 nhờ sức hút của phần mềm AI tính phí của công ty này đối với người dùng cá nhân và doanh nghiệp.
Những con số này sẽ củng cố vị thế dẫn đầu của OpenAI trong số những công ty AI tạo sinh hàng đầu hiện nay. Trong khi đó, tại Trung Quốc, doanh thu của các công ty AI, ngay cả DeepSeek, vẫn còn hạn chế.

Doanh thu của OpenAI đang tăng tốc nhờ các mô hình tính phí thu hút người dùng cá nhân và doanh nghiệp. Ảnh: techzine.eu
Hãng tin Bloomberg hôm 27-3 dẫn một nguồn thạo tin cho biết, OpenAI kiếm được doanh thu 3,7 tỉ đô la vào năm ngoái và kỳ vọng doanh thu sẽ tăng gấp 3 lần để đạt 12,7 tỉ đô la trong năm nay.
Công ty khởi nghiệp có trụ sở ở San Francisco dự báo, doanh thu sẽ tiếp tục tăng hơn gấp đôi lên mức 29,4 tỉ đô la trong năm 2026.
Nhưng do liên tục mở rộng đầu tư, OpenAI không kỳ vọng đạt được dòng tiền dương cho đến năm 2029, năm mà công ty dự kiến doanh thu đạt mức 125 tỉ đô la.
Trong hơn hai năm kể từ khi giới thiệu chatbot ChatGPT, OpenAI đã triển khai một loạt các dịch vụ thuê bao cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Hồi tháng 9, OpenAI cho biết đạt một triệu người dùng trả phí cho phiên bản doanh nghiệp của ChatGPT.
Gần đây hơn, công ty bổ sung tùy chọn ChatGPT Pro có mức phí 200 đô la/tháng, cho phép truy cập vào các mô hình AI tiên tiến nhất. OpenAI cũng đang xem xét tính phí hàng ngàn đô la mỗi tháng cho một số sản phẩm AI nhất định.
Trong khi doanh thu tăng vọt, OpenAI cũng đối mặt với chi phí đáng kể từ chip, trung tâm dữ liệu và nhân tài cần thiết để phát triển các hệ thống AI tiên tiến.
Cũng theo các nguồn thạo tin, OpenAI sắp hoàn tất vòng gọi vốn trị giá 40 tỉ đô la do SoftBank của Nhật Bản dẫn đầu, với các nhà đầu tư đồng hành gồm Magnetar Capital, Coatue Management, Founders Fund và Altimeter Capital Management. Magnetar Capital, một quỹ phòng hộ có trụ sở tại bang Illinois, có thể đóng góp tới một tỉ đô la.
Theo dữ liệu của PitchBook, đây sẽ là vòng gọi vốn lớn nhất từ trước đến nay của OpenAI, định giá công ty ở mức 300 tỉ đô la bao gồm cả số tiền huy động. Con số này cao gần gấp đôi mức định giá trước đó của nhà sản xuất ChatGPT là 157 tỉ đô la khi công ty huy động vốn vào tháng 10 năm ngoái.
Những số liệu doanh thu kỳ vọng trên cho thấy OpenAI duy trì khoảng cách khá xa so với các công ty AI tạo sinh hàng đầu trên toàn cầu còn lại.
Hồi đầu tháng 3, Anthropic, một công ty khởi nghiệp (startup) nổi bật khác của Mỹ với Claude AI cũng huy động thành công 3,5 tỉ đô la dựa trên mức định giá 61,5 tỉ đô la. Amazon và Google là những nhà đầu tư chủ chốt của Anthropic. Startup này chuyên phát triển và nghiên cứu các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn, đáng tin cậy và có khả năng giải thích.
Anthropic trực tiếp bán quyền truy cập vào các mô hình AI của công ty hoặc thông qua các dịch vụ đám mây của bên thứ ba bao gồm Amazon Web Services. Sản phẩm tiêu biểu của công ty là chatbot Claude.
Tính đến đầu tháng 3, doanh thu định kỳ hàng năm (ARR) của Anthropic đạt 1,4 tỉ đô la. Điều này có nghĩa là doanh thu hàng tháng gần đây của công ty vào khoảng 116 triệu đô la. Anthropic dự kiến doanh thu có thể đạt tới 34,5 tỉ đô la vào năm 2027 trong kịch bản lạc quan.
Ban lãnh đạo của Anthropic tiết lộ, công ty dự kiến chi tiêu đầu tư ba tỉ đô la trong năm nay, ít hơn đáng kể so với con số 5,6 tỉ đô la vào năm ngoái.
Trong khi đó, xAI, công ty AI của tỉ phú Elon Musk đang đàm phán huy động khoảng 10 tỉ đô la dựa trên mức định giá 75 tỉ đô la. xAI với sản phẩm Grok đã công bố kế hoạch doanh thu 100 triệu đô la hàng năm, nhưng hầu hết con số này dự kiến đến từ các công ty khác của Elon Musk, bao gồm mạng xã hội X.
Tại Trung Quốc, doanh thu của các công ty AI tạo sinh vẫn còn là những con số khiêm tốn.
Trong một bài đăng trên GitHub hồi đầu tháng 3, DeepSeek đã tiết lộ một số con số lý thuyết về chi phí và doanh thu từ hoạt động “suy luận” (inference) của hai mô hình V3 và R1.
Cụ thể, chí phí suy luận hàng ngày của hai mô hình này là khoảng 87.072 đô la, dựa trên giá thuê chip Nvidia H800 là 2 đô la/giờ.
Doanh thu lý thuyết hàng ngày của DeepSeek đạt 562.027 đô la, tương đương khoảng 200 triệu đô la/năm. Điều này dẫn đến tỷ suất lợi nhuận lý thuyết khoảng 545%.
Tuy nhiên, DeepSeek nhấn mạnh, doanh thu thực tế thấp hơn đáng kể do nhiều dịch vụ vẫn miễn phí và chỉ một phần nhỏ được thương mại hóa.
Zhipu AI chiếm vị trí thứ ba về thị phần mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tại Trung Quốc và được xem là một trong “sáu con hổ AI” của nước này. Công ty kiếm được doanh thu gần 40 triệu đô la trong năm 2024.
Được hỗ trợ bởi chính quyền Bắc Kinh và các quỹ đầu tư lớn, công ty đang lên kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) dựa trên mức định giá hơn 2 tỉ đô la.
01.AI, một “hổ AI” khác của Trung Quốc, cũng chỉ ghi nhận doanh thu 21,6 triệu đô la trong năm 2024.
Grand View Research ước tính, doanh thu thị trường AI tạo sinh Trung Quốc đạt 2,54 tỉ đô la vào năm 2024, với dự báo tăng lên 17,61 tỉ đô la vào năm 2030, vẫn kém xa so với doanh thu dự báo 29,4 tỉ đô la của OpenAI trong năm 2026.
DeepSeek đang chọn tập trung vào nghiên cứu thay vì theo đuổi doanh thu, vì nhà sáng lập công ty, tỉ phú Liang Wenfeng quyết định không đi theo các đối thủ ở Thung lũng Silicon bằng cách tận dụng sự gia tăng đột ngột về doanh số.
Kể từ khi ra mắt mô hình R1 gây sốt trên toàn cầu, DeepSeek chứng kiến sự gia tăng về lượng dịch vụ thông qua website của công ty và ứng dụng miễn phí, cũng như từ khách hàng doanh nghiệp trả phí. Theo các nguồn thạo tin, trong tháng 2, doanh thu của DeepSeek lần đầu tiên đủ để trang trải chi phí.
Những người trong ngành cho biết, Liang Wenfeng không có ý định tận dụng sự nổi tiếng bất ngờ của DeepSeek để tăng tốc thương mại hóa các mô hình. Thay vào đó, công ty đang tập trung phần lớn nguồn lực vào việc phát triển mô hình và nỗ lực xây dựng trí thông minh nhân tạo tổng quát (AGI), có khả năng nhận thức giống con người.
Theo Bloomberg, CNBC, Financial Times