Ngoài việc sử dụng ống nhựa bỏ đi làm 'bẫy', mỗi nhà đều có bí quyết riêng trong việc chế biến mồi để săn loài vật lắm chân, chạy nhanh như gió mà giá bán cao.
Cáy là loài động vật giáp xác, sống ở vùng nước lợ. Ngoại hình của loài cáy khá giống cua nhưng trên mai có nhiều vân, chân có nhiều lông, đặc biệt là khả năng chạy rất nhanh nếu phát hiện có nguy hiểm. Những năm gần đây, giá cáy ổn định ở mức trên dưới 50.000 đồng/kg nên người dân ở xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An thường bắt số lượng lớn để nhập cho các thương lái (Ảnh: Hoàng Lam).
Khác với việc bắt "chụp" bằng tay, năng suất thấp như trước kia, nay người dân xã Châu Nhân thường đặt bẫy để gom số lượng lớn, đỡ tốn công sức hơn (Ảnh: Hoàng Lam).
"Bẫy" để săn cáy thường tận dụng chai nhựa đã qua sử dụng. Theo bà Trần Thị Hồng (50 tuổi, trú xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân) việc tận dụng chai nhựa để săn cáy được người dân ở đây "học mót" từ những thợ săn ở Thanh Hóa khi nhóm người này vào đây hành nghề. Những chai nhựa phế liệu sau khi rửa sạch, được cắt bớt phần phía trên, chỉ chừa lại phần ống thân, dài khoảng 15cm. "Ưu điểm của loại ống tận dụng này là có chiều cao, chứa được từ 10-15 con cáy. Khi đặt ở góc 45 độ so với bờ thì cáy không thể bò ra được, đặc biệt thành ống dày, nhiệt độ bên ngoài dù nắng nóng hay lạnh cũng không khiến cáy tìm cách bò ra ngoài", bà Hồng giới thiệu (Ảnh: Hoàng Lam).
Nhiều hộ dân lựa chọn những ống nhựa sẵn (loại sử dụng bán nước mía vỉa hè) để săn cáy. Loại này dù mất chi phí nhưng bù lại có thể xếp thành từng chồng bỏ vào bao tải, đỡ cồng kềnh. Mỗi cốc thường chỉ chứa được từ 5-7 con cáy, nhiều hơn cáy có thể bò ra ngoài. Mặt khác, vỏ cốc mỏng, nếu gặp trời nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cáy khi chưa kịp thu về (Ảnh: Hoàng Lam).
Tuy nhiên, bí quyết săn cáy lại nằm ở loại mồi để dụ cáy ra khỏi hang. Mỗi hộ dân sẽ có một bí quyết riêng trong chế biến mồi săn cáy. Ông Võ Văn Quế, một hộ dân có số lượng bẫy cáy lớn ở xóm Phú Xuân sử dụng cám công nghiệp trộn với nước để thành một hợp chất sền sệt, sau đó đập trứng vịt vào, đánh nhuyễn với hỗn hợp trên để làm mồi (Ảnh: Hoàng Lam).
Ông Quế dùng tay lấy một ít mồi, xoa đều vào thành cốc từ miệng vào khoảng 5cm. Cách này không tốn mồi nhưng dễ dàng dụ những con cáy trốn kỹ trong hang ra. Khi bò theo mùi thức ăn, cáy sẽ rơi hẳn vào trong cốc (Ảnh: Hoàng Lam).
Trong khi đó, mồi săn cáy của bà Trần Thị Hồng lại cầu kỳ hơn. Bà Hồng sử dụng cám gạo rang thơm, giã khuyếc (moi biển khô hoặc tép khô) nát, trộn đều cùng với nước. Thứ không thể thiếu trong mồi săn của bà Hồng là mắm tôm. Mắm tôm sau khi trộn với cám gạo và khuyếc sẽ tạo thành một hỗn hợp rất dậy mùi, thu hút cáy bò ra khỏi hang (Ảnh: H. Thư).
Dụng cụ không thể thiếu của bà Hồng, dùng để lấy mồi quét thành một lớp trong ống nhựa. Theo người phụ nữ này, mồi càng quét sâu trong ống càng tốt, ngoài việc dụ cáy ra khỏi hang còn là thức ăn dự trữ để nuôi cáy trong khi chờ đi trút ống (Ảnh: Hoàng Lam).
Sau khi chuẩn bị ống, mồi, người dân sẽ đi đặt bẫy. Thường bẫy sẽ được đặt vào sáng sớm, khi chưa tỏ mặt người, cũng có thể đặt vào buổi chiều khi thủy triều rút, lộ hang và cáy sẽ bò ra ngoài kiếm ăn. Người dân sẽ dùng chân hoặc cuốc tạo thành một cái "gờ" chắc chắn và đặt ống đã có sẵn mồi vào (Ảnh: Hoàng Lam).
Những chiếc bẫy đặt trước cửa hang, mùi thơm từ mồi sẽ khiến cáy bò ra. Thường sau khi đặt bẫy, người dân sẽ về nhà làm công việc khác, khoảng 2-3 tiếng sau sẽ ra thu hoạch. Việc săn cáy diễn ra quanh năm nhưng sau mùa lụt cáy nhiều hơn, béo mập hơn.
Bẫy được đặt dọc đường hoặc bờ mương, cách nhau tầm 3 bước chân. So với cách săn thủ công như chụp hay câu, vợt như trước đây, săn cáy bằng bẫy tỏ ra hiệu quả và năng suất vượt trội hơn hẳn (Ảnh: H.Thư).
Những chú cáy lọt vào bẫy, không thể thoát ra ngoài. Hiện nay, giá cáy ổn định ở mức trên dưới 50.000 đồng/kg. Mỗi buổi đi săn, người dân có thể thu hoạch từ 5-10kg cáy, bỏ túi từ 250.000-500.000 đồng. "Thực ra mỗi buổi đi bắt cáy chỉ khoảng 3 tiếng đồng hồ, nên tính ra thu nhập từ cáy cao hơn hẳn những công việc khác mà mình còn có thời gian để làm việc đồng áng, ruộng vườn, chăn nuôi...", bà Trần Thị Hồng cho hay (Ảnh: H.Thư).