Dốc đá cổ bị xóa sổ
Nhiều xối đá cổ (dốc đá cổ) có tuổi đời hàng trăm năm tuổi thuộc địa bàn xã Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) đã bị phá bỏ trước sự tiếc nuối của người dân và chuyên gia trong lĩnh vực công tác bảo tàng.
Thời gian qua, người dân thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội bức xúc, tiếc nuối về việc nhiều xối đá cổ hàng trăm năm tuổi gắn liền với cuộc sống sinh hoạt và hoạt động lễ hội của địa phương đã bị đơn vị thi công làm đường phá dỡ thay vào đó là những dốc bê tông hoàn toàn mới. Thậm chí sau khi làm lại đường có xối đá không thể xây lại được vì độ dốc quá lớn.
Theo lời kể của người dân, những xối đá cổ này đã có từ rất lâu. Hàng năm, cứ vào dịp 10/3 âm lịch, Hội Giá gắn liền với di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình Quán Giá đều rước qua những dốc đá cổ này. Việc Hội Giá rước qua những xối đá cổ này đã thành tục lệ từ lâu. Nhưng nay một vài xối đá cổ đã bị thay thế bằng bê tông, còn một xối đá đã bị phá bỏ nhưng đến nay vẫn chưa được làm lại.
“Ngày họ phá dân chúng tôi vẫn giữ lại, dân làng có nhiều kỷ niệm với xối đá. Đi họp dân chúng tôi không đồng ý nhưng các ông ở trên bảo theo xây mới là xây gạch thì dân đành chịu. Dân không đồng ý, kể cả tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng đề nghị nhưng không được”, một người dân nuối tiếc khi nói về những xối đá.
Khi tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử cũng như những hoạt động văn hóa liên quan đến những xối đá cổ đã bị phá bỏ này, phóng viên được người dân giới thiệu tìm hiểu về di tích lịch sử quốc gia đình Quán Giá.
Đình Quán Giá ở thôn Yên Sở, xưa gọi Cổ Sở, tên nôm là làng Giá. Tương truyền, đình được xây dựng lần đầu tiên vào thời Lý Thái Tổ (1010-1026). Đình vốn là đền thờ Lý Phục Man, người làng Giá, một trong các vị tướng tài có công giúp Lý Bí làm nên cuộc khởi nghĩa ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Tuất (542). Ngài cũng từng đánh thắng giặc Lâm Ấp, được Lý Nam Đế gả con gái và ban cho tên Lý Phục Man.
Khi quân Lương quay lại xâm lược, Lý Phục Man đã anh dũng hy sinh trong trận đánh quyết liệt tại thành Tô Lịch năm Giáp Tý (544). Thi hài của Ngài được quàn tại gần hồ Mã, xã Yên Sở, nhân dân vẫn gọi là khu Mả Thánh. Trải qua nhiều năm tháng, cây cối mọc lên um tùm thành một khu rừng gọi là rừng Cấm. Về sau, nhân dân làng Giá đã lập miếu thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài.
Năm 1947, đình Quán Giá bị quân Pháp đốt phá, chỉ còn cổng nghi môn, tam quan nội, hai bức tường và hậu cung. Dân làng sau đó đã trùng tu, tôn tạo đình. Ngày 4/4/1994, ngôi đình đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Gần đây có thuyết nói Lý Phục Man chính là Phạm Tu, một tướng tài khác cũng có mặt từ buổi đầu khởi nghĩa Lý Bí. Việc này cũng khó xét bởi chính sử như “Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ viết về Phạm Tu, còn dã sử như “Việt điện u linh” và “Lĩnh Nam trích quái” lại chỉ nói đến Lý Phục Man.
Với những giá trị lịch sử và kiến trúc, ông Nguyễn Thế Biền- người trông coi đình Quán Giá cho biết: “Từ xưa, khi người dân tế lễ đều rước qua xối đá Văn Chỉ (dốc thôn 1) còn lại 4 dốc là các thôn xóm rước lễ qua các xối đá. Lễ rước hội diễn ra vào mùng 10/3 âm lịch hàng năm.
Giờ mở rộng ra, nhiều xối đá lên dốc không xây bậc được vì đứng quá, Nhà nước làm thì phải sử dụng. Giờ dốc ở Văn Chỉ đứng quá, khi rước qua dốc kiệu to nhưng lại không có chiếu nghỉ”. Theo ghi nhận của phóng viên thì hiện tại dốc này đã bị phá dỡ tan hoang nhưng vẫn chưa được hoàn lại. Được biết, những ngày gần đây, một số viên đá của xối đá được trở về khu vườn của đình Quán Giá.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy- nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Lễ hội tại địa phương này liên quan đến Lý Phục Man có giá trị lớn lao đối với cộng đồng: “Lễ hội của 3 làng xung quanh đấy (di tích Quán Giá) tuy rằng chưa được xem xét là một di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
Cách đây vài năm thì Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa cùng với Sở VHTT Hà Nội đã bàn bạc xây dựng hồ sơ đề nghị đưa di sản văn hóa phi vật thể này để xét công nhận. Tuy nhiên do ba xã chưa có sự thống nhất”.
Cùng với đó, PGS.TS Nguyễn Văn Huy khẳng định lễ hội văn hóa phi vật thể Quán Giá gắn liền với di sản văn hóa vật thể là đường đê khi rước lễ hội có xối đá: “Chúng ta phải đặt những xối đá (dốc đá) trong bối cảnh văn hóa phi vật thể vô cùng tuyệt vời của khu vực Yên Sở và Dương Liễu. Cho nên việc phá các xối đá để thay bằng gạch hay bê tông thì tôi thấy rất là phí. Hiện nay, người dân nơi đây nhận ra việc làm đó chưa đúng và ảnh hưởng đến di sản”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doc-da-co-bi-xoa-so-548192.html