Trong không gian rộng hơn 100 m2, anh Nguyễn Quốc Dũng trưng bày hàng nghìn hiện vật, cổ vật cũng như những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của bà con dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên.
Những chiếc gùi, đơm bắt cá, cồng chiêng, chum ché... được chủ nhân sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng.
Theo lời anh Nguyễn Quốc Dũng (bên trái), mỗi một món đồ đều gắn liền với một giai đoạn lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc.
Trong hơn 5.000 cổ vật, hiện vật đa số vẫn còn nguyên vẹn, cũng có một vài món bị sứt mẻ, nhưng anh vẫn quý trọng, bảo quản kỹ lưỡng, bởi theo anh, mỗi đồ vật đều có những giá trị riêng.
Trong bộ sưu tập của anh Dũng quý và có giá trị nhất là ché “mẹ bồng con”. Chiếc ché này có niên đại từ thế kỷ 18 - 19, xuất xứ châu Ổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là vật dụng mang tính biểu tượng thiêng liêng của tình mẫu tử, tôn vinh chế độ mẫu hệ toàn quyền đã tồn tại song hành với sự xuất hiện của các sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Nhiều đồ trang sức như; vòng, vàng, nhẫn, bông tai gắn với đời sống người DTTS được anh Dũng gìn giữ cẩn thận.
Để có được những hiện vật, cổ vật này, suốt nhiều năm qua anh Dũng phải rong ruổi khắp các thôn, buôn làng vùng DTTS các tỉnh Tây Nguyên.
Thời gian tới, anh Dũng mong muốn tìm được những người cùng đam mê để có thể tổ chức các buổi trưng bày cổ vật, hiện vật Tây Nguyên. Nhằm giúp thế hệ trẻ có cơ hội thưởng thức, chiêm ngưỡng sản phẩm độc đáo của cha ông để lại.
Bảo Yên