Độc đáo các loại món ăn cúng rằm tháng Giêng

Người Việt luôn tâm niệm, 'Cúng cả năm không bằng cúng rằm tháng Giêng'. Có lẽ vì vậy, mâm cúng của ngày lễ lớn đầu tiên trong năm lúc nào cũng rất tươm tất. Không chỉ vậy, nhiều người còn tìm những món độc, lạ để cúng rằm.

Bánh bao hình quả quýt

Món ngọt là một trong những món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng. Khác với món mặn truyền thống, các món ngọt cúng rằm có nhiều biến thể. Vì vậy, cứ đến rằm tháng Giêng, các cửa hàng bán bánh ngọt cũng cho ra mắt nhiều loại bánh độc đáo và đẹp mắt.

Những chiếc bánh bao mang hình dáng quả quýt đang được người tiêu dùng ưa chuộng trong dịp rằm tháng Giêng năm nay. Bánh bao quýt có hình dạng giống quả quýt, hương vị tương tự như những chiếc bánh bao ngọt thông thường, nhân chay hoặc nhân đậu xanh xay nhuyễn. Bánh có ưu điểm là gọn, nhẹ và có tạo hình ấn tượng. Ngoài ra, quả quýt cũng tượng trưng cho một năm làm ăn phát tài, thuận buồm xuôi gió. Chính vì lẽ đó, người tiêu dùng đã chọn bánh bao quả quýt để đi lễ chùa và các cửa hàng bán một set bánh gồm 5 chiếc với giá 75.000 - 120.000 đồng. Hầu hết những chiếc bánh này đều là hàng handmade và bán online. Khách hàng phải đặt trước từ 1-2 ngày, sau khi mua về phải hấp lên mới dùng được.

Bánh bao có hình dạng y hệt một quả quýt

Bánh bao có hình dạng y hệt một quả quýt

Chị Mai, nhân viên văn phòng và chủ một tiệm bánh online, cho biết, chị đã nhận được gần 200 đơn hàng đặt mua bánh bao quýt và giao hàng vào chiều ngày 14 tháng Giêng. "Vì bánh bao này không để được lâu, chỉ tầm 1 - 2 ngày mở hộp nên cũng phải đến sát ngày, tôi mới bắt đầu làm. Vì vậy cũng không thể sản xuất quá nhiều được."

Chị Mai cũng như nhiều cửa hàng bánh khác luôn trong tình trạng tất bật từ ngày mùng 10 âm tới nay. Nhiều cửa hàng đã bán ra hàng chục nghìn chiếc bánh trong dịp này.

Đây không phải năm đầu tiên bánh bao nặn hình hoa quả được người tiêu dùng tìm mua vào dịp rằm tháng Giêng. Tết Nguyên tiêu năm 2020, hình ảnh những chiếc bánh bao nặn hình quả đào tiên cũng được người tiêu dùng thích thú.

Bánh trôi hoa đậu biếc và bánh trôi ngũ sắc

Chè trôi nước mang ý nghĩa mọi việc quanh năm sẽ hanh thông, trôi chảy. Vì vậy, trong ngày rằm đầu tiên của năm, nhiều người thường đặt thêm một đĩa chè trôi nước vào mâm cơm cúng gia tiên.

Bên cạnh bánh trôi nước màu trắng nếp như truyền thống, bánh trôi hoa đậu biếc và bánh trôi ngũ sắc cũng được ưa chuộng. Bánh trôi hoa đậu biếc có màu xanh từ hoa đậu biếc, trông thanh nhã nhưng bắt mắt. Bánh trôi ngũ sắc được làm từ vừng, dừa, bột sắn dây, gạo nếp và nguyên liệu tạo màu như lá nếp, lá cẩm,…

Bánh trôi hoa đậu biếc

Bánh trôi hoa đậu biếc

Bánh trôi ngũ sắc

Bánh trôi ngũ sắc

Trên thị trường hiện nay thường không bán bánh trôi đã nấu sẵn mà bán theo set bột. Một set bột bánh trôi ngũ sắc có đầy đủ bột bánh, nhân, vừng,… có giá giao động từ 50.000 – 80.000/1 set.

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc vốn là món ăn truyền thống nổi tiếng của người dân vùng cao Tây Bắc. Theo quan niệm của một số đồng bào các dân tộc thiểu số như: Cao Lan, Tày, Nùng, Thái,…, mỗi màu sắc thể hiện những ý nghĩa triết lý vũ trụ, nhân sinh trong "ngũ hành": kim - màu vàng, mộc - màu xanh, thủy - màu trắng, hỏa - màu đỏ, thổ - màu tím... Làm từ lá cây rừng và nếp hương, xôi ngũ sắc vừa mang vẻ đẹp của mùa xuân, vừa có hương thơm ngào ngạt, dẻo quánh, béo ngậy.

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc

Một cửa hàng chuyên nhận làm cỗ ở Hàng Bè, Hà Nội cho biết, một đĩa xôi ngũ sắc có giá 90.000 đồng. Năm nào cửa hàng này cũng nhận đặt hàng nghìn đĩa xôi. Xôi ngũ sắc được tạo màu từ những vật liệu tự nhiên như màu xanh từ lá nếp, màu đỏ của gấc, màu tím của lá cẩm, màu vàng của nghệ, màu trắng của nếp nguyên bản.

Hiện nay, thị trường đồ cúng đã trở nên bão hòa. Vì vậy, để có thể tồn tại, các chủ nhà hàng, tiệm bánh thường phải tìm tòi và sáng tạo từ những món ăn truyền thống.

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doc-dao-cac-loai-mon-an-cung-ram-thang-gieng-152787.html