Dọc dải sông Hồng: Từ cột cờ Lũng Pô đến đền thiêng Bảo Hà
Sông Hồng chảy qua nhiều tỉnh, thành phố nước ta trước khi hòa mình vào biển Đông mênh mông, khi chảy vào Việt Nam tại Lào Cai sông chảy thành một đường thẳng thông suốt, mạnh mẽ, phách khí giữa những dáng núi, dáng đồi điệp trùng. Sông Hồng không chỉ là nét chấm phá, tạo nên sự hài hòa của thắng cảnh mà đang là mạch nguồn của những ý tưởng, đồ án, quy hoạch lớn.
Lịch sử loài người đều gắn với những dòng sông và trong tiến trình phát triển, các nền văn minh đều gắn với những dòng sông lớn, như nền văn minh Ai Cập cổ đại gắn với dòng sông Nile; nền văn minh Lưỡng Hà gắn với sông Tigris và Euphrates; nền văn minh Ấn Độ đi liền với sông Hằng; sự rực rỡ của nền văn minh cổ đại Trung Hoa vốn gắn với sông Hoàng Hà; với người Việt cổ, nền văn minh cũng gắn chặt với sông Hồng, sông Mã.
Miền đất “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” sông Hồng kéo dài từ cột cờ Lũng Pô (Bát Xát) đến khu vực đền Bảo Hà (Bảo Yên), suốt dọc triền sông là những bản làng, phố phường tụ hội.
Hôm nay đây, hòa theo dòng chảy đổi mới, phát triển đất nước, dòng “sông Mẹ” trên địa bàn tỉnh Lào Cai lại mang sứ mệnh là nơi khởi nguồn của những tư duy đột phá, bước đi sáng tạo với những bản quy hoạch tả thực và soi bóng tương lai.
Trong nắng ấm ban mai, giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng, nền trời xanh cao vời vợi, Quốc kỳ 5 cánh sao vàng khổ rộng trên đỉnh cột cờ Lũng Pô bay phấp phới, uy phong, mạnh mẽ. Đứng cách khá xa chúng tôi đã nghe rõ tiếng vỗ của lá cờ Tổ quốc vang lên trong gió, tiếng vang ngân của quốc kỳ như bản hoan ca giữa miền biên ải mênh mang.
Từ chân cột cờ, nơi ngã ba suối Lũng Pô hòa vào “sông Mẹ”, chúng tôi bám theo đường tuần tra biên giới để tới thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung. Thôn Lũng Pô gồm 85 hộ, mới sáp nhập từ 74 hộ đồng bào Mông thôn Lũng Pô I và 11 hộ đồng bào Nùng ở thôn Lũng Pô II. Thôn Lũng Pô ở sát mép suối Lũng Pô cũng là biên giới ngăn cách huyện Bát Xát (Lào Cai, Việt Nam) với huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).
Đón chúng tôi là Bí thư Chi bộ Ma Seo Lằng, sinh năm 1982, người tiêu biểu của thôn về tiên phong phát triển kinh tế. Anh Lằng là một trong những người đầu tiên của thôn đưa cây chuối mô, dứa Cayenne vào trồng trên địa bàn. Học theo anh Lằng, nhiều hộ làm theo, nhờ đó những ngôi nhà xây kiên cố, xe ô tô xuất hiện ở thôn ngày càng nhiều.
Mới đây, anh Lằng tiếp tục đi đầu trong việc trồng cam, trồng mít Thái và đang cho hiệu quả kinh tế rất tốt, nhiều hộ trong thôn thấy thế cũng bắt đầu làm theo.
Sự năng nổ của Bí thư Chi bộ Ma Seo Lằng cũng là nối tiếp, thừa hưởng tính tiên phong của bố anh - ông Ma Seo Páo, sinh năm 1961, người luôn được bà con trong thôn tôn là “thủ lĩnh”.
Năm 2006, ông Páo khi đó làm trưởng một thôn của xã biên giới Dìn Chin (huyện Mường Khương) đã đăng ký với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tổ chức cho 40 hộ làm một cuộc “thiên di” về nơi ở mới là Lũng Pô I, cách nơi ở cũ 150 km.
Cuộc mưu sinh gian khó những ngày mới “lập địa” giờ đã được bù đắp bằng vườn cây trái sum suê, cậu bé Ma Seo Lằng ngày ấy mới lẫm chẫm biết đi, giờ đã làm Bí thư Chi bộ thôn, em trai của anh Lằng là đồng chí Ma Seo Củi hiện là Chủ tịch UBND xã A Mú Sung, một người con nữa của ông Páo hiện là bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát.
“Hồi xưa ở Dìn Chin khó khăn về nguồn nước quá mới phải di cư. Giờ thì bà con trong thôn xác định gắn bó lâu dài ở đất này rồi, ở đây để giữ đất, giữ rừng, giữ Tổ quốc thiêng liêng”, ông Ma Seo Páo bảo.
Rời mảnh đất “rồng bố”, chúng tôi bon bon trên Tỉnh lộ 165 chạy dọc theo dòng sông Hồng về trung tâm huyện lỵ Bát Xát. Trong câu chuyện với phóng viên, ông Phạm Năng Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện say sưa nói về những bản thiết kế về giao thông dọc sông Hồng, về cây cầu nối xã Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) tới khu Bá Sái, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đang chuẩn bị khởi công xây dựng; về những đô thị và khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp bám theo sông Hồng hoặc các trục kết nối ngang với khu du lịch Y Tý, với Sa Pa.
Trong câu chuyện của Phó Chủ tịch huyện Bát Xát, tôi nhận rõ màu cổ tích, cổ tích trong đời thường về đánh thức giấc ngủ tiềm năng phát triển huyện nghèo từ những khúc quanh của sông Hồng.
Đến thời điểm này, dọc sông Hồng, ngoài các đô thị hiện có như thị trấn Bát Xát, thành phố Lào Cai, thị trấn Phố Lu, tỉnh còn đang có quy hoạch một số đô thị mới như Bản Vược, Trịnh Tường, Bảo Hà - Tân An. Tỉnh Lào Cai đã cho kè 51 km dọc hai bờ tả, hữu sông Hồng và có 8 cây cầu (1 cầu đường sắt) bắc qua sông này, theo quy hoạch tổng số cầu xây dựng là 21.
Trò chuyện với phóng viên, ông Bùi Văn Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai, người có nhiều đóng góp cho các bản phác thảo quy hoạch trục động lực dọc sông Hồng đã dành sự quan tâm đặc biệt tới dự án thủy điện dự kiến xây dựng tại xã Thái Niên (Bảo Thắng) và xã Bảo Hà (Bảo Yên).
Theo ông Tuấn, không chỉ là hàng trăm MW điện năng từ mỗi dự án mà sông Hồng còn mang lại nhiều lợi ích như trị thủy, phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển thủy sản và điều hòa khí hậu, tạo cảnh quan cho các đô thị gắn với phát triển du lịch.
Ông Tuấn cũng dẫn chứng về những thành phố tươi đẹp trên thế giới gắn liền với các dòng sông như St. Peterburg (Nga) với dòng Neva, Paris (Pháp) có dòng sông Seine, London (Anh) với dòng sông Thames, Thượng Hải (Trung Quốc) với dòng sông Hoàng Phố, thủ đô Seoul với dòng sông Hàn, ở trong nước là Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng cũng có những con sông chảy qua lòng.
Vượt qua thành phố Lào Cai, chúng tôi tới một trong những điểm nhấn trục động lực phát triển của tỉnh, đó là huyện Bảo Thắng. Ông Ngô Minh Quế, Chủ tịch UBND huyện cho biết, đoạn sông Hồng đi qua huyện có chiều dài khoảng 35 km, hiện đã có 3 quy hoạch chung được phê duyệt liên quan đến huyện Bảo Thắng.
Di chuyển trên cao tốc, từ thị trấn Phố Lu, chưa kịp nghe hết đôi ba bản nhạc, xe đã tới đô thị Bảo Hà - Tân An, nơi có ngôi đền thiêng thờ Thần Vệ quốc Hoàng Bảy - danh tướng có công lớn trong đánh đuổi giặc phương Bắc, giữ yên giang sơn bờ cõi đất nước.
Trong khoảng 8 năm qua, đồng bào khắp cả nước đã công đức hàng trăm tỷ đồng phục vụ việc tôn tạo, mở rộng quy mô, không gian đền Bảo Hà. Từ trên cầu Bảo Hà nhìn xuống dòng sông Hồng rộng lớn, dáng cong của mái đền thiêng in đậm vào sóng nước lăn tăn ánh bạc. Dòng nước ấy, con sóng ấy mang theo hồn sông núi Lào Cai ngày mai sẽ xuôi dòng về miền đồng bằng trước khi đổ ra biển cả mênh mông…
Hơn 100 km từ cột cờ Lũng Pô đến ngôi đền thiêng, sông Hồng vẫn đang bồi đắp không chỉ những hạt phù sa đỏ nặng cho vùng châu thổ mà còn là biểu trưng của trục động lực, tạo sức mạnh để Lào Cai tiến nhanh, vững bước về phía trước.
Sông Hồng có tổng chiều dài 1.126 km, đoạn qua Việt Nam dài 510 km, chảy qua 9 tỉnh, thành phố trước khi đổ ra Biển Đông. Điểm đầu sông Hồng trên đất Việt là thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát và điểm cuối là cửa Ba Lạt - ranh giới hai tỉnh Nam Định và Thái Bình. Riêng đoạn qua tỉnh Lào Cai, sông Hồng có chiều dài 128 km, chảy qua 5 huyện, thành phố.